Ông Trịnh Văn Quyết: "Có tỉ đô mà cứ cất đấy thì coi như không có tiền"

Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC, vị doanh nhân từng gây nhiều "tranh cãi", dư luận trái chiều trên các thị trường bất động sản, chứng khoán, hàng không đã trải lòng.

cover-16340522339481388488650-1634113661.jpg

h1-1634029226655496009308-1634119198.jpg

Phóng viên: Thưa ông Trịnh Văn Quyết, ông có biết mình là người từng gây nhiều "tranh cãi" trong xã hội nhiều năm qua không, người yêu ông cũng lắm mà người ghét cũng nhiều?

Ông TRỊNH VĂN QUYẾT: Chuyện yêu, ghét thì không tránh khỏi, người quý, người không quý là chuyện bình thường. Đúng là tôi có được nhiều người biết, được công chúng khá quan tâm. Nhưng tôi nghĩ yêu là chính, còn ghét chẳng qua họ chưa gặp tôi thôi. Trong suy nghĩ và hành động tôi đều mong muốn những gì tốt nhất cho xã hội, cho đất nước, thì không có lý do gì để ghét.

box-15-1634041826217306131716-1634113273.jpg

Hai mươi năm qua, trên con đường đưa FLC từ một công ty ít tên tuổi trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu như hiện nay, từ bất động sản, du lịch tới hàng không, chắc chắn FLC đã trải qua nhiều "sóng gió". Vậy cơn "sóng gió" nào làm cho FLC lao đao nhất, khiến ông đau đầu nhất, và ông đã làm gì để vượt qua?

Ngày nào trong suốt 20 năm qua cũng có khó khăn. Đôi khi khó khăn chỉ là vướng một thủ tục hành chính, đôi khi là một hoạt động kinh doanh tại thời điểm nào đó, rồi khó khăn liên quan đến nhân sự... Nhưng tôi không xem khó khăn là "sóng gió". Kể cả khi đối mặt với dịch COVID-19 thì tôi chưa bao giờ thấy rằng đó là "sóng gió". Tôi là người hay dự báo, dự tính đến cái xấu nhất, để làm sao cái xấu nhất đó không xảy ra. Phải luôn luôn bình tĩnh, lo xa để đưa ra những phương án, tránh được "sóng gió". 

Trong hai năm dịch COVID-19 bùng phát, thị trường đối mặt với "sóng gió" chung, nhưng Tập đoàn FLC vẫn kiểm soát được mọi hoạt động, kể cả trong những lĩnh vực có lúc bị ảnh hưởng nặng nề so với các ngành nghề kinh doanh khác như: nghỉ dưỡng hàng chục ngàn phòng khách sạn phải đóng cửa, hàng không 30 tàu bay lớn nhỏ phải dừng bay…, nhưng chúng tôi đều đã có những kịch bản chuẩn bị.

Nguồn lực tài chính, nhân sự đều được FLC chuẩn bị để trở lại hoạt động bình thường, nếu được mở cửa 7 ngày, vài tuần, hay 1 tháng thì guồng máy FLC vẫn luôn sẵn sàng hoạt động. Giống như mưa thì vào trú mưa, tạnh mưa là tiếp tục đi. Luôn giữ tinh thần sẵn sàng trở lại như vậy, bởi phía sau hàng ngàn nhân sự của chúng tôi còn là hàng chục ngàn người thân của họ.

h2-1634029226658906384597-1634119270.jpg

Vì sao đa số "đại gia" bất động sản đều chọn xây dựng chung cư bán kiếm lời, thu hồi vốn nhanh, còn ông lại mạnh tay đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng? 

