Từ cậu du học sinh nghèo đến nhân vật trọng yếu của IBM
Sinh ra tại làng Trình Phố, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, năm 17 tuổi, ông Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học. Lúc đó, hành trang của ông chỉ vỏn vẹn có một chiếc va li nhỏ đựng đồ cá nhân và 150 USD “dắt túi”. Để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Mỹ, ông đã vừa học, vừa kiếm việc làm thêm, từ bưng bê, dọn dẹp cho các nhà hàng tới phát thanh viên cho một chương trình truyền thanh dành cho người Việt.
Tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành kỹ thuật điện – điện tử tại Đại học Minnesota (bang Minnesota – Mỹ), Bùi Tiến Dũng ứng tuyển vào làm việc tại IBM - tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới và được nhận vào làm tại phòng thí nghiệm Rochester. Sau một năm làm việc tại đây, nhận thấy lĩnh vực bán hàng mới là nơi mình có thể phát huy hết khả năng, ông Dũng chuyển sang làm marketing và tiêu thụ sản phẩm. Cũng từ đó, ông liên tục đạt được những thành tựu cao hơn khi được đề bạt và đảm nhiệm nhiều trọng trách trong mảng sales của tập đoàn.
Trong thời gian làm việc tại đây, ông Dũng đã từng giữ nhiều chức vụ, từ Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latinh, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp IT cho tới Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của IBM. Ở vị trí nào, ông cũng được đánh giá rất cao bởi những cống hiến của mình.
Đã sống tại Mỹ hơn 30 năm, song ông Bùi Tiến Dũng vẫn sử dụng tiếng Việt thành thạo và luôn cố gắng để sử dụng tiếng mẹ đẻ mỗi khi có thể. Chia sẻ với báo giới, ông Dũng tâm sự: việc sử dụng tiếng Việt giúp ông luôn ý thức được rằng mình là người Việt Nam. Đây là cách để ông ghi nhớ và hướng về quê hương, bản quán của mình. Dù đã là công dân Mỹ, song gia đình ông vẫn giữ những nếp sinh hoạt đặc trưng của người Việt.
Bí quyết để trở thành người thành công trên đất Mỹ
Ông Dũng cho biết: "Lúc đầu, cũng giống như những bạn trẻ khác, tôi thường nghĩ rằng dù thế nào mình cũng chỉ là một người châu Á nhỏ bé, liệu có thể đại diện cho một tập đoàn hàng đầu như IBM đi giao dịch và bán hàng với các đối tượng khách hàng trên khắp thế giới? Chính ban lãnh đạo công ty đã khuyên tôi không nên băn khoăn về điều đó, rằng hình thức bên ngoài không phải là vấn đề đối với người thực sự có năng lực. Môi trường doanh nghiệp phải thuận tiện cho những người có năng lực tiến lên và IBM rất chú trọng đến vấn đề này. Họ luôn có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng những người lãnh đạo tương lai (future leaders) cho hãng”.
Dành lời khuyên cho các startup Việt, ông Dũng cho rằng, các bạn trẻ trước khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp kinh doanh, cần trang bị cho mình những kĩ năng mềm cần thiết như: khả năng thương thuyết, khả năng trình bày vấn đề, làm việc nhóm… Đây là những kĩ năng có thể tự trang bị bằng nhiều cách. Trong quá trình khởi nghiệp, may mắn là yếu tố không thể thiếu, tuy nhiên, ông Dũng cũng quan điểm: “bản thân chúng ta phải tạo ra may mắn chứ không thể chỉ ngồi chờ đợi. Tôi vẫn luôn có 4 lời khuyên cho các nhân viên trẻ của mình: thứ nhất, để thành công và luôn thăng tiến trong công việc, phải luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu; thứ hai, phải có mục tiêu rõ ràng cho con đường sự nghiệp của mình và đề ra được một lộ trình rõ ràng cho mục tiêu đó; thứ ba, là luôn tìm cách bổ sung và hoàn thiện các kĩ năng cá nhân cả về chuyên môn lẫn kĩ năng mềm; cuối cùng là không ngừng xây dựng các mối quan hệ với những người có khả năng ảnh hưởng đến công việc của mình”.
Kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu, không ngừng tự gia tăng giá trị của bản thân, nỗ lực tạo ra và linh hoạt nắm bắt các cơ hội tốt chính là bí quyết để doanh nhân Bùi Tiến Dũng chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp của mình. Đây cũng chính là thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến những người trẻ Việt với hi vọng có thể cùng đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Việt Nam.
Theo Thạch Đào/Doanh nhân và Pháp luật