Đâu là nguyên nhân cốt lõi?
Ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc đang bị kẹt trong những khó khăn nhiều mặt. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi sinh trở lại sau đại dịch COVID-19, nhu cầu năng lượng đã tăng vọt, dẫn đến giá nhiên liệu tăng vọt và những điều này lại đang diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc đi vào suy thoái cùng tỷ lệ lạm phát gia tăng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá than ở Trung Quốc tăng cao và một số doanh nghiệp nhiệt điện than đang phải gánh chịu những khoản lỗ nguy hiểm.
Đầu tháng 9, hãng tin CNN Business đưa tin về tình hình kinh tế Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng: “Lạm phát đang tăng vọt và chỉ số giá sản xuất của nước này đạt mức cao nhất trong 13 năm. Bắc Kinh đã cảnh báo rằng chi phí cao của các nguyên liệu thô như năng lượng và các sản phẩm hóa dầu sẽ làm trầm trọng thêm thách thức tăng trưởng mà các nhà sản xuất phải đối mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Trung Quốc, vốn được biết đến như là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới, đang phụ thuộc nhiều vào dầu từ nước ngoài để giữ cho nền kinh tế phát triển.
Nhưng cũng chính trong bối cảnh đáng lo ngại này, Bắc Kinh lại đưa ra quyết định mang tính lịch sử khi bán bớt một số lượng lớn dầu mà Bắc Kinh đã tích trữ trong nhiều năm trong một khu dự trữ chiến lược. Điều này đã đặt trung tâm chính sách năng lượng của Trung Quốc vào trạng thái nguy cơ. Giờ đây, trọng tâm duy nhất của Bắc Kinh dường như chỉ là việc “kiểm soát thiệt hại”.
Gần đây, với nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, một số tỉnh của Trung Quốc thậm chí đang trải qua tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua. Và để khiến cho mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn, giá than đã bắt đầu leo thang, các công ty điện lực của Trung Quốc đang phải đối mặt với khả năng phá sản rất thực tế.
Hiện tại, than đá đang chiếm hơn 50% tổng năng lượng của Trung Quốc, và một cuộc đụng độ gần đây với Australia đã khiến nguồn cung than của Trung Quốc trở nên đặc biệt khan hiếm trước khi nhu cầu tăng đột biến gần đây. Trên thực tế, lệnh cấm vận không chính thức đối với than của Australia được cho là đã gây ra tình trạng mất điện trên khắp Trung Quốc vào đầu năm nay.
Nguy cơ cho các công ty nhiệt điện
Giờ đây, nhiều nhóm công ty nhiệt điện than đang kiến nghị chính phủ Trung Quốc về việc tăng giá điện của người dân Trung Quốc để duy trì hoạt động. Nhưng ngay cả khi tăng giá điện để đối phó với chi phí vận hành tăng, các công ty này cũng chỉ có thể tăng giá tối đa 10%, bởi đó là giới hạn mà cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nước này, đã đặt ra vào năm ngoái.
Mối nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt các công ty nhiệt điện than Trung Quốc.
Các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc hiện đang kêu cứu khi cho rằng, chính phủ nước này “cần phải làm một cái gì đó”.
Theo tờ South China Morning Post, Hiệp hội Công nghiệp Điện lực Bắc Kinh đã gửi một lá thư đến Ủy ban Quản lý Đô thị thành phố Bắc Kinh kiến nghị về việc tăng giá điện vào đầu tháng này. Theo đó, “Năm công ty thành viên đã lỗ trong bảy tháng đầu năm, từ 20 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD) đến 192 triệu nhân dân tệ (gần 30 triệu USD).
Cũng theo báo cáo của tờ South China Morning Post, đơn kiến nghị lặp lại một bức thư được gửi bởi 11 công ty nhiệt điện than trong lưới điện Bắc Kinh-Thiên Tân-Đường Sơn vào tháng trước, cho biết họ đang thua lỗ và sắp phá sản do giá than tăng mạnh. Tính đến tháng 7 năm nay, giá than đã tăng 65,3% so với một năm trước đó.
Có thể nói, mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt và khả năng suy thoái kinh tế kéo dài khiến nhiều người tự hỏi “liệu Bắc Kinh sẽ phải che đậy nguy cơ tiềm ẩn đang rình rập hay là họ sẽ sớm phải chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức từ Australia để đáp ứng nhu cầu”?
Bên cạnh đó, người ta cũng đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có thể duy trì các cam kết về khí hậu, vốn chủ yếu xoay quanh việc cắt giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào than đá, nhiên liệu hóa thạch với lượng khí thải carbon lớn nhất? Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn nhất đang phải chịu trách nhiệm chính trong việc tăng nhu cầu và tăng giá than toàn cầu ngay cả khi cộng đồng toàn cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo Nguyễn Chuẩn/Diễn đàn doanh nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-dau-cac-cong-ty-nhiet-dien-trung-quoc-co-nguy-co-pha-san-a152226.html