ACB công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,1%. Đây cũng là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng công bố lãi suất đặc biệt. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này thấp hơn 0,2-0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.
Techcombank cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, với điều kiện tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn.
Một số ngân hàng khác như LienVietPostBank có lãi suất 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm, MB 6,8%... với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng.
Với khoản tiền gửi thông thường tại các ngân hàng, lãi suất thường thấp hơn 1-2,5% với cùng kỳ kỳ hạn, phổ biến là 4,85-6,8%/năm. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cho khách hàng ưu tiên ở mức 4,4-4,8%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam. Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank có lãi suất 12 tháng 5,5%/năm, các ngân hàng còn lại đều để lại suất 5,6%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại các ngân hàng. Đơn vị: %. |
Lãi suất huy động biến động trái chiều
So với tháng trước, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, nổi bật là Sacombank. Từ 19/10, ngân hàng này tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. Lãi suất gửi 1-3 tháng, tăng 0,4 điểm phần trăm, lên 3,1-3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng tăng 20 điểm cơ bản lên 4,3-4,5%, trong khi kỳ hạn trên 12 tháng tăng 10-40 điểm cơ bản dao động 5,3-5,4%. Với kỳ hạn 36 tháng, hiện Sacombank niêm yết lãi suất ở mức 6,1%/năm, tăng 0,4 điểm phần trăm so với khảo sát hồi đầu tháng 10. Tương tự, kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng, lãi suất cũng tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6%/năm và 5,9%/năm. Trong tháng 9, ngân hàng này hạ lãi suất huy động 20 điểm cơ bản tại nhiều kỳ hạn.
Techcombank cũng tăng lãi suất 20 điểm cơ bản các kỳ hạn 1-3 tháng, cao nhất lên 2,8-3,05%. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều giảm 40 điểm cơ bản về 4,8-4,9%/năm.
Tương tự, LienVietPostBank cũng giảm lãi suất huy động 60-110 điểm cơ bản tại phần lớn các kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1-3 tháng giảm 60 điểm cơ bản còn 3,1-3,4%. Với kỳ hạn 6-12 tháng, lãi suất giảm 80 điểm cơ bản xuống 4%, trong khi từ 12 tháng trở lên lãi suất giảm 110 điểm cơ bản, xuống 5,5%.
NamABank cũng giảm đồng loạt lãi suất tại các kỳ hạn xuống 10- 40 điểm cơ bản, tùy từng kỳ hạn. Một số đơn vị khác đã có động thái giảm lãi suất từ tháng trước như ACB, BIDV, Agribank…
Động thái giảm lãi suất huy động của ngân hàng được cho là nhằm cân đối với việc hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặt khác trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vẫn đang duy trì mức thấp, cho thấy thanh khoản hệ thống đang dồi dào. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tư nhân đang ở vùng thấp nhất từ 2017.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động. Ảnh: B.L. |
Trong báo cáo của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV.
Việc giảm lãi suất của các ngân hàng được cho là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng tiền gửi dân cư chậm dần và có tháng bị rút ròng trong năm nay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 8, tiền gửi của dân cư ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,95% so với đầu năm, thấp hơn mức 2,97% vào cuối tháng 7 do người dân rút ròng gần 1.000 tỷ đồng. Con số trong 8 tháng là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.
Năm 2016, tăng trưởng tiền gửi dân cư 8 tháng ở mức 15,4%, năm 2017 ở mức 12%, đến năm 2019 còn 8,4% và sang năm 2020 rơi xuống 5,46%. Trong 5 năm qua, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại. Điều này cho thấy người dân đang có xu hướng bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%.
Nguồn: NHNN, đơn vị: %. |
Trao đổi tại buổi họp báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp, không thể gắn việc giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm.
Theo lãnh đạo NHNN, lạm phát hiện ở mức thấp, 9 tháng đầu năm tăng 1,82%, nhưng theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng 3% và mục tiêu của Quốc hội là dưới 4%. Mặt khác, lãi suất đầu vào của ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020, còn khoảng 5-5,5%/năm. Nếu lạm phát duy trì ở mức 3%, người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
Ông Tú nói nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, mua vàng. Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Các ngân hàng chủ yếu vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động.
CTCK Rồng Việt (VDSC) đã dự báo mức tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay dao động 9,2-12,3%, và có khả năng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp.
Theo Lê Hải/NDH
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lai-suat-tiet-kiem-ngan-hang-nao-cao-nhat-a152585.html