Việt Nam hiện có hơn 70 công ty chứng khoán đang hoạt động. Xét về mức độ phủ sóng, giới đầu tư trước đây thường chỉ nhớ đến một vài cái tên lâu năm như CTCP Chứng khoán VPS (VPS), CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán MB (MBS), hay CTCP Chứng khoán VnDirect...
Dù vậy, trong vài năm trở lại đây, top 10 thị phần giao dịch đã dần có sự xuất hiện của một số gương mặt mới, đặc biệt là những công ty chứng khoán vốn ngoại. Tính đến hết quý III/2021, top 10 thị phần giao dịch trên HOSE ghi nhận 2 CTCK vốn ngoại gồm Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (3,94%), CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (2,98%). Trên sàn HNX, Mirae Asset Việt Nam (MAS) đứng thứ 3 thị phần giao dịch khi chiếm 7,51%.
Trong bối cảnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp thêm giấy phép hoạt động công ty chứng khoán, nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đã thâm nhập vào mảnh đất “màu mỡ” TTCK Việt Nam thông qua M&A công ty chứng khoán bé hạt tiêu – đặc biệt là những đơn vị có tình hình kinh doanh, quản trị có vấn đề.
Đơn cử, Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) là công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Sau MBKE, giới đầu tư chứng kiến hàng loạt các công ty chứng khoán vốn ngoại khác xuất hiện như MAS, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), CTCP Chứng khoán Pinetree, Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan (SSV)…
Theo thống kê, hiện tại có 15 công ty chứng khoán ngoại đang hoạt động trên TTCK Việt Nam.
Sau khi M&A thành công, các cổ đông ngoại bằng tiềm lực dồi dào từ công ty mẹ sẽ thực hiện tăng vốn cho các CTCK. Tính đến hết quý III/2021, có 5 CTCK ngoại có vốn chủ sở hữu hơn 1.000 tỷ đồng là MAS (7.220 tỷ đồng), KIS (4.549,2 tỷ đồng), KBSV (2.341 tỷ đồng), MBKE (2.245 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán Phú Hưng (1.558 tỷ đồng).
Với nguồn vốn dồi dào, không ngạc nhiên khi hầu hết các CTCK ngoại đều có kết quả lãi ròng quý III/2021 và 9 tháng năm 2021 tăng trưởng dương.
Cụ thể, trong quý III/2021, MAS đứng quán quân về lãi ròng khi đạt 184 tỷ đồng (tăng 65,02% so với cùng kỳ năm ngoái); xếp thứ 2 là KIS với con số 155,9 tỷ đồng (tăng 203,31%); xếp thứ 3 là KBSV (55,6 tỷ đồng; tăng 60,69%); MBKE (47,4 tỷ đồng; tăng 127,8%); hay PHS (38,1 tỷ đồng; tăng 184,33%)...
Xét trong 9 tháng đầu năm 2021, không có sự thay đổi về xếp hạng ở top đầu với: MAS (502,7 tỷ đồng; tăng 41,45%); xếp thứ 2 là KIS (393,3 tỷ đồng; tăng 211,65%); KBSV (174,6 tỷ đồng; tăng 66,13%); MBKE (123,4 tỷ đồng; tăng 93,11%); PHS (93,9 tỷ đồng; tăng 177%)...
Điểm chung, đây đều là những cái tên nằm trong top công ty chứng khoán “ngoại” có mức vốn chủ sở hữu lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong số các đơn vị kể trên, hầu hết các công ty chứng khoán có nguồn thu chính từ hoạt động môi giới, cho vay margin, duy chỉ có KIS với nguồn thu chính từ lãi bán tài sản tài chính FVTPL.
Tính riêng quý III/2021, hoạt động này đem về cho KIS 355 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với quý III/2020 và chiếm đến 49% quy mô doanh thu của KIS. Còn xét 9 tháng năm 2021, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL của KIS đạt 1.316 tỷ đồng, gấp gần 10,7 lần và chiếm 57% tổng doanh thu KIS.
Đáng chú ý, nhiều công ty chứng khoán ngoại có dấu hiệu tích cực khi ghi nhận đảo chiều KQKD từ lỗ sang lãi trong quý III/2021. Đó là, Pinetree Securities (lãi 5,8 tỷ đồng, cùng kỹ lỗ 7,8 tỷ đồng). Pinetree Securities trong 9 tháng đầu năm 2021 cũng gây ấn tượng khi lãi 12,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 16 tỷ đồng; Công ty TNHH Chứng khoán Nhật Bản (lãi quý III/2021 đạt 5,5 tỷ đồng, quý III/2020 lỗ 338 triệu đồng); SJCS (lãi quý III/2021 là 1,2 tỷ đồng; cùng kỳ lỗ 744 triệu đồng).
Ở chiều ngược lại, vẫn có một số công ty chứng khoán ngoại thua lỗ. Đơn cử, tính riêng quý III/2021, đó là Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) lỗ 2 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán Funan (FNS) lỗ 5,5 tỷ đồng dù quý III/2020 ghi nhận lãi 7,4 tỷ đồng.
Còn xét 9 tháng năm 2021, CTCP Chứng khoán SJC (SJCS) là đơn vị duy nhất báo lỗ 1,7 tỷ đồng, 9 tháng năm 2020 SJCS cũng lỗ 2 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận các CTCK “hạt tiêu” ngày nào đã lột xác sau khi về tay nhà đầu tư nước ngoài, song dễ thấy mức lợi nhuận của nhóm này vẫn thua xa so với các công ty chứng khoán nội. Điều này có thể giải thích do những đơn vị như VPS, SSI, HSC, VnDirect, VCSC.... nắm trong tay nhiều lợi thế về sự am hiểu thị trường, đội ngũ phân tích nhiều kinh nghiệm, lợi thế phí giao dịch thấp...
Tuy nhiên, các CTCK ngoại vẫn là thế lực hứa hẹn trong tương lai trong cuộc chiến tranh tranh thị phần. Điều này có thể thấy qua 2 cái tên nằm trong top 10 thị phần giao dịch sàn HOSE là MAS và KIS. Bên cạnh đó, ngoài về nguồn vốn dồi dào, siêu rẻ, các CTCK ngoại còn có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật.
Dù vậy, cũng cần nhìn nhận khách quan rằng nhà đầu tư nước ngoài không phải lúc nào cũng là “bàn tay vàng Midas” để lột xác các công ty chứng khoán. Điển hình, đó là trường hợp của Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam đã bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động do quá thời hạn đình chỉ hoạt động mà công ty không khắc phục được tình trạng và có lỗ gộp đạt mức trên 50% vốn điều lệ.
Theo Hóa Khoa/Nhà đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cac-cong-ty-chung-khoan-ngoai-dang-lam-an-the-nao-a152593.html