Tình hình rất khó khăn
Phát biểu thảo luận tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội diễn ra vào sáng nay (27/9), ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhấn mạnh thị trường hàng không hiện rất khó khăn.
Theo ông Hòa, 8 tháng đầu năm nay khách quốc tế chỉ còn 1,3% so với năm 2019. Trong đó chủ yếu là khách hồi hương hoặc các chuyên gia rất đặc biệt mới được vào. Còn khách nội địa giảm 80% so với cùng kỳ 2019.
"Như tháng 3 năm 2020, thực tế trên bầu trời của Việt Nam chỉ có 3 chuyến bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 7, tháng 8 thậm chí không có chuyên bay nào. Các chuyến bay chủ yếu vận chuyển đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị y tế…", ông Hòa thông tin.
Bay cho "đỡ hỏng"
Tiếp tục bài phát biểu, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết hiện đã có 44 hãng hàng không trên thế giới đã phá sản hoặc bảo hộ phá sản. Riêng với Vietnam Airlines, 6 tháng đầu năm đã lỗ 7.000 tỷ đồng.
"Toàn bộ các hãng hàng không của Việt Nam hiện có khoảng 250 máy bay thì đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí nhiều máy bay không có chỗ đậu", ông Hòa nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo ông Hoà, khi thị trường có khả năng bay thì các hãng hàng không sẽ bay lại và đưa ra mức giá vé chủ yếu là để "đỡ hỏng máy bay".
"Giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu của một chuyến bay nhưng doanh nghiệp vẫn phải bay. Vì nếu không bay thì không có chỗ đậu và máy bay hỏng. Việc bay cũng giúp có ít dòng tiền để trợ giúp hãng hàng không", Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nói.
Giá vé máy bay thấp thì các hãng hàng không đều yếu
Đánh giá về giá vé máy bay thấp như hiện nay, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho rằng, việc giá vé thấp liên quan đến an toàn hàng không.
Ông Hòa cho biết, hiện nay an toàn hàng không đang ở tiêu chuẩn cực kỳ cao, nếu các hãng cứ cạnh tranh mà hạ giá vé máy bay, thậm chí còn thấp hơn giá xăng dầu của một chuyến bay thì ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn. Nếu có vấn đề về sự cố an toàn xảy ra thì không phải riêng từng hãng bị ảnh hưởng mà ảnh hưởng đến toàn quốc gia.
"Như Indonesia, khi một số hãng hàng không hạ giá vé máy bay thấp thì đã bị Mỹ và châu Âu cấm bay, và có rất nhiều tai nạn. Chính Indonesia đã phải đưa ra mức giá khống chế không để ảnh hưởng đến an toàn", ông Hoà thông tin.
Một vấn đề khác theo ông Hoà, hiện nay giá vé máy bay thấp thì tất cả các hãng hàng không đều yếu.
"Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khoẻ của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau chứ chưa nói gì ra khu vực và quốc tế", ông Hoà nhấn mạnh.
Chủ tịch Vietnam Airlines cho rằng bất kỳ hãng hàng không nào phá sản sẽ ảnh hưởng chung đến nguồn lực xã hội. Ông Hoà cũng dẫn chứng hiện nay nhiều nước đã áp dụng không chế giá vé máy bay như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.
"Đây không phải áp giá sàn mà là chống phá giá, chống giảm giá vé dưới giá thành", ông Hòa nhấn mạnh.
Ngày 24/9, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến câu chuyện áp sàn giá vé máy bay.
Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam một lần nữa cho biết việc áp giá sàn giá vé máy bay chỉ là giải pháp mang tính tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.
Trước đó theo dự thảo Thông tư về xây dựng quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 mà Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải, đáng chú ý đơn vị này đã đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều và tối đa là 1,6 triệu đồng/vé/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km mức giá tối thiểu là 340.000 đồng và tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Cuối cùng, với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019.
Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm không tương ứng với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Đây là những nguyên nhân chính tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Cùng với đó, các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được Cục Hàng không Việt Nam khẳng định là "chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19".
Trước đề xuất của Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Đặc biệt là phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Thùy An/VTV
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-vietnam-airlines-gia-ve-may-bay-thap-co-the-anh-huong-den-an-toan-hang-khong-a152270.html