Cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng giá trong tuần thị trường chứng khoán hồi phục

Cổ phiếu bất động sản biến động tích cực theo xu hướng thị trường chung, trong đó, nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ vẫn hút được dòng tiền tốt.

Thị trường tăng điểm trở lại trong tuần qua với thanh khoản vẫn ở mức thấp. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 37,84 điểm (2,8%) lên 1.372,73 điểm; HNX-Index tăng 15,43 điểm (4,3%) lên 371,92 điểm; UPCoM-Index tăng 2,32 điểm (2,4%) lên 98,3 điểm.

Thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 22.559 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 3,8% lên 99.572 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 3.36 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,9% xuống 13.226 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 12,9% xuống 609 triệu cổ phiếu.

Tất cả các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch khá tích cực trong đó, dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán ở tuần qua có đến 87 mã tăng, trong khi chỉ có 26 mã giảm.

Rất nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở nhóm bất động sản tăng giá mạnh. Tuy nhiên, gây ấn tượng nhất cho nhà đầu tư là “tân binh” KSF của Tập đoàn KSFinance. Cổ phiếu này chính thức lên sàn HNX ở phiên 6/10 với giá tham chiếu 36.000 đồng/cp. Ngay lập tức, KSF đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp và leo lên mức 56.500 đồng/cp, tương ứng mức tăng 56,9%. Thành lập từ tháng 2/2015, đến nay, vốn điều lệ của KSF Group là 3.000 tỷ đồng. KSF Group được biết đến với vai trò là chủ đầu tư, phát triển và phân phối hàng loạt các dự án bất động sản. Tập đoàn cũng định hướng trở thành nhà phân phối bất động sản tiềm lực, năng động tại Việt Nam và trong khu vực thông qua hệ thống kinh doanh nền tảng Platform.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của KSF ghi nhận 689 tỷ đồng (tăng 5,8 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó hoạt động cho thuê bất động sản đem về 368,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 53% tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 290 tỷ đồng chiếm 42% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất là 9.406 tỷ đồng.

20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 4-8/10

20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 4 - 8/10

Cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 trong nhóm bất động sản là PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt với 40%. Trong tuần PVL có đến 4 phiên tăng trần và thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng đột biến. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt hơn 2,1 triệu đơn vị/phiên, trong khi tuần trước đó chỉ ở mức 1,2 triệu đơn vị/phiên.

Cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng tăng giá đến 21,4% chỉ sau một tuần giao dịch. Hiện tại, giá cổ phiếu NBB đang ở mức cao nhất lịch sử. Cổ phiếu này tăng giá bất chấp việc không có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào.

Nhìn chung khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng tăng giá mạnh như DRH của CTCP DRH Holdings, HAR của CTCP Bất động sản An Dương Thảo Điền, HDC của CTCP Phát triển Nhà BR-VT, TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, DXG của Tập đoàn Đất Xanh…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm này là BII của CTCP Louis Land với mức giảm 18%. Như vậy, BII tiếp tục lao dốc cùng với nhóm cổ phiếu “họ Louis”. HĐQT Louis Capital thông báo tạm hoãn việc thực hiện nội dung phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư. Giao Chủ tịch HĐQT rà soát lại các nội dung trong phương án và trình lại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2021 để thông qua. Đồng thời, Louis Capital cũng hủy bỏ ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tổ chức lấy ký kiến bằng văn bản 13/10. Thay vào đó là tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, ngày 25/10 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông và dự kiến thực hiện 19/11. Nội dung cuộc họp gồm miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên HĐQT độc lập; phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và nội dung khác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng vừa thông qua triển khai góp 340 tỷ đồng, tương ứng 97,14% vốn điều lệ của CTCP Louis Mega Tower để đầu tư dự án Khu chung cư phức hợp cùng tên tại Hóc Môn, TP.HCM.

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 4-8/10

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 4 - 8/10

Một cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm giá trên 10% là VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam. Trong tuần, cổ phiếu này chỉ có duy nhất một phiên xuất hiện giao dịch vào 7/10 với thanh khoản rất thấp. Hiện tại, VNI vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.

Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, biến động có phần tích cực hơn các tuần trước đó. Toàn bộ 7 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều tăng giá so với tuần trước. Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes tăng mạnh nhất nhóm này với 3,8%. PYN Elite Fund trong tháng 9 đã mua thêm cổ phiếu VHM để nâng tỷ trọng lên 19,1%. PYN Elite đang để tỷ trọng đầu tư VHM lớn nhất trong danh mục do quỹ cho rằng cổ phiếu của doanh nghiệp phát triển nhà ở lớn nhất Việt Nam này đang bị định giá thấp và công ty đang có nền tảng tốt để đạt lợi nhuận cao. Việc giá cổ phiếu đang bị kìm hãm xuất phát từ một số yếu tố ngẫu nhiên của thị trường.

VIC của Tập đoàn Vingroup cũng tăng 1,8%, NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) tăng 2,5%, THD của CTCP Thaiholdings tăng 0,9%, VRE của CTCP Vincom Retail tăng 3,4%, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp tăng 2,2% và PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tăng 2,2%./.

Theo Tuấn Hào/Reatimes

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-phieu-bat-dong-san-dua-nhau-tang-gia-trong-tuan-thi-truong-chung-khoan-hoi-phuc-a152409.html