Sự "tiếp sức" của Masan có giúp Reddi trụ vững trên thị trường viễn thông?
Tháng 4/2019, công ty Indochina Telecom giới thiệu Itelecom với đầu số 087, là mô hình mạng di động ảo (MVNO) đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Hơn 1 năm sau, vào tháng 6/2020, công ty Mobicast khai trương mạng di động ảo thương hiệu Reddi, với đầu số 055.
Các công ty cung cấp dịch vụ di động kiểu MVNO không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.
Đây là một mô hình hợp tác win – win: các MNO được hưởng lợi nhờ công suất sử dụng mạng gia tăng, trong khi các MVNO có mô hình kinh doanh tinh gọn nhờ tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn.
Itelecom hay Reddi đều sử dụng hạ tầng của VNPT. 2 thương hiệu này ra mắt khá rầm rộ với định hướng phát triển riêng, tập trung vào phân khúc khách hàng công nhân với Itelecom và người dùng trẻ tuổi với Reddi. Tuy vậy, chỉ sau thời gian ngắn, 2 mạng di động ảo này đều “mất dạng” vì kinh doanh thua lỗ.
Mạng di động ảo Reddi được Masan đầu tư
Itelecom không có tên trong các báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, không có báo cáo doanh thu, thị phần, hoạt động… Còn Reddi chỉ sau hơn 1 năm ra mắt cũng phải “bán mình” cho tập đoàn Masan. Công ty The Sherpa (thuộc Masan Group) vừa chi ra gần 300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần Mobicast - đơn vị sở hữu thương hiệu Reddi.
Kết cục của Itelecom và Reddi được nhiều chuyên gia viễn thông dự đoán trước. Bởi với 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gmobile, thị trường di động Việt Nam có dấu hiệu bão hòa và phát triển thuê bao chậm lại trong những năm gần đây.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường di động Việt Nam có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó hơn 90% thị phần thuộc về 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone. Vì thế, cơ hội cho các thương hiệu nhỏ hoặc muốn gia nhập thị trường gần như không có. 2 nhà mạng quy mô nhỏ là Vietnamobile và Gmobile “sống lay lắt” nên việc Itelecom và Reddi gặp khó cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, quy định chuyển mạng giữ số được thực hiện từ tháng 11/2018 đến nay càng giúp thế kiềng 3 chân của Viettel, Vinaphone và MobiFone thêm chắc chắn.
Các chuyên gia cho rằng nhà mạng nhỏ như Vietnamobile, Gmobile hay mạng di động ảo Itelecom, Reddi đều chưa có thế mạnh riêng nào đủ để tạo áp lực cạnh tranh cho 3 “đại gia” viễn thông. Đây là lý do chính khiến những thương hiệu này chưa thể chen chân vào thị trường.
Kết quả là thị trường viễn thông di động Việt Nam đã chứng kiến sự “ra đi” của mạng SFone (do SK Telecom của Hàn Quốc đầu tư), Beeline (Beeline Nga), EVN Telecom (tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Đến nay, Vietnamobile có lượng thuê bao phát triển èo uột, Gmobile gần như đang “cầm hơi”, nhiều năm qua không có báo cáo về số lượng thuê bao và doanh thu. Nhà mạng ảo có lợi thế là không phải đầu tư hạ tầng mạng, nhưng rủi ro cũng rất lớn vì nếu không bán được hết gói dịch vụ mua theo giá sỉ của các mạng thật, vẫn phải trả đủ tiền và sẽ lỗ.
Cơ hội nào cho Masan khi đầu tư vào Reddi?
Tuy vậy, sự phát triển của những công nghệ và xu hướng tiêu dùng mới đang làm thay đổi mô hình kinh doanh của dịch vụ viễn thông. Đây là cơ hội để Reddi giành “miếng bánh” thị phần trong ngành.
Jio trở thành nhà mạng ảo thành công ở Ấn Độ với sự chống lưng của tập đoàn bán lẻ Reliance
Reddi có thể hút khách hàng bằng hệ sinh thái công nghệ, buộc họ trả phí khi sử dụng dịch vụ này. Thành công của sự kết hợp 1 tập đoàn bán lẻ với 1 mạng viễn thông có thể là hình mẫu cho Masan và Reddi.
Reliance là nhà bán lẻ hàng đầu tại Ấn Độ về quy mô với gần 11.000 điểm bán, hơn 110 triệu khách hàng. Năm 2016, Reliance bắt đầu giới thiệu nhà mạng Jio. Đến nay, Jio sở hữu khoảng 400 triệu người dùng trả phí cho các dịch vụ trong hệ sinh thái công nghệ gồm TV trực tuyến, tiền kỹ thuật số và thanh toán điện tử, hệ thống cửa hàng online… Mobile Money sắp triển khai ở Việt Nam có thể là 1 cơ hội cho Masan và Reddi.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng mới làm thay đổi mô hình kinh doanh của ngành viễn thông. Có thể người dùng chuyển sang mua SIM điện thoại tại hệ thống siêu thị thay vì các đại lý bán SIM truyền thống. Masan đón đầu làn sóng này bằng việc tuyển dụng quy mô lớn các nhân viên bán hàng để “giới thiệu thông tin liên quan đến mạng di động, tư vấn và hướng dẫn khách hàng sử dụng”, làm việc tại toàn bộ hệ thống siêu thị Winmart trên toàn quốc.
Người dùng có thể thay đổi thói quen, mua SIM điện thoại ở các siêu thị bán lẻ
Trước mắt, Reddi tập trung vào nhóm khách hàng của siêu thị Winmart. Mục tiêu trong năm đầu tiên của nhà mạng ảo này là có 16% lượng khách trung thành của hệ thống Winmart, tương đương 1,4 triệu thuê bao, doanh thu khoảng 150 tỷ đồng mỗi tháng.
Đây cũng là định hướng của Masan muốn tạo hệ sinh thái đầy đủ cho khách hàng với dịch vụ ngân hàng của Techcombank, đồ uống Phúc Long và sắp tới là dịch vụ viễn thông của Reddi.
Theo Bảo Nhi/BizLIVE
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/masan-tham-vong-gi-khi-dau-tu-vao-mang-di-dong-ao-reddi-a152329.html