Tâm điểm chứng khoán: Trợ lực từ các thông tin “doping”

Các chuyên gia cho rằng, thị trường trong giai đoạn này nhận được lực hỗ trợ từ việc mở cửa kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, gói hỗ trợ kích thích kinh tế dự kiến có quy mô lớn…

Tâm điểm chứng khoán: Trợ lực từ các thông tin “doping”

Từ trái sang: ông Trương Hiền Phương, ông Đỗ Trung Thành, ông Võ Văn Cường.

Tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có giữ được đà tăng điểm liên tiếp có được như tuần trước? Các yếu tố nào sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư? Xu hướng bán ròng của NĐTNN liệu có thay đổi… BizLIVE ghi nhận ý kiến từ một số chuyên gia:

Thị trường có thể hướng tới mốc 1.400 điểm, kỳ vọng khối ngoại đảo chiều

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam

Thị trường tuần qua tăng điểm nhưng không bật mạnh do bị kìm hãm bởi nhóm cổ phiếu lớn trong đó có ngân hàng, bất động sản.

Dòng ngân hàng đang bị kìm hãm, thậm chí một số cổ phiếu sụt trong khi thị trường tăng. Điều này lý giải do quỹ đầu tư lớn bán ra, đặc biệt quỹ nắm lượng cổ phiếu ngân hàng nhiều.

Hầu hết qũy ETF lớn, hay quỹ đóng cũng đều nắm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng lớn. Trong suốt thời gian qua, khi quỹ chọn giải pháp bán ròng, đa số ngân hàng cũng bị bán trong đó bao gồm một số nhà đầu tư lớn trong nước bán ra theo làm cho giá cổ phiếu ngân hàng khó tăng. Trong khi lực cầu nhà đầu tư trong nước chỉ có thể “cân” được theo hướng không làm cho giá giảm sâu hoặc chỉ giúp tăng nhẹ chưa đủ lực giúp cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Lực bán lớn, trải dài, cầu không cân được cung.

Tuy nhiên, việc này sẽ sớm kết thúc khi các quỹ bắt đầu thay đổi quan điểm. Có thể thấy gần đây lực bán của các quỹ giảm nhiều, hy vọng quan điểm có thể đảo chiều trong thời gian ngắn, có thể ngưng bán ròng hoặc quay mua ròng thì lúc đó giá cổ phiếu ngân hàng sẽ dễ tăng hơn.

Với cổ phiếu bất động sản, khi giãn cách ngành bất động sản hầu như không hoạt động được. Công trình xây dựng ngưng trệ, tiến độ bàn giao sản phẩm bất động sản cũng bị chậm, ảnh hưởng tới dòng tiền thu nhập của doanh nghiệp. Thường doanh nghiệp bất động sản thu tiền theo tiến độ, tiến độ chậm thì thanh toán của nhà đầu tư chậm lại.

Khi giãn cách, người đi mua sản phẩm bất động sản cũng không thực hiện được, không giao dịch, không xem sản phẩm dẫn tới doanh số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Dựa trên yếu tố đó nhà đầu tư giảm việc đầu tư cổ phiếu bất động sản dẫn tới lực cầu giảm, giá bị giảm thời gian qua, không tăng đồng điệu với ngành khác.

Theo tôi tuần này thị trường chịu tác động bởi những thông tin sau. Thứ nhất, tiến độ mở cửa trở lại của nền kinh tế, tiếp tục dỡ bỏ giãn cách giữa các thành phố lớn, thông thương giữa các tỉnh thành, mang tính quyết định hành động của nhà đầu tư.

Ví dụ nếu các tỉnh thành lớn phối hợp, thống nhất cho người dân đi lại thuận tiện. Trong giai đoạn vừa qua khi nới lỏng giãn cách nhiều người ở các tỉnh từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đổ về quê. Gần đây, có xu hướng người dân trở lại TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận khi nghe tin doanh nghiệp hoạt động trở lại, dễ dàng đi lại sinh sống làm việc. Nếu luồng thông tin này tiếp tục tích cực thì nhiều người đổ về thành phố lớn tìm kiếm cơ hội làm việc mới, theo đó sẽ tác động tích cực tới thị trường.

Thông tin tác động nữa là số liệu dịch bệnh về ca nhiễm mới, tỷ lệ tử vong. Nếu theo hướng tích cực cũng sẽ khiến nhà đầu tư giải ngân mạnh. Ở kịch bản xấu, xác suất 10-20% là thông tin tiêu cực số lượng ca nhiễm bệnh gia tăng, các địa phương siết chặt lại, kiểm soát dịch bệnh… thì sẽ khiến thị trường theo chiều đi xuống. 80-90% thiên về hướng tích cực cho tuần này.

Tốc độ giải ngân đầu tư công với những dự án cụ thể, thông tin liên quan gói hỗ trợ mới kích thích nền kinh tế sau khi được quốc hội thông qua… ra sớm, kịp thời, mang tính tích cực sẽ khiến nhà đầu tư hạn chế bán, tăng việc mua vào.

