ĐBQH Trần Hoàng Ngân: TP.HCM được cân nhắc hỗ trợ 2.000 tỉ đồng

Tối 23-9, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết kinh phí chống dịch của TP hiện rất căng thẳng, dự toán cần 38.800 tỉ đồng, vậy nên đề xuất Thủ tướng xem xét hỗ trợ gần 28.000 tỉ. Đến 23-9, thông tin nhận được là sẽ cân nhắc hỗ trợ 2.000 tỉ.

mat-bang-hcm0-1632403298844612314619-1632462427.jpg
Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của TP.HCM, do đó TP cần nguồn lực lớn để phòng chống dịch và khôi phục sản xuất kinh doanh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đó là phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân tại buổi giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19 vào ngày 23-9.

Tại buổi giám sát việc thực hiện nghị quyết 42, 154, 68 của Chính phủ và nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho hay TP.HCM hiện đang cần nguồn lực lớn để phòng, chống dịch và giải quyết bài toán an sinh, an dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 23-9, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho hay kinh phí chống dịch của TP hiện nay rất căng thẳng, TP đã dự toán cần 38.800 tỉ đồng. 

TP đã huy động mọi nguồn lực dự phòng, dự trữ được 10.800 tỉ đồng, do đó TP mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho TP nguồn kinh phí gần 28.000 tỉ đồng. 

Theo ông Ngân, đến thời điểm này (ngày 23-9) TP chưa nhận được tiền, song được thông tin là sẽ cân nhắc hỗ trợ 2.000 tỉ đồng.

PGS.TS Ngân cho hay con số 2.000 tỉ đồng tuy lớn, song so với nhu cầu phòng chống dịch của TP thời điểm này là quá khiêm tốn.

Do đó, trung ương cần hỗ trợ thêm cho TP bằng cách cân đối các nguồn tài chính, hỗ trợ thêm nguồn lực để TP.HCM có thể chăm lo cho sức khỏe, cuộc sống của nhân dân đầu tàu kinh tế tốt hơn, bởi hiện vẫn còn trên 40.000 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện và khoảng 60.000 F0 đang điều trị tại nhà và tầng 1. 

"Dẫn những con số trên để thấy rằng nhu cầu về nguồn lực để phòng, chống dịch tại TP hiện rất lớn và cấp bách. Bên cạnh đó, TP cũng phải nỗ lực để giải quyết bài toán an sinh xã hội và an dân khi TP thực hiện giãn cách, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều tạm ngưng hoạt động trong các tháng vừa qua khiến nguồn thu ngân sách của TP cũng giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Ngân nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho hay trong 5 năm vừa qua, TP đã thu hộ và chuyển về trung ương trên 1,4 triệu tỉ đồng, riêng năm 2019 đã chuyển về trung ương khoảng 330.000 tỉ đồng, trung bình mỗi năm đều chuyển về trung ương trên 300.000 tỉ đồng.

Vì thế, ông Ngân cho rằng trung ương cần xem xét, điều tiết nguồn lực cho TP, hỗ trợ lúc TP gặp khó khăn, ít ra có thể tạo cơ chế để TP có thể xoay xở, tạo nguồn thu để bù đắp những khoản chi chống dịch.

Về cơ chế, ông Ngân cho hay sẽ có những giải pháp về huy động nguồn thu mà trung ương và TP sẽ cùng bàn lại để có cơ chế thích hợp nhất, song có thể có những cách giải quyết như cho TP phát hành trái phiếu ra sao, tăng nợ công như thế nào, hỗ trợ TP về cổ phần hóa, điều chỉnh các dự án đầu tư công, chính quyền đô thị...

"Điều này giúp TP có nguồn lực để phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi, bắt nhịp lại nhịp sống kinh tế của địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đóng góp 27% thu ngân sách cả nước", ông Ngân nói.  

Theo báo Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dbqh-tran-hoang-ngan-tphcm-duoc-can-nhac-ho-tro-2000-ti-dong-a152223.html