Đặt câu hỏi liên quan đến việc Bộ Công thương xem xét thế nào trước đề xuất của doanh nghiệp về việc giảm giá xăng, giá điện? Tác động của giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đến giá trong nước và việc khai thác dầu? Việc quản lý nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu từ Trung Quốc trong bối cảnh nước này phải dừng sản xuất nhiều nhà máy do thiếu điện?
Trả lời vấn đề này, bà Lê Việt Nga, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định Bộ Công thương luôn bám sát điều hành thị trường xăng dầu nhịp nhàng, tuân thủ theo quy định của nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo nguồn cung, sử dụng công cụ bình ổn giá phù hợp để quản lý giá nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, giúp đóng góp và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước đề xuất của doanh nghiệp về việc xem xét giảm giá xăng, Thủ tướng đã có chỉ đạo nên Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng.
Bà Nga cho hay hiện nay giá xăng dầu thế giới đang diễn biến theo hướng tăng. Nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch COVID-19 và phục hồi, các nước mở cửa trở lại nên nhu cầu đi lại của người dân tăng lên. Do đó, việc giảm giá thế giới là rất khó khăn trong khi đây là yếu tố quan trọng để tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Về điều hành trong nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng, liên bộ đã trao đổi, tính toán các biện pháp, công cụ có thể vận dụng để thực hiện. Bao gồm nắm bắt số dư Quỹ bình ổn, nguồn cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, trao đổi với Bộ Tài chính để cân nhắc có thể giảm được loại thuế nào, đơn cử như thuế môi trường với xăng E5.
"Chúng tôi đã nhận chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ để xem xét về vấn đề này và liên bộ sẽ tiếp tục phối hợp để làm sao điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp khi mở cửa trở lại", bà Nga khẳng định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng với diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng do nhu cầu sử dụng năng lượng tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ vừa có tác động hai chiều tới nền kinh tế.
Theo đó, những doanh nghiệp khai thác dầu thô sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng, mang lại nguồn thu cho đất nước, nhưng ngược lại do Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu để chế biến các sản phẩm xăng dầu, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp khi đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Về giá điện, ông Hải cũng cho hay trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động rất lớn, gây ra nhiều khó khăn cho đời sống người dân, nên Bộ Công thương khẳng định ‘không nghĩ đến việc tăng giá điện’.
Tuy nhiên, hiện đã có 5 lần thực hiện giảm giá điện, nên trên cơ sở kiến nghị, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để tính toán, cân nhắc các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Về tác động khủng hoảng năng lượng khiến giá một số nguyên liệu đầu vào tăng, gây thiếu điện tại Trung Quốc, ảnh hưởng cung ứng nguyên liệu sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Thành, phó cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết đến nay chưa ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về thiếu nguồn cung nguyên liệu.
"Thực tế năm 2020 khi dịch COVID-19 diễn ra cũng đã xảy ra tình trạng này nên ta đã dần ứng phó và quen dần, năng lực sản xuất công nghiệp trong nước cũng bị giảm nên nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện nay chưa thấy rõ thiếu hụt", ông Thành nói.
Sẽ có cơ chế cho nhà đầu tư điện gió bị ảnh hưởng tiến độ không kịp hưởng giá FIT
Trả lời về cơ chế giá cho điện gió, ông Hoàng Tiến Dũng, cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), khẳng định không có thông tin về việc giá FIT sẽ được gia hạn hay báo cáo Chính phủ gia hạn sau tháng 10.
Theo EVN, tháng 8 năm nay có 106 dự án điện gió được xác nhận thương mại và kịp giá FIT, gồm 54 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương, hiện bộ đã nhận được hồ sơ 30 dự án. Tuy vậy, cũng có nhiều dự án gặp khó khăn và bị ảnh hưởng tiến độ.
Do đó, ông Dũng khẳng định Bộ Công thương đang nghiên cứu báo cáo Thủ tướng cơ chế giá điện cho điện gió theo hướng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, xác định giá theo nguyên tắc thương thảo nhà đầu tư và bên mua điện. Đồng thời, có cơ chế giải quyết cho các dự án bị tác động khiến tiến độ ảnh hưởng, trên cơ sở chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy, các yếu tố kinh tế kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ thương thảo với bên mua điện để có giá mua điện phù hợp.
Theo N.An/Tuổi trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bo-cong-thuong-khong-nghi-den-viec-tang-gia-dien-nghien-cuu-giam-thue-de-giam-gia-xang-a152307.html