Dự án Khu dân cư đô thị xứ Đồng Biền có tổng mức đầu tư là 230,018 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến là 30,972 tỷ đồng. Dự án được đầu tư trên tổng diện tích 136.638 m2.
Tham gia Dự án Khu dân cư đô thị xứ Đồng Biền
Dự án được đầu tư với quy mô xây dựng thô có hoàn thiện mặt ngoài của 63 căn nhà liền kề và 12 căn biệt thự dọc tuyến đường Phan Kính, Xuân Diệu và tuyến đường quy hoạch 24 m.
Đối với đất ở liền kề, mật độ xây dựng từ 60% đến 80%; hệ số sử dụng đất tối đa 0,5 - 2,1 lần; tầng cao 1 - 4 tầng; Đất ở dạng biệt thự có mật độ xây dựng 50 - 70%; hệ số sử dụng đất tối đa 0,5 - 2,1 lần; tầng cao 1-3 tầng. Đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng có mật độ xây dựng 18 - 22%; hệ số sử dụng đất tối đa 0,2 - 0,5 lần; tầng cao 1 - 2 tầng.
Đối với phần diện tích đất ở còn lại sẽ xin phép cấp có thẩm quyền cho phép chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch được duyệt.
Hiện trạng khu đất chưa được giải phóng mặt bằng, khu vực quy hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp và một phần là đất đường giao thông, đất nhà văn hóa xóm và đất ở. Thời gian triển khai dự án là 24 tháng kể từ ngày hợp đồng thực hiện có hiệu lực.
Theo quy hoạch về hệ thống đô thị Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 thì Can Lộc nằm trong trục đô thị dọc theo quốc lộ 1 và quốc lộ ven biển gắn với đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Vì vậy, đầu tư xây dựng khu dân cư trên nhằm đáp ứng nhu cầu đất ở cho người dân trên địa bàn thị trấn Nghèn và các xã lân cận, dần hoàn thiện chương trình phát triển đô thị thị trấn, tạo thành chuỗi kết nối về thương mại - dịch vụ khác trên địa bàn.
Về phía hai nhà đầu tư, đối với Công ty CP Bất động sản Hano-Vid tiền thân là Công ty CP Dệt Hà Đông, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội và Công ty TCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings). Công ty này được thành lập năm 2010, (có trụ sở tại 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Khoảng 2 năm trở lại đây Hano – Vid được biết đến là thành viên của Tập đoàn TNR Holdings khi cùng với TNR Holdings liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ, có quy mô từ vài chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu là các tỉnh phía bắc.
Tiêu biểu như ở Hà Nội, TNR Holdings sở hữu hàng loạt dự án như: TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Láng Hạ (Sky City), TNR Nguyễn Chí Thanh, TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex...; tại TP.HCM, TNR Holdings nắm giữ các dự án như: TNR Nguyễn Công Trứ, TNR The GoldView...
Ông chủ Công ty CP tập đoàn BĐS Lan Hưng là ai?
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng mới được thành lập 5 năm lại nay (26/8/2016, có trụ sở tại Ngã tư Đông Côi, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Thời điểm thành lập công ty có vồn điều lệ là 20 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động vốn điều lệ đã lên tới 800 tỷ đồng. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
Thành phần cổ đông chủ chốt trong hội đồng quản trị của BĐS Lan Hưng tính từ cuối 2020 đến nay gồm: Chủ tịch HĐQT là Ông Vương Quốc Toàn (SN 1966), nắm giữ 48.000.000 cổ phiếu tương đương 60% vốn điều lệ; hai thành viên bà Vương Thị Hạnh và bà Nguyễn Thị Hưng nắm 16.000.000 cổ phiếu tương đương 20% vốn điều lệ.
Về tình hình kinh doanh, năm 2018, BĐS Lan Hưng đã đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội với quy mô 6-18ha, tổng mức đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng.
Tiếp đó, đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng khu nhà ở xã hội, diện tích sử dụng đất dự kiến 10 – 18ha; tổng mức đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng; đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng dự án khu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; BĐS Lan Hưng còn đăng ký với UBND tỉnh Hà Giang là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 59.590m2. Ngoài ra, vào tháng 6/2020 doanh nghiệp này còn đề xuất thực hiện dự án nhà ở xã hội tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku, Gia Lai).
Mới đây nhất, vào tháng 8/2021, BĐS Lan Hưng đã được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy. Quy mô rộng khoảng 11 ha, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1.042 tỷ đồng. Trong đó tổng chi phí thực hiện dự án là gần 937 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 106 tỷ đồng.
BĐS Lan Hưng cũng tham gia vào lĩnh vực nhà ở thương mại , khi cạnh tranh với Công ty TNHH Vĩnh Thiện Đà Nẵng tại dự án Khu đô thị Tam Nông (Phú Thọ). Dự án có diện tích sử dụng đất dự kiến là 21,62ha thuộc Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông (tổng diện tích 498ha).
Tổng tài sản của BĐS Lan Hưng đến nay đạt 800,4 tỷ đồng, gấp 40,2 lần so với năm 2016. Với việc liên tục thực hiện nhiều dự án, không ngạc nhiên khi tổng tài sản của BĐS Lan Hưng giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của công ty không mấy khả quan khi công ty không phát sinh doanh thu trong giai đoạn 2016 - 2019, lợi nhuận mỗi năm cũng chỉ ở mức vài chục triệu đồng.
Theo Huy Hùng/Doanh nhân Việt Nam