Tôi chọn bất động sản nghỉ dưỡng vì FLC sinh sau, đẻ muộn. Tuổi đời của tôi cũng như của doanh nghiệp đều ít hơn thế hệ đàn anh, các doanh nhân đi trước. Vì thế phải chọn hướng đi riêng.

box-1-16340356326051991857327-1634113382.jpg

Trong kinh doanh, doanh nhân phải tính đường đi của mình, có nhiều con đường đến đích, muốn trở tthành thương hiệu mạnh, có thị phần nhanh thì phải chọn được đường đi. Với các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, tôi nghĩ đó cũng là một kinh nghiệm, không chỉ với kinh doanh bất động sản mà ngành nghề nào cũng thế. 

quotes-2-1634030838111404963998-1634119272.jpg

Xây 100 tòa nhà chung cư không ai biết đến nhưng chỉ cần xây một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp sẽ được cả thế giới biết đến. Đó là cách làm riêng của FLC, là suy nghĩ của tôi từ hàng chục năm rồi. Đến nay tôi thấy mình đang đúng. 

Nếu xây một khu nghỉ dưỡng mà khách không đến là thất bại, rất may các khu nghỉ dưỡng của FLC những năm qua mùa du lịch đều phủ kín khách, kể cả những vùng đất lâu nay chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, những tỉnh thành có tiềm năng du lịch nhưng lượng khách chưa có sẵn.

Với mảng bất động sản, FLC chọn chiến lược nào trong thời gian tới?

FLC sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng, xây dựng đô thị trong khu nghỉ dưỡng, xây các đô thị trong quần thể khách sạn 5 sao, thậm chí là 5 sao +, 6 sao. Đó đều là đô thị trong các khu nghỉ dưỡng. Chắc chắn là như vậy.

Dư luận đôi khi vẫn còn một vài ý kiến "lăn tăn" về nguồn vốn đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn của FLC, vào hãng hàng không Bamboo Airways, ông có giải thích thêm gì không?

Tại các công ty niêm yết đại chúng như FLC thì các khoản vốn đầu tư đều phải minh bạch. Bất cứ một khoản đầu tư nào cũng phải được công bố công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính cho hàng triệu cổ đông biết. Tất cả các khoản đầu tư của FLC bởi vậy đều công khai, minh bạch. Nguồn vốn đầu tư các dự án là của FLC tích lũy trong 20 năm qua, tiền của nhà đầu tư, của hàng triệu cổ đông, và vay vốn chủ yếu từ các định chế tài chính trong nước.

FLC cũng không có bất cứ khoản nợ lớn nào liên quan tới các tổ chức tài chính nước ngoài. Còn với Bamboo Airways là các khoản thuê mua máy bay theo hợp đồng.

box-2-1634040461118927212843-1634113442.jpg
h3-1634029226660297518378-1634119270.jpg

Ông đã và đang làm gì để xây dựng, khẳng định thương hiệu hàng không Bamboo Airways?

Chất lượng và dịch vụ của Bamboo Airways đã được hàng chục triệu khách hàng đánh giá tốt. Tôi và anh chị em đồng nghiệp vẫn luôn ngày đêm suy nghĩ về chất lượng và dịch vụ của Bamboo Airways để cạnh tranh với các hãng hàng không trong nước và quốc tế khác. Chất lượng và dịch vụ của Bamboo Airways cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá có chỉ số an toàn nhất Việt Nam. Đó là về kỹ thuật, chất lượng bay. 

Còn dịch vụ phục vụ khách hàng trên không, dưới mặt đất, Bamboo Airways luôn hướng tới sự hoàn hảo. Nếu như có bất cứ một khách hàng nào chê, không hài lòng mà chúng tôi biết hoặc khách hàng phản ánh đến đều được hãng giải quyết triệt để. Nếu khách hàng chưa hài lòng, chúng tôi sẽ làm bằng được để khách hàng hài lòng. Chẳng hạn, hành khách nở nụ cười với tiếp viên của hãng nhưng tiếp viên không nở nụ cười đáp lại thì hãng cũng yêu cầu tiếp viên dừng bay và làm rõ thái độ đó.

Nhiều ngành nghề đóng băng do tác động của COVID-19, trong đó có các hãng hàng không, tại sao Bamboo Airways lại chọn mở đường bay thẳng Việt - Mỹ lúc này? 

