Theo đó, sau khi tỷ phú Trần Bá Dương cùng công ty riêng thoái hết vốn khỏi Hùng Vương, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) vừa đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu HVG theo phương thức khớp lệnh, thời gian giao dịch dự kiến bắt đầu từ ngày mai 1/10 đến 29/10.
Lý giải về điều này, ông Thịnh nói rằng mục đích giao dịch là cơ cấu tài chính cá nhân. Nếu bán hết cổ phiếu như đăng ký, ông không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Hùng Vương.
Trước đó, đầu tháng 4, ông Thịnh cũng chuyển nhượng 36,6 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương từ 17% xuống dưới 1%. Sau giao dịch này, ông Thịnh không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp thủy sản này.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh là thành viên HĐQT Thaco và tham gia HĐQT Hùng Vương, đại diện phần vốn của nhóm cổ đông liên quan tỷ phú Trần Bá Dương tại doanh nghiệp cá tra này, từ đầu năm 2020.
Cách đây không lâu, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đã thông báo bán toàn bộ 11,26 triệu cổ phiếu HVG, tương đương 4,96% vốn công ty Hùng Vương vào ngày 2/7 để cơ cấu tài chính cá nhân. Cùng thời điểm, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh cũng bán toàn bộ 8,6 triệu cổ phiếu HVG, tỷ lệ 3,79% vốn.
Trong phiên giao dịch này, 19,875 triệu cổ phiếu HVG được thỏa thuận, đúng bằng khối lượng 2 nhà đầu tư trên bán ra. Tổng giá trị thỏa thuận đạt gần 46 tỷ đồng, tương ứng tại mức giá 2.300 đồng/cổ phiếu.
Thaco từng “giải cứu” Hùng Vương như thế nào?
Theo tìm hiểu, Hùng Vương được thành lập năm 2003 và nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra nước nhà. Nhưng hoạt động của doanh nghiệp bắt đầu gặp khó từ năm 2015 sau thời gian mở rộng sang nhiều lĩnh vực nhưng không hiệu quả, nhường lại vị trí đầu ngành cho công ty Vĩnh Hoàn.
Doanh nghiệp này một thời vẫn ngụp lặn trong khó khăn với mức lỗ 1.123 tỷ đồng trong năm 2019 và lỗ lũy kế 1.743 tỷ đồng theo báo cáo tài chính công bố mới nhất kết thúc 31/12/2019. Vốn chủ sở hữu hiện còn chưa đến 660 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả hơn 7.100 tỷ đồng.
Năm 2020, Thaco đã “giải cứu” Hùng Vương thông qua công ty con Thadi (nay là Thagrico). Theo thỏa thuận thời điểm đó, Thadi và những cổ đông liên quan sẽ tăng sở hữu lên 35% cổ phần và đưa nhân sự tham gia vào các vị trí chủ chốt.
Cùng với đó, Thadi đã cùng Hùng Vương thành lập liên doanh Công ty chăn nuôi heo giống với vốn điều lệ 556 tỷ đồng (Thadi góp 75%; Hùng Vương góp 25%).
Tại đại hội cổ đông năm 2020, Hùng Vương còn chuyển giao lại mảng chăn nuôi heo cho Thadi để tập trung cho kinh doanh cá tra (Thadi theo đó nắm 65% vốn trong liên doanh phát triển mảng chăn nuôi heo).
Việc giải cứu của Thaco vừa đem lại một chút khởi sắc thì Hùng Vương liên tiếp vi phạm công bố thông tin. Cổ phiếu HVG thậm chí bị hủy niêm yết bắt buộc vào tháng 8/2020 để chuyển sang giao dịch trên hệ thống UPCoM (hạn chế chỉ giao dịch vào thứ 6 hàng tuần).
Ông chủ của “vua cá tra” Hùng Vương là ai?
Chủ tịch của Công ty Cổ phần Hùng Vương là ông Dương Ngọc Minh. Năm 2012, ông Minh từng là người giàu thứ 22 trên thị trường chứng khoán (880 tỷ đồng) và là doanh nhân giàu thứ 2 trong lĩnh vực thủy sản, chỉ sau bà Trương Thị Lệ Khanh của thủy sản Vĩnh Hoàn.
Thông tin trến tạp chí Người Đưa Tin, sau ngày giải phóng, ông Dương Ngọc Minh tham gia Thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TP.HCM). Ở nơi heo hút đó, Nông trường Duyên Hải đã được thành lập, áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi.
Đến năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM. Sau một thời gian hoạt động, công ty đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm.
Nhưng đến năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trước đó trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản. Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Như ông Dương Ngọc Minh từng nhắc lại thì: “Sau thời gian đầu thành công, chúng tôi gặp khó khăn do tình hình lạm phát. Lúc nhập máy móc thiết bị từ Nhật với phương thức trả chậm, tỷ giá đồng yen lúc đó khoảng 280 yen đổi 1 USD. Lúc công ty trả thì đồng yen lên giá còn 150 yen đổi 1 USD, tính ra số tiền thanh toán thiết bị tăng gấp đôi lúc nhập. Chúng tôi vay vốn bằng ngoại tệ từ nước ngoài để xây dựng trụ sở, mua thiết bị sản xuất. Khi Nhà nước vào kiểm toán thì tính bằng đồng Việt Nam thời điểm xây dựng nên không phản ánh được thực tế. Từ kết quả kiểm toán, tôi bị khởi tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước”.
Sau 6 năm cải tạo, máu kinh doanh thủy sản chưa nguôi, ông lại thành lập công ty thủy sản, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương đã gắn bó với mình từ thuở ban đầu. Dù đã quen với con tôm nhưng ông quyết định chọn sản phẩm chủ lực của Hùng Vương là cá tra.
Năm 2014, thủy sản Hùng Vương chi cả trăm tỷ để thưởng Tết cho nhân viên. Sang năm 2015, Hùng Vương báo lợi nhuận trước thuế 22 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế là 21,5 tỷ đồng. Đến quý I/2019, mức lãi đã cao hơn lợi nhuận cả năm 2018 là 7 tỷ đồng.
Kế họach năm 2019, Hùng Vương tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh cá với doanh số 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Mảng thức ăn thủy sản có kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đổng và lợi nhuận 180 tỷ đồng.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông tháng 2/2019, “vua cá tra” rút lời gan ruột rằng: “Tôi làm việc xuyên suốt thời gian qua. Bản thân tôi từ 28 âm lịch đến 5h18 phút ngày 5 âm lịch, bên Mỹ mới thông báo cho tôi nghỉ tết được rồi”. Ông Minh cũng nói thêm dự kiến nhường vị trí lãnh đạo khi công ty hoạt động ổn định trở lại trong hai năm tới (năm 2021).
Hùng Vương hiện chưa công bố báo cáo tài chính các quý của năm 2020, dẫn đến việc cổ đông không nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Theo Vương Chân/Doanh nhân Việt Nam
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-nhom-thaco-rut-het-von-khoi-cong-ty-vua-ca-tra-hung-vuong-a152314.html