Vaccine nào được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi?

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiết lộ tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với 19 tỉnh, thành phía Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì chiều 26/10.

Bộ trưởng Y tế thông tin rằng, Bộ đã ban hành hướng dẫn tiêm cho trẻ em, tuy nhiên ngành Y sẽ dựa vào số lượng vaccine về để tiêm cho trẻ em. Ưu tiên tiêm cho các cháu phải nghỉ học dài ngày ở những nơi đã giãn cách bắt buộc thời gian vừa qua.

Chiến dịch tiêm sẽ tổ chức tương tự thời gian vừa qua. Bộ yêu cầu  tiêm lưu động, tiêm tại trạm y tế xã, tiêm tại trường. Vaccine sẽ là loại Pfizer của Mỹ. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ảnh: VnExpress

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ảnh: VnExpress

Độ tuổi được tiêm đầu tiên sẽ là nhóm thiếu niên từ 16-17 tuổi tại Tp.HCM trước để đánh giá rút kinh nghiệm và phổ biến cho các tỉnh, sau đó hạ dần độ tuổi.

Bộ trưởng tiếp tục cho biết sau lứa tuổi 16 sẽ tiêm cho trẻ 15 tuổi. Cơ quan đầu ngành y tế sẽ tập huấn cho nhân viên y tế trong những ngày tới. Bộ Y tế lưu ý tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định.

Đồng thời, khi tiêm cha mẹ hoặc người giám hộ được đề nghị ký phiếu đồng ý tiêm (nếu đồng ý tiêm cho trẻ) theo mẫu. Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; Các đơn vị cần tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm tích cực tham gia tiêm kịp thời và đầy đủ. 

Cuối cùng, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm chủng COVID-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách đối với các loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này. Bên cạnh đó chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.

Liên quan đến kế hoạch tiêm chủng cho trẻ nhỏ tại Tp.HCM. Sáng ngày 26/10, chính quyền thành phố tổ chức tập huấn về tiêm vắc xin cho trẻ em cho các đội tiêm vắc xin Covid-19 trên toàn thành phố. Sở Y tế Tp.HCM cho hay sau buổi tập huấn sẽ quyết định tổ chức tiêm chậm trễ nhất là vào ngày 27/10. 

Hình thức tập huấn lần này là trực tuyến thông qua kênh Youtube với sự tham gia của Viện Pasteur Tp.HCM, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) 

Nội dung tập huấn tiêm vaccine cho trẻ em, gồm: Tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em; khám sàng lọc trước tiêm; xử trí phản ứng sau tiêm; tổ chức công tác cấp cứu phục vụ tiêm chủng cho trẻ em.

Tại buổi tập huấn, đại diện Viện Pasteur Tp.HCM trả lời báo chí về 4 đối tượng sau khám sàng lọc cần phân biệt: đủ điều kiện tiêm, cần thận trọng khi tiêm (có tiền sử dị ứng các dị nguyên khác; có bệnh nền, bệnh mãn tính; mất tri giác, mất năng lực hành vi, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, sử dụng thuốc kháng đông,…), trì hoãn tiêm (mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, mắc bệnh cấp tính, bệnh đang tiến triển… ) và chống chỉ định (phản vệ cùng loại vắc xin, theo hướng dẫn nhà sản xuất).

Cơ quan này cũng đề nghị các đội tiêm chú ý phải khám sàng lọc kỹ trước tiêm vì có thể xảy ra trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra khi tiêm, như đột quỵ não, đột quỵ tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Ngoài ra, đội ngũ y tế phải chú ý đến triệu chứng tâm lý dây chuyền khi tiêm vaccine (phản ứng lo sợ khi tiêm) cho trẻ như: nhức đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tê tay chân, la hét... và lây lan ra hàng loạt, đã có nhiều vụ việc như vậy đã xảy ra. Xử lý cho ở phòng riêng, trấn an và giải thích cho các đối tượng còn lại. Nên tiêm cho trẻ xung phong tiêm trước. Tạo môi trường tiêm chủng thân thiện như có tivi cho trẻ em các chương trình thiếu nhi.

Sở Y tế Tp.HCM cho biết thêm, tiêm cho trẻ em nên không rải đều các quận, huyện nhưng tập