Ảnh: Reuters
Trung Quốc đang chật vật với tình trạng thiếu điện trên diện rộng, thực tế này không khỏi gây ra cú sốc với quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời nó tiềm ẩn rủi ro gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy cao lạm phát trên toàn thế giới, theo nội dung bài báo mới được Nikkei đăng tải.
Tình trạng thiếu điện trên quy mô chưa từng thấy trong hơn 1 thập kỷ cho thấy nhiều thay đổi trong ưu tiên chính sách của Bắc Kinh, trong đó có nỗ lực hạn chế khí thải các bon. Các biện pháp sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền lên nền kinh tế toàn cầu vốn đã được định hình lại bởi đại dịch COVID-19.
Đồng sáng lập kiêm CEO của công ty Simple Modern, ông Mike Beckham, nhận xét: “Rõ ràng sẽ có những hiệu ứng tầng lớp. Khi mà chúng ta bắt đầu hiểu được những gì đang xảy ra, chúng ta nhận ra rằng dường như mọi chuyện sẽ tệ hại hơn so với những gì mà chúng ta từng chứng kiến trong sự nghiệp kinh doanh của chúng ta”.
Trong tuần trước, một trong những nhà cung cấp quan trọng của ông Beckham trụ sở tại thành phố Cù Châu ở miền Đông Trung Quốc đã bị chính quyền địa phương yêu cầu chỉ được hoạt động 4 ngày/tuần chứ không phải 6 ngày/tuần như thường lệ. Ngoài ra, nhà máy cũng phải tuân thủ quy định hạn chế sử dụng năng lượng, như vậy công suất của nhà máy sẽ giảm khoảng 30%.
Ông Beckham dự báo rằng giá bán lẻ của nhiều sản phẩm tại Mỹ có thể tăng khoảng 15% vào mùa xuân năm sau bởi nhu cầu tiêu dùng vẫn cao.
Những ngày gần đây, một vài thành phố trên khắp Trung Quốc đã phải trải qua tình trạng cắt điện trong bối cảnh thiếu than đá và áp lực thực hiện các mục tiêu giảm khí thải.
Việc Trung Quốc thiếu điện có nguyên nhân trực tiếp từ nhiều yếu tố. Giá than đá tăng vọt bởi tình trạng thiếu nguồn cung than đá tại nội địa Trung Quốc, tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn bởi quy định cấm nhập khẩu từ Australia và Mongolia. Nhiều nhà máy điện đã bị buộc phải giảm sản lượng nhằm tránh thiệt hại từ các biện pháp hạn chế giá bán.
Trong lúc đó, từ trên cao, Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện mục tiêu tiêu thụ năng lượng hiệu quả, cụ thể sẽ chính thức giảm năng lượng tiêu thụ tại một số ngành nghề.
Cùng thời điểm này, nhu cầu điện đã tăng vọt tính từ cuối tháng 4/2020 khi Trung Quốc ngừng các biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch COVID-19, các nhà máy đua nhau mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao tại phương Tây.
Nhu cầu tăng cao, thời tiết khắc nghiệt và sản xuất suy yếu đã đẩy cao giá khí đốt. Tình trạng này đã làm suy giảm sản lượng tại các nhà máy của châu Âu và đẩy tăng cao chi phí năng lượng tại các hộ gia đình. Đồng thời nó cũng khiến cho nhiều người tại châu Âu và Mỹ lo lắng về khả năng liệu nguồn cung năng lượng có đủ phục vụ cho các nền kinh tế qua mùa đông hay không.
Mới đây, chính phủ Anh đã buộc phải can thiệp bằng các biện pháp trợ cấp nhằm mở lại nhà máy thuốc trừ sâu từng phải đóng cửa vì chi phí năng lượng tăng, nhà máy này cung cấp lượng lớn các bon dioxide, chế phẩm cần thiết trong chế biến thực phẩm. Vào tuần này, chính phủ Pháp đã công bố sẽ ngăn giá khí đốt và giá điện tiêu dùng tăng cho đến mùa xuân năm sau.
Tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc cũng tiềm ẩn rủi ro đẩy cao áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách đẩy giá hàng hóa nguyên liệu thô và nhiều nguyên liệu đầu vào khác tăng cao.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura Holdings, ông Ting Lu, nhận xét: “Thị trường toàn cầu sẽ chịu tác động nặng nề từ việc thiếu nguồn cung các sản phẩm dệt may, đồ chơi hay phụ tùng máy móc”.
Ông cũng nói thêm rằng cú sốc nguồn cung sẽ đẩy cao lạm phát toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường phát triển như Mỹ. Tình trạng thiếu điện đã gây tổn hại đến nhiều khu vực của sản xuất Trung Quốc trong đó có nhiều vùng sản xuất các sản phẩm liên quan đến bán dẫn. Tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn trong năm nay đã ảnh hưởng xấu đến các hãng xe và nhiều ngành nghề khác.
Theo Trung Mến/BizLIVE
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tinh-trang-thieu-dien-tai-trung-quoc-se-day-cao-lam-phat-toan-cau-nhu-the-nao-a152325.html