Cổ phiếu dầu khí nào có tiềm năng tăng giá cao nhất nếu giá dầu tiếp tục leo thang?

VNDirect dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ dao động quanh mức 70 USD/thùng trong năm giai đoạn 2021-2023 và sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới.

Cổ phiếu dầu khí nào có tiềm năng tăng giá cao nhất nếu giá dầu tiếp tục leo thang?

Giá dầu Brent đã tăng mạnh từ đầu năm lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018

Sự phục hồi trong nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm trong 9 tháng đầu năm đã khiến giá dầu liên tục tăng ấn tượng. Giá dầu Brent đạt 79 USD/thùng trong tháng 9 lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, tăng 52,5% so với đầu năm và tăng gần 88% so với mức giá trung bình năm 2020 (~42 USD/thùng). 

 

Diễn biến giá dầu Brent 9 tháng đầu năm 2021

VNDirect dự báo giá dầu Brent có khả năng tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay nhờ nhu cầu thế giới đang trên đà phục hồi trong khi nguồn cung vẫn bị thắt chặt do OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), trong tháng 9, kho dự trữ của Hoa Kỳ giảm 3,5 triệu thùng xuống 414 triệu thùng, gần chạm mức thấp nhất trong ba năm. EIA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày, trước khi đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch (2019).

 

EIA dự báo nhu cầu dầu thô thế giới sẽ đạt gần mức trước đại dịch vào cuối năm 2021

Trong bối cảnh nguồn cung khí tự nhiên đang thiếu hụt như hiện nay dẫn đến giá khí tăng cao, dầu thô sẽ được lựa chọn như một trong những giải pháp thay thế khả thi nhất. VNDirect kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá đối với thị trường dầu thô trong mùa đông này, lớn hơn rủi ro giảm nhu cầu toàn cầu đến từ một làn sóng COVID tương tự như biến chủng Delta.

Mặt khác, bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu toàn cầu, OPEC+ vẫn thận trọng trong việc tăng sản lượng. Sản lượng dầu của OPEC vẫn thấp hơn khoảng 10% so với tổng hạn ngạch áp dụng cho 10 thành viên trong tháng 8 do tình trạng thiếu đầu tư và trì hoãn các hoạt động bảo dưỡng trong thời gian đại dịch.

Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đang không bắt kịp tốc độ tăng của giá dầu. Theo đó, EIA ước tính sản lượng dầu tháng 9 của Mỹ sẽ đạt 11,1 triệu thùng/ngày trong năm 2021 (thấp hơn khoảng 10% so với mức trước COVID) và 11,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022. VNDirect cho rằng nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, tạo ra khoảng chênh lệch thiếu hụt có thể hỗ trợ cho giá dầu trong thời gian tới.

Theo dự báo của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), giá dầu Brent có thể đạt mốc 90 USD/thùng nếu thời tiết ở Bắc bán cầu trở nên lạnh hơn bình thường trong mùa đông, cao hơn 10 USD/thùng so với dự báo hiện tại.

GAS, PVD còn nhiều dư địa tăng giá

VNDirect cho rằng giá dầu sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới do có sự tương quan cao với giá dầu Brent bất chấp những khó khăn trong hoạt động do làn sóng COVID-19 hiện tại. Thậm chí, giá dầu tăng mạnh sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.

Theo VNDirect, giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS. Ngoài ra, giá dầu Brent duy trì trên 60 USD/thùng cũng tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động E&P hoạt động hiệu quả.

VNDirect dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ dao động quanh mức 70 USD/thùng trong năm giai đoạn 2021-23. Tuy nhiên, CTCK này vẫn xây dựng các kịch bản khác cho giá dầu, chủ yếu dựa trên các kịch bản phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

 

Độ nhạy của giá mục tiêu so với giá dầu Brent trung bình hàng năm trong dài hạn

GAS là cái tên được VNDirect đánh giá cao về tiềm năng tăng giá trong những năm tới nhờ vào giá dầu được kỳ vọng sẽ dao động trên mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2021-23 và nhu cầu cấp thiết về khí tự nhiên trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở Việt Nam.

GAS hiện đang trong giai đoạn đầu tư lớn, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của công ty trong dài hạn, trong đó các dự án LNG (cảng Thị Vải ...). Một số dự án khai thác khí trọng điểm (Lô B, Cá Voi Xanh. ...) sẽ là động lực chính cho GAS trong dài hạn. VNDriect dự báo tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của GAS đạt 18,3% trong giai đoạn 2021-23.

Theo VNDirect, PVD cũng có khả năng tăng giá mạnh nếu giá dầu tiếp tục leo thang đặc biệt khi dầu Brent trung bình vượt 80 USD/thùng. Thị trường khoan trong khu vực sẽ ấm dần lên nhờ giá dầu tăng mạnh cùng với các chiến dịch tiêm chủng, giúp hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD phục hồi từ quý 3/2021 trở đi, đặc biệt là từ 2022. Giàn TAD dự kiến hoạt động trở lại từ quý 4/2021 sau hơn 4 năm tạm dừng hoạt động cũng sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của PVD.

Theo Thanh Hà/BizLIVE

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-phieu-dau-khi-nao-co-tiem-nang-tang-gia-cao-nhat-neu-gia-dau-tiep-tuc-leo-thang-a152289.html