Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc khiến các nước mắc nợ 385 tỷ USD

Một nghiên cứu mới cho biết Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc đã khiến hàng chục quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tích lũy khoản nợ lên tới 385 tỷ USD.

Screen Shot 2021-09-30 at 22.25.21

Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc khiến các nước mắc nợ 385 tỷ USD.  Ảnh: Getty Images.

AidData, một viện nghiên cứu phát triển quốc tế có trụ sở tại Virginia’s College of William & Mary, đã phân tích 13.427 dự án phát triển của Trung Quốc trị giá tổng cộng 843 tỷ USD trên 165 quốc gia, trong khoảng thời gian 18 năm tính đến cuối năm 2017.

Theo đó, Trung Quốc đã cung cấp lượng tài chính kỷ lục cho các nước đang phát triển trong hai thập kỷ qua, hỗ trợ cả các dự án khu vực công và tư nhân. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là sáng kiến ​​chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình; ra mắt vào năm 2013 để đầu tư vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Kế hoạch này cũng đã đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính phát triển quốc tế.

Hiện tại, Mỹ đang có kế hoạch phát triển một kế hoạch tương tự ở Nam Mỹ trong khi EU đã thông báo vào tháng 9 rằng họ đang khởi động chương trình "Global Gateway" trên toàn thế giới. Cả hai khu vực này đều tìm cách đối phó với những ảnh hưởng địa chính trị và các gói tài chính khổng lồ của Trung Quốc.

Theo báo cáo của AidData, Trung Quốc hiện chi ít nhất gấp đôi cho tài chính phát triển quốc tế so với Mỹ và các cường quốc kinh tế lớn khác, với khoảng 85 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, điều này thường ở dạng nợ hơn là viện trợ, và sự mất cân đối này đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Báo cáo cho thấy kể từ khi Vành đai và Con đường ra đời, Trung Quốc đã cấp 31 khoản vay cho mỗi 1 khoản tài trợ.

Các thỏa thuận tài chính của Trung Quốc vẫn còn 'mông lung', thiếu thông tin chi tiết khiến các nhà đầu tư thận trọng trong những năm gần đây ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chẳng hạn như Zambia.

Trung Quốc từ lâu đã phủ nhận việc đẩy các quốc gia đang phát triển vào cái gọi là bẫy nợ, vốn có thể mở đường cho Bắc Kinh thu giữ tài sản làm thế chấp cho các nghĩa vụ nợ chưa thanh toán.

Hiện có những lo ngại đã được đưa ra kể từ khi thành lập Vành đai và Con đường (BRI) về khả năng các khoản cho vay của Trung Quốc có thể cao hơn báo cáo chính thức ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. AidData ước tính chung rằng các khoản nợ không được báo cáo có giá trị khoảng 385 tỷ USD.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Trong thời kỳ trước BRI, phần lớn các khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc là hướng đến những người đi vay có chủ quyền (tức là các tổ chức chính phủ trung ương). Tuy nhiên, một sự chuyển đổi lớn đã diễn ra kể từ đó: gần 70% khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc hiện nay được hướng đến các công ty nhà nước, ngân hàng quốc doanh, liên doanh và các tổ chức khu vực tư nhân".

Các khoản nợ này thường không hiển thị trên bảng cân đối kế toán của chính phủ các quốc gia, nhưng nhiều khoản được chính phủ của các quốc gia đó bảo lãnh, làm 'mờ ranh giới' giữa nợ tư và nợ công, đồng thời tạo ra những thách thức tài khóa cho các quốc gia này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nghĩa vụ nợ của các quốc gia này đối với Trung Quốc lớn hơn đáng kể so với ước tính của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, cơ quan xếp hạng tín dụng hoặc tổ chức liên chính phủ. Báo cáo tuyên bố rằng có tới 42 quốc gia hiện có mức nợ công đối với Trung Quốc vượt quá 10% GDP của họ.

Các khoản nợ này thường được báo cáo không đầy đủ trong Hệ thống Báo cáo Nợ của Ngân hàng Thế giới (DRS) bởi vì, trong nhiều trường hợp, các tổ chức chính phủ trung ương ở các LMIC [các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình] không phải là những người đi vay chính chịu trách nhiệm trả nợ.

"Chúng tôi ước tính rằng các quốc gia đang báo cáo thiếu so với số nợ thực tế - trung bình chiếm khoảng 5,8% GDP của các nước này", báo cáo cho biết.

Tổng số tiền này sẽ lên tới khoảng 385 tỷ USD, và AidData cho rằng việc quản lý những khoản nợ tiềm ẩn này đã trở thành một "thách thức lớn" đối với nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.

Theo Trần Võ/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-khien-cac-nuoc-mac-no-385-ty-usd-a152305.html