Không phải cứ muốn mở đường bay thẳng đi Mỹ là mở được. Muốn mở đường bay đi bất cứ một quốc gia nào hay đường bay nội địa, các hãng đều phải mất rất nhiều tháng đối với bay nội địa và nhiều năm với đường bay quốc tế để thực hiện các thủ tục, quy trình và hợp đồng thuê mua máy bay. 

Việc bay thẳng đi Mỹ đã được Bamboo Airways chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ khi mới thành lập, hãng đã thuê mua ngay loại tàu bay to để bay đi châu Âu, đi Mỹ. 

quotes-3-16340363371511006122559-1634119271.jpg

Về hiệu quả đường bay thẳng đi Mỹ, sau khi phân tích rất kỹ loại tàu bay gì bay đi Mỹ, tỉ lệ lấp đầy bao nhiêu, giá vé thế nào, cho thấy hiệu quả của đường bay thẳng đi Mỹ là không hề lỗ, đến thời điểm này tôi vẫn bảo lưu quan điểm ấy. Chúng ta có ít nhất 2 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại Mỹ. Đây là cộng đồng người Việt, người gốc Việt đông nhất tại nước ngoài trên thế giới. Quan hệ thương mại Việt Nam với Mỹ thời gian qua đang tốt lên. Không có lý do gì để không có một đường bay thẳng từ Việt Nam đi Mỹ nếu như điều kiện kỹ thuật, và quy định pháp luật của hai nước cho phép. Bamboo Airways là hãng hàng không tư nhân đầu tiên xin mở đường bay và xin cấp phép bay thường lệ đi Mỹ. Chúng tôi đã thành công với chuyến bay thử nghiệm vừa rồi.

Khi hết dịch, nếu được Chính phủ hai nước cho bay thương mại bình thường thì Bamboo Airways dự kiến sẽ bay một tuần 3 chuyến đi Mỹ. Từ Hà Nội, Sài Gòn bay đi Mỹ với thời gian từ 13 - 15 tiếng, ăn tối ở Việt Nam sang Mỹ ăn sáng, điều đó đã trở thành hiện thực trong chuyến bay thử nghiệm, bay đi Mỹ chỉ mất 13 giờ 34 phút, khi bay từ Mỹ về chỉ mất 14 giờ 30 phút bay về. 

Giá vé bay thẳng đi Mỹ sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

Tùy từng mùa vụ và thời điểm, giá một vé khứ hồi, tức là đã bao gồm cả bay đi và bay về, loanh quanh khoảng 1.400 USD - 1.600 USD.

box-3-1634040743043956728826-1634113509.jpg

Nhiều người cũng đồn thổi lý do này khác trước việc Bamboo Airways tăng nhanh được đội tàu bay trong hơn 3 năm qua. Có lúc nào ông cảm thấy mệt mỏi và muốn môi trường cạnh tranh khác đi?

Chúng tôi có tăng được đội tàu bay lên hay không, tất cả đều dựa trên cơ sở quy định của pháp luật. Bất cứ làm một việc gì, cá nhân tôi là một luật sư, chúng tôi luôn luôn tuân thủ quy định của pháp luật. Đó là điều mà trong bất cứ một hành vi, hay một cái xin phép tắc nào, tôi đều căn cứ theo quy định của pháp luật xem có làm được không. 

Làm được thì tôi mới tính làm, mới làm hồ sơ, mới tính toán đến nội tại cũng như khách quan bên ngoài, các quy định của pháp luật, quy định của ngành, các nghị định, thông tư hướng dẫn, chúng tôi phải theo quy định, chứ không có bất cứ một sự giúp đỡ nào ngoài luật.

Nhưng với những luật sư rành luật, người ta cũng hay nói tới việc "lách luật"?