Tôi kỳ vọng các quỹ ETF sau thời gian giãn cách họ thấy Việt Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế, giao thông trở lại bình thường, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì có lượng tiền hút ròng từ chính quốc, có nghĩa lượng tiền nước ngoài bơm vào nền kinh tế Việt Nam thông qua các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán. Kỳ vọng dòng vốn ngoại đảo chiều, hoặc ít nhất ngưng bán.

Tôi tin thị trường tiếp tục tăng trong tuần này, có thể dao động nhưng điểm số sẽ vẫn tăng so với tuần trước. Thị trường có thể hướng tới mốc 1.400 điểm.

Với dòng tiền, tôi tin chắc chắn ở lại với thị trường. Bởi hầu như thông tin tiêu cực giảm dần, thông tin tích cực tăng dần.

Có thể thấy độ phủ tiêm vaccine tăng lên ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… giúp kiểm soát dịch tốt, nhà đầu tư yên tâm. Dự kiến trong tháng 10 nhập về vaccine nhiều, như vậy không những tăng độ phủ vaccine cho các thành phố lớn mà còn phân bổ các tỉnh thành lân cận.

Các yếu tố đã đề cập như đầu tư công đẩy mạnh, gói hỗ trợ nền kinh tế mới thông qua, quan điểm khối ngoại thay đổi khi Việt Nam mở cửa kinh tế…

Dòng vốn trong nước được củng cố như những yếu tố đề cập ở trên thì họ vẫn tiếp tục đổ vào chứng khoán. Tại thời điểm này thì chưa thấy lĩnh vực nào hấp dẫn hơn chứng khoán. Thường nhà đầu tư tài chính khi có tiền hay nói tới bất động sản và chứng khoán là chính. Bất động sản rõ ràng chưa tiện giao dịch, chưa có nhiều sản phẩm mới. Trong khi vàng hay ngoại tệ có hạn chế nhất định, mua nhỏ lẻ được chứ đầu tư lớn thì khó. Lãi suất tiết kiệm thì thấp khó hấp dẫn. Chỉ có lĩnh vực an toàn, chính thống, thanh khoản cao là chứng khoán.

Cho nên tôi cho rằng, dòng tiền vẫn ở lại thị trường và còn tiếp tục đổ vào trong thời gian tới.

Thị trường đã phản ánh hầu hết các tiêu cực trong tháng 9

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Everest (EVS)

Triển vọng tháng 10 đến từ các yếu tố gồm thúc đẩy đầu tư công; chờ đợi thêm gói hỗ trợ kinh tế.

Yêu cầu từ Chính phủ đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công 3 tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461.000 tỷ đồng (9 tháng đầu năm giải ngân chưa đến 50%) nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Ngoài ra, doanh nghiệp, thị trường và người dân cũng đang chờ đợi những gói hỗ trợ tiếp theo nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống kinh tế của người lao động.

Lợi nhuận nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thuộc Top 50 (chiếm 89% đại diện thị trường) dự báo sụt giảm lợi nhuận 3,3% so với cùng kỳ, mức không quá lớn trong bối cảnh gần như nền kinh tế bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Trong đó nhóm tài chính (ngân hàng, và chứng khoán) dự báo sụt giảm 6,7%, trong đó ngân hàng dự báo sụt giảm 9% so với cùng kỳ, ngược lại nhóm chứng khoán dự báo tăng trưởng khoảng 59% so với cùng kỳ.

Tôi dự báo nhóm ngành nguyên vật liệu ước tính mức tăng trưởng vượt trội nhất với 58%, nhóm bất động sản tăng 12,7% nhờ đóng góp chính từ VHM, trong khi sản xuất công nghiệp, trong đó gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và vận tải hàng không tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận âm.

Thị trường đã phản ánh hầu hết các tiêu cực trong tháng 9 và cần thời gian đầu trong tháng 10 để nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong quý 4 và nhà đầu tư cần thời gian phân bổ và tích luỹ cổ phiếu trở lại trước khi thị trường đón nhận những dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn hơn cho việc hồi phục sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế giai đoạn những tháng cuối năm 2021.

Dựa trên các phân tích và số liệu cũng như triển vọng trong quý 4, tôi cho rằng những cổ phiếu có thể tiếp tục thu hút dòng tiền và nhà đầu tư có thể cân nhắc tích luỹ thêm hoặc mua mới trong tháng 10 như nguyên vật liệu, bất động sản khu công nghiệp, hàng tiêu dùng…

Rủi ro biến động khi bức tranh lợi nhuận quý 3 dần được hé lộ

Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)

Nhìn chung, những chính sách, giải pháp đã ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hành động hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đưa ra đã không dừng lại ở một gói mà trở thành một chương trình hỗ trợ đảm bảo kịp thời, liên tục, hiệu quả và phù hợp theo từng giai đoạn để ổn định kinh tế vĩ mô và đây là nền tảng để thị trường chứng khoán có thể tiếp tục đi lên trong trung và dài hạn.

