Thấy gì từ việc nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ phải "ngậm ngùi" đóng cửa, trả mặt bằng?

Nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, F&B đang chịu nhiều khốn đốn bởi dịch COVID-19. Thời gian gần đây, nổi bật là tin tức một số gương mặt nổi tiếng phải trả lại mặt bằng, đóng cửa chi nhánh hay lùm xùm trong việc tranh chấp hợp đồng cho thuê địa chỉ kinh doanh sau dịch.

Mới đây, The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM đã chính thức đóng cửa đã gây tiếc nuối với nhiều yêu cà phê tại Hà Nội. Lý do là bởi đại dịch Covid-19 gây áp lực nặng nề lên tình hình kinh doanh. Chia sẻ với báo chí, The Coffee House Signature cho biết đây là động thái chuyển đổi, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, đồng thời chuẩn bị cho mô hình mới thời gian tới mang tên The Coffee House Now.

Thương hiệu cà phê này cho biết thêm, 9 tháng đầu năm năm 2021, ngành F&B thực tế chỉ hoạt động được 3 tháng, 6 tháng còn lại hoạt động trong dịch với các mức độ kiểm soát khác nhau tùy theo tình hình dịch ở từng địa phương và chính sách nhà nước.

Một góc The Coffee House Signature Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Tripadvisor

Một góc The Coffee House Signature Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Tripadvisor

Trong đợt dịch lần 4 này, hầu hết các cửa hàng The Coffee House buộc tạm đóng cửa để tuân thủ quy định chống dịch, đồng nghĩa với việc doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian giãn cách. Số cửa hàng nhiều mà áp lực từ việc trả tiền thuê địa điểm, trả lương cho nhân viên nên việc phải cắt bỏ những bộ phận làm việc không hiệu quả là không tránh khỏi. 

Tương tự là những động thái đến từ Starbuck tại góc Khách sạn Rex cũng tuyên bố đóng cửa, chia tay tại địa chỉ quen thuộc 141 Nguyễn Huệ khiến nhiều tín đồ cảm thấy hụt hẫng. Dù không phải là cửa hàng đầu tiên được mở tại Tp.HCM nhưng Starbucks Rex thu hút nhiều người trẻ tới đây, đặc biệt là các dịp cuối tuần, rất khó có thể kiếm được chỗ ngồi ở đây.

Dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng tại nhiều địa phương trong đó có Hà Nội và Tp.HCM đã khiến nhiều đơn vị phải "khăn gói" rời bỏ thị trường F&B, nhẹ hơn thì đóng cửa, sang nhượng địa điểm và tái cấu trúc. 

Trước đó vào năm 2020, chuỗi cửa hàng Soya Garden cũng đã đóng cửa tại nhiều điểm quan trọng tại Tp.HCM. Trên website của Soya Garden, cửa hàng cuối cùng tại Tp.HCM đã không còn hiển thị, chỉ có danh sách 8 cửa hàng tại Hà Nội.

Hình ảnh thuê xe, thu dọn đồ đạc, trả mặt bằng đang dần trở nên quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B, bán lẻ thời điểm sau dịch COVID. Ảnh: Dân Việt

Hình ảnh thuê xe, thu dọn đồ đạc, trả mặt bằng đang dần trở nên quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B, bán lẻ thời điểm sau dịch COVID. Ảnh: Dân Việt

Ông Hoàng Anh Tuấn, nhà sáng lập đơn vị này thẳng thắn thừa nhận, để tồn tại, Soya Garden cần ưu tiên tính hiệu quả. Ông dự đoán không ít chuỗi khác sẽ đóng bớt cửa hàng và tập trung đẩy mạnh bán online.

Savills Việt Nam thông tin rằng kể từ đợt dịch bùng đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 4, thị trường bán lẻ đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh. Tính đến quý 2/2021, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ đạt 94%, giảm so với cùng quý năm trước.

Áp lực từ chi phí thuê mặt bằng

Sau thời gian cao điểm dịch đã để lại khoảng trống không thể lấp đầy sớm về nguồn lực, vốn kinh doanh cho nhiều đơn vị. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cũng đang phải loay hoay trả đủ mọi loại thuế, phí. Đặc biệt là tiền trả địa điểm kinh doanh dù nhiều chủ mặt bằng cam kết sẽ giảm giá, thông cảm cho tình cảnh khó khăn bởi COVID-19. 

Bên cạnh ngành F&B, bán lẻ cũng đang chịu những áp lực tương tự từ phí mặt bằng. Mới đây, lùm xùm của Công ty CP Thế Giới Di Động, chủ hệ thống Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh đơn phương thông báo tới các đối tác về việc sẽ chỉ thanh toán 30% tiền thuê các mặt bằng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã trở thành chủ đề nóng, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Thực tế cho thấy, nguy cơ tranh chấp liên quan đến hoạt động thuê mặt bằng kinh doanh không chỉ là câu chuyện riêng của Thế Giới Di Động mà là bài toán của tất cả các doanh nghiệp. Dịch COVID-19 dường như là đỉnh điểm, làm bùng nổ sự "uất nghẹn" của nhiều đơn vị kinh doanh. 

"Ông vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP trong một sự kiện năm 2014 từng đưa ra một thông số đáng chú ý: Ở các quốc gia khác, tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu chỉ vào khoảng 10 - 12%, còn ở Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 32 - 38%.

Ông nói thêm: Những vị trí đẹp đều có giá thuê mặt bằng quá cao, khiến doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn, khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn của nước ngoài, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ không trường vốn. Chính vì vậy, cùng một thương hiệu, tỷ lệ lãi trên doanh thu từ các shop ở Việt Nam vào khoảng 5-7 % trong khi các chi nhánh quốc tế khác lên đến 20 - 25%. 

Nhiều thống kê trong nước cũng chỉ ra, trong số các chi phí doanh nghiệp phải chịu tổn thất do dịch bệnh, nổi lên một chi phí rất lớn là tiền thuê mặt bằng. Số tiền này chiếm đến 15 - 30% chi phí của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, chi cho mặt bằng thậm chí có thể lên tới 50%.

Các chuyên gia đánh giá đây là con số "kinh hoàng" mà các doanh nghiệp đang phải chịu đựng. Không sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ thì doanh nghiệp đang khó khăn sẽ ngày càng kiệt quệ. Một số đơn vị lớn sở hữu thương hiệu như Thế Giới Di Động nhờ nguồn lực dồi dào có thể chuyển đổi mô hình, chuyển sang bán hàng online, đẩy sản phẩm lên sàn thương mại điện tử... để hạn chế ảnh hưởng bởi dịch bệnh, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ không tìm được lối thoát chỉ còn biết phá sản, rời bỏ khởi thị trường.

Tổng cục Thống kê đưa ra dữ liệu đáng buồn về tình hình doanh nghiệp chịu thiệt hại của COVID-19: 

24.491 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 27,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước). Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (12.958 doanh nghiệp, tăng 12,8%).

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 là 45.091 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 32.398 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020

Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể lớn nhất, đứng đầu là bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, chiếm gần 40%, xây dựng chiếm hơn 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12%.

Cơ quan này còn nêu ra một nhận định tàn khốc hơn: Số liệu trên có thể chưa phản ánh đúng thực tế do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể thực hiện các thủ tục liên quan. Số lượng doanh nghiệp rời thị trường thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. 

Theo Hồng Sơn/Doanh nhân Việt Namd

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thay-gi-tu-viec-nhieu-doanh-nghiep-nganh-ban-le-phai-ngam-ngui-dong-cua-tra-mat-bang-a152424.html