Vốn FDI trong đại dịch COVID: Thấy gì từ FDI 9 tháng năm 2021?

Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

dndientu-1633519057.jpeg
Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI.

Đáng lưu ý, 2 dự án lớn được cấp phép là Nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký lần lượt là trên 3,1 tỷ USD và hơn 1,31 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/9, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Do tác động của đại dịch, những tháng gần đây, một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, khiến FDI giải ngân 9 tháng ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%).

Trong 9 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta kể từ đầu năm đến nay.

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,47 tỷ USD, chiếm 43,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.

dndientu1-1633519058.jpeg
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Từ kết quả thu hút vốn FDI và xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Tại buổi tọa đàm: “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, nhận xét dù có những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đúng chiến lược của Chính phủ Việt Nam, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà  Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. 

Theo Linh Nga/Diễn đàn doanh nghiệp

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/von-fdi-trong-dai-dich-covid-thay-gi-tu-fdi-9-thang-nam-2021-a152371.html