Nền kinh tế hiện tại có thể đã tạo đáy nhưng quá trình đi lên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó Quy mô gói hỗ trợ lớn hơn để tái thiết kinh tế được Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tại buổi làm việc với VCCI sẽ là hành động kịp thời giúp khôi phục hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; khôi phục lại nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như cải thiện đời sống của người dân, người lao động.

Mặc dù thị trường đã tăng điểm khá tích cực trong tuần qua, tuy nhiên tôi cho rằng rủi ro biến động trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra khi bức tranh lợi nhuận quý 3 dần được hé lộ. Do đó xu hướng tăng trong tuần tới nếu có tiếp diễn sẽ diễn ra ở mức thận trọng theo xu hướng sideway up.

Tôi ưu tiên những nhóm ngành đang thu hút dòng tiền gồm nhóm ngành hưởng lợi từ đà tăng giá năng lượng, hàng hoá như dầu khí, phân bón, thép, vật liệu xây dựng và các ngành phục hồi sau trạng thái bình thường mới như bán lẻ, xây dựng hạ tầng, tiện ích.

Xu hướng tăng của giá dầu trong thời điểm hiện tại khá ổn định xuất phát từ cả phía cung và cầu. Ở phía cầu, nhu cầu dầu được dự báo tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021 và cả 2022 nhờ 4 yếu  tố gồm: (1)  Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ bắt đầu hồi phục nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ. (2)  Đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ nằm trong tầm kiểm soát, được hỗ trợ bởi các chương trình tiêm chủng và cải thiện việc điều trị bệnh nhân, cho phép nhu cầu dầu tăng đều đặn trở lại. 

(3) Mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh khiến nguồn cung điện của Trung Quốc ngày càng căng thẳng dẫn đến nhu cầu chuyển đổi sang tiêu thụ nhiên liệu dầu khí tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu. (4) Trung tâm dự báo khí hậu Hoa Kỳ cho biết có 66% khả năng hiện tượng La Nina quay trở lại làm mùa đông lạnh hơn khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sưởi ấm tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu cao hơn so với cùng kỳ. Theo báo cáo tháng 8 của OPEC tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 6,0 triệu thùng/ngày lên 96,6 triệu thùng/ngày trong cuối năm 2021. Vào năm 2022, nhu cầu dầu thế giới ước tính sẽ tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày và chạm ngưỡng trung bình 99,9 triệu thùng/ngày.

Về phía cung, việc giá dầu ở mức thấp trong những năm vừa qua khiến các nhà sản xuất không đẩy mạnh chi đầu tư cho hoạt động thăm dò và khai thác nên việc mở rộng khả năng khai thác không thể tăng nhanh cùng đà tăng của giá dầu, điều này được thể hiện trong cuộc họp hồi đầu tháng 9 khi giá dầu đã chạm ngưỡng đỉnh 7 năm nhưng nhóm OPEC+ vẫn thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng.

Do có sự tương quan mật thiết với giá dầu Brent, việc giá dầu neo ở mức cao sẽ là động lực dẫn dắt kết quả kinh doanh cũng như giá của nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới. Sau thời điểm khó khăn nhất trong quý 3/2021 bởi làn sóng COVID-19, đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành dầu khí trong giai đoạn 2021-2022.

Các doanh nghiệp trung và hạ nguồn như Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) sẽ ghi nhận lợi nhuận cải thiện trở lại ngay trong ngành nhờ xu hướng tăng ổn định của giá dầu, dẫn đến giá bán cao hơn, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Hoạt động kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp thượng nguồn như Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí  (PVD) sẽ có độ trễ, tuy nhiên giá dầu neo ở mức cao sẽ là nền tảng đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí qua đó hoạt động kinh doanh sẽ dần được cải thiện. Nửa cuối năm 2021, Lợi nhuận của PVD được dự báo sẽ ghi nhận dương trở lại do giá giàn thuê hồi phục và giàn TAD bắt đầu thực hiện chiến dịch khoan cho Brunei Shell Petroleum Company Sdn Bhd.

Đối với PVS, với năng lực và kinh nghiệm sẽ tiếp tục được các đối tác tin tưởng nên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã ký kết hợp đồng dự án Gallaf Batch 3 - gói thầu EPCI05 với chủ đầu tư North Oil Company. Dự án Gallaf Batch 3 là giai đoạn phát triển tiếp theo của mỏ Al-Shaheen, nằm ngoài khơi vùng biển Qatar. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới do North Oil Company điều hành.

Đối với các doanh nghiệp phân bón Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), mặc dù giá khí nguyên liệu đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng đến giá vốn sản xuất tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại khi nguyên liệu than để sản xuất phân đạm cũng tăng mạnh nên nguồn cung phân bón trên toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cụ thể Trung Quốc dự kiến dừng xuất khẩu NP/NPK cho đến giữa năm 2022 đã  dấy lên làn sóng lo ngại thiếu hụt NPK, nhất là tại các nước Đông Nam Á. Do đó, tác động của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào với các doanh nghiệp phân bón sẽ không ảnh hưởng đáng kể.

 

Theo BizLIVE

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tam-diem-chung-khoan-tro-luc-tu-cac-thong-tin-doping-a152429.html