Cơ ngơi kín tiếng của của ông chủ Liên hợp Xây dựng Vạn Cường

Từng gây ồn ào với thương vụ thâu tóm Tổng công ty Vận tải Thuỷ và Hãng phim truyện Việt Nam, song Liên hợp Xây dựng Vạn Cường cùng doanh nhân Nguyễn Thuỷ Nguyên nhìn chung vẫn là những cái tên còn nhiều xa lạ với đa phần công chúng.

anh1_zing1

Ông Nguyễn Thủy Nguyên. Ảnh Internet

Dự án cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, gói thầu XL8 có giá trị 945,2 tỷ đồng do liên danh Định An - CTCP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN EC - CTCP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacino - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường thực hiện.

Trong đó, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường được ông Nguyễn Thủy Nguyên thành lập từ năm 1992. Vạn Cường là nhà thầu tham gia một số dự án cầu đường lớn của ngành giao thông như quốc lộ 1A, quốc lộ 14.

Doanh nghiệp này cũng có những hợp đồng kinh tế với nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải (Bộ GTVT). Có thể kể đến như hợp đồng kinh tế số 28/HĐKT-XL-VEC/2007 giữa Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Vạn Cường; hợp đồng xây dựng số 189/XĐXD-CIPM giữa Liên danh công ty Đầu tư Xây dựng Quyết Tiến và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường với Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long về việc thi công gói thầu số 04 "Xây dựng đường Gom phía Vĩnh Long" thuộc dự án "Xây dựng Cầu Cần Thơ"; hay hợp đồng số 54/HĐ-XD ký giữa Tổng công ty xây dựng công trình Giao thông 8 và Công ty Vạn Cường…

Dù vậy, phải đến năm 2014, tên tuổi của Việt Cường mới bắt đầu được chú ý nhiều hơn khi thâu tóm cổ phần tại Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO). Đây có thể nói là một thương vụ đánh đấu bước ngoặt lớn trong chiến lược đầu tư của Vạn Cường.

Theo đó, ngày 19/3/2014, VIVASO đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần (tương đương 46% vốn điều lệ). Tuy nhiên, VIVASO chỉ bán ra được hơn nửa triệu cổ phần, với mức đấu giá thành công là 10.000 đồng/cổ phần.

Số cổ phần còn lại một tuần sau phiên đấu giá đã được Vạn Cường xin mua hết toàn bộ với số tiền bỏ ra là 140 tỷ đồng, dù rằng ông Nguyễn Thủy Nguyên thời điểm ấy chia sẻ với báo chí: “Vận tải thủy nghèo, cổ phần bán không ai mua”. Đến năm 2016, Vạn Cường tiếp tục mua lại toàn bộ 22,42% vốn nhà nước khi Bộ Giao thông Vận tải thoái với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng.

Sau khi chi hàng trăm tỷ để thâu tóm VIVASO, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã trở thành tân Chủ tịch VIVASO và được kế thừa nhiều khu đất vàng của VIVASO gồm các cảng sông lớn nhất miền Bắc như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc...và trụ sở VIVASO tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội với diện tích gần 800m2, ước tính mỗi mét vuông đất tại đây có giá thị trường lên tới cả trăm triệu đồng. 

Screenshot (1213)

VIVASO sau cổ phần hoá hoạt động có phần trầm lắng và chưa được như kỳ vọng về một sự bứt phá mạnh mẽ của đầu tàu trong ngành vận tải thuỷ. 

Tuy nhiên, số liệu kinh doanh thể hiện VIVASO vẫn tăng trưởng các năm qua. Giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản của VIVASO tăng 82% lên 787,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng nhẹ 10% lên 260 tỷ đồng. Về hiệu quả hoạt động, doanh thu của VIVASO cũng tăng đều qua các năm và đạt đỉnh 406,7 tỷ đồng năm 2019, lãi sau thuế tương ứng là 7,9 tỷ đồng.

VIVASO từng gây ồn ào với thương vụ chi 32,5 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần của Hãng phim Việt Nam (VFS) vào năm 2016.

Ông chủ Vạn Cường thông qua đó nắm thêm quyền tại hàng loạt khu đất vàng với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng như khu đất số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội; hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1.200m2 tại Quận 1 làm chi nhánh tại TP.HCM.

Dù vậy, sau khi mua VFS thì VIVASO cũng không đầu tư cho điện ảnh, thay vào đó đất vàng trụ sở được mở nhà hàng, khách sạn. Phó Thủ tướng Chính phủ sau đó đã yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch làm việc với VIVASO để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Với triết lý kinh doanh “năng nhặt, chặt bị”, doanh nhân sinh năm 1958 Nguyễn Thủy Nguyên còn mở rộng quy mô kinh doanh với những thương vụ kín tiếng khác như mua 21,03% cổ phần CTCP Du lịch Cần Thơ (tháng 3/2016), nắm giữ 40% CTCP Cảng Khuyến Lương, đồng thời thành lập loạt công ty gồm: Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường, CTCP Dịch vụ vận tải Sài Gòn, CTCP Cảng Vĩnh Long, CTCP Lâm Đặc sản Xuất khẩu Quảng Nam, CTCP Xây dựng công trình giao thông 710, CTCP Đầu tư, xây dựng nạo vét đường thủy, CTCP Đầu tư và phát triển BKDA, CTCP Xây dựng công trình giao thông 61...

Screenshot (1197)

Việc mở rộng quy mô cũng giúp tổng tài sản của Vạn Cường giai đoạn 2016-2019 đều duy trì ở mức nghìn tỷ đồng, trong đó đạt đỉnh vào năm 2017 với 2.245 tỷ đồng. Dù vậy, doanh thu thuần lại có dấu hiệu đi xuống khá mạnh, như năm 2016 là 772,9 tỷ đồng thì đến năm 2019 chỉ thu về 278,6 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 64% giá trị. Tương tự, lãi thuần cũng có xu hướng giảm dần và chỉ còn vỏn vẹn 3,3 tỷ đồng năm 2019. 

Như đã biết, quá trình phát triển của Vạn Cường ghi đậm dấu ấn của ông Nguyễn Thủy Nguyên, song vào tháng 6/2020, bà Nguyễn Thị Minh Hà (SN 1955) đã thay ông Nguyên giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật. Theo dữ liệu, doanh nhân sinh năm 1958 Nguyễn Thủy Nguyên cho đến cuối năm 2020 vẫn nắm giữ 100% vốn tại đây.

Theo Khánh An/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-ngoi-kin-tieng-cua-cua-ong-chu-lien-hop-xay-dung-van-cuong-a152229.html