Hiến pháp quy định rất rõ doanh nhân hay cá nhân, người dân đều được làm những gì pháp luật không cấm. FLC làm những gì mà pháp luật không cấm, đúng với chủ trương, đúng luật pháp, chứ không có chuyện "lách" hay không "lách".

h4-16340292266591793301121-1634119270.jpg

Nhiều người quen gọi ông với biệt danh dễ nhớ, dễ gần, và có phần nể trọng là "Quyết còi", ông thấy biệt danh này thế nào, và ông có biết vì sao họ gọi vậy không?

Nhìn tôi có còi đâu, cao 1m71, nặng 68kg, đâu có còi đâu (cười lớn). Bạn bè, người thân, đối tác không ai gọi "Quyết còi", có thể trên mạng không chính thống họ gọi thế, ngoài đời chưa thấy ai gọi vậy. Tôi đi đánh golf bạn bè hay gọi Quyết luật sư. Gần đây thì được gọi là Quyết FLC. 

Họ gọi tôi thế nào cũng được,  không quan trọng.

quotes-1-1634030941321960490031-1634119272.jpg

Vậy ông định nghĩa thế nào về mình?

Tôi là người rất bình thường, thế nào cũng sống được. Giờ được nhiều người biết tới thì tôi vẫn đội mũ lưỡi trai, đi xe ôm lên phố, ra vỉa hè ăn phở là bình thường. Tôi không có gì đặc biệt cả (cười)!

Giữa một luật sư Trịnh Văn Quyết cách đây 20 năm và một doanh nhân Trịnh Văn Quyết hiện nay có gì khác biệt?

Tôi sinh ra từ bé đến lớn ở vùng nông thôn, nông dân nên không có gì khác biệt. Vẫn thế thôi, không có gì đặc biệt.

Trong những ông chủ "tay to" ở Việt Nam, dường như ông là người trẻ nhất, giàu nhanh nhất?

Tôi không giàu nhanh nhất. FLC 20 năm qua mọi thứ đi đúng tuần tự, không phải trúng xổ số nên giàu nhanh, mà phải lao động mới có ngày hôm nay. Hôm nay có một lao động, tháng sau có 3 lao động, rồi năm sau có 100, 1.000 lao động, rồi 10.000 lao động. 

Năm nay 47 tuổi, tôi đã buôn bán hơn 30 năm, mọi thứ cũng rất tuần tự đi lên, đương nhiên kinh doanh phải có sự may mắn, hợp thời cuộc. Và tôi chưa gặp "sóng gió" nào làm cho mất hết tiền bạc, mọi thứ vẫn hanh thông, bài bản.

Hay dùng Facebook, ông có nghĩ tới chuyện được mất gì không?

Dùng Facebook tôi không tính đến chuyện được mất. Tôi nghĩ mình làm kinh doanh, được nhiều người biết đến, thì Facebook là một trong các kênh thông tin để công chúng, cổ đông, bạn bè biết những hoạt động kinh doanh hàng ngày của tập đoàn. Bảy năm nay, nhiều người biết đến, like trang Facebook cá nhân của tôi thì tôi sử dụng nó như một kênh tương tác để nói về hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Ông có nghĩ doanh nhân phải vừa giỏi kinh doanh, vừa giỏi đi "cửa trước", "cửa sau" không?

(Cười) Tôi không nghĩ là như thế! Doanh nhân luôn làm những gì mình đau đáu, tâm huyết. Làm đến cùng, có khó khăn cũng phải cố gắng tối đa nhất, say sưa nhất, không được thì phải chịu.

Tiền giờ cũng nhiều rồi, vậy mong muốn lớn nhất của ông trong sự nghiệp kinh doanh là gì?

Đã là số kiếp doanh nhân thì làm đến bao giờ không làm được nữa thì thôi chứ (cười). Để có được điều kiện tiền bạc thì doanh nhân phải trải qua lam lũ, khổ cực. Doanh nhân cũng đi từ lao động chân tay, tôi cũng lao động chân tay từ bé, lớp 8 đã phải làm việc để kiếm tiền, lớn lên phải học hành để có trí tuệ, theo kịp thời cuộc. Tức là rất vất vả để có được điều kiện về kinh tế, để mọi người gọi là người giàu. 

Có những người vẫn giữ tâm lí không thích người giàu, nhưng một xã hội mà không thích người giàu là sẽ không bao giờ giàu được. Xã hội không cổ vũ người giàu thì làm gì có ai thích lao động nữa. Tôi mong mọi người tôn trọng doanh nhân.

flc-vinh-phuc-2-1634041374856865871633-1634113627.jpg
img9991-16340413748581937114450-1634119487.jpg

Ông nói là từ lớp 8 đã phải làm việc để kiếm tiền?

Đúng vậy. Tôi đã đóng gạch từ vôi, xỉ than để tự xây nhà, xây tường và cũng đi làm đồng như bao đứa trẻ khác ở vùng nông thôn. Lên cấp 3 thì buôn bán phụ mẹ, khi đi học đại học thì tôi cũng từng học sửa ti vi, điện thoại di động.

Ai là người ảnh hưởng lớn nhất đến ông?

Là mẹ tôi. Tôi biết kiếm tiền, buôn bán, va chạm với tiền là nhờ mẹ tôi.

Va chạm với tiền từ sớm và giờ là tỉ phú, ông quan niệm thế nào về tiền?

Bạn hỏi… phương pháp luận quá (cười). Với tôi, tiền là phải đầu tư, phải tiêu, phải luân chuyển, phải sản xuất kinh doanh, chứ giữ cả tỉ đô mà cứ cất ở đấy cũng chả để làm gì, coi như không có tiền.

Trong kinh doanh ông có bao giờ liều không?

Không, chả bao giờ liều.

Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ. Với ông, có lẽ là có bóng dáng của nhiều phụ nữ. Tại sao ông ưa dùng lãnh đạo nữ hơn nam giới?

Đúng là lãnh đạo tập đoàn FLC nhiều nữ. Nữ làm phó tổng, tổng, phó chủ tịch, đến giám đốc, tổng giám đốc các công ty thành viên đều là nữ. Dùng nữ an toàn hơn nam (cười). Quản trị của FLC là quản trị có hệ thống. Tổng giám đốc có thể nghỉ một tháng đi chơi thì hệ thống vẫn chạy bình thường, không có cản trở gì.

Ở tập đoàn FLC không có bố, mẹ, vợ con tham gia vào hệ thống của FLC. Không có bất cứ người nào kể cả họ hàng nắm giữ vị trí trọng yếu trong tập đoàn. Nếu chỉ cần một người nhà tham gia vào bộ máy lãnh đạo tập đoàn, có khi thành ra có 2 chủ tịch. Vì thế tôi không đưa người thân vào bộ máy quản lý. Bố mẹ tôi nghỉ hưu ở quê. Vợ tôi làm ngân hàng không liên quan hoạt động tập đoàn, con thì đang đi học, em gái thì làm một công việc không quan trọng ở tập đoàn, kiểu làm cho có việc thôi.

box-5-1634041181674862173461-1634113605.jpg

Nghĩa là ông không định hướng để con cái nối nghiệp tại tập đoàn?

Con cái thì tôi định hướng theo sở thích, biết đâu con mình không thích nối nghiệp, muốn tự khởi nghiệp, cái đó tôi tôn trọng. Tôi không có ý định đưa con vào nối nghiệp tại tập đoàn.

Vậy ông dạy con cái điều gì và gia đình có ý nghĩa thế nào với ông?

Khi làm việc mệt mỏi tôi luôn nghĩ về gia đình là nhất. Ai cũng vậy. Tôi có 3 thằng, cả 3 cháu đều ngoan. Tôi đang dạy cho con biết giá trị của đồng tiền. Đấy là cái quan trọng.

Cảm ơn ông!

 

 MẠNH UYÊN - BẢO NGỌC

 NGUYỄN KHÁNH

 HẢI PHI

 BẢO SUZU

Theo Tuổi trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-trinh-van-quyet-co-ti-do-ma-cu-cat-day-thi-coi-nhu-khong-co-tien-a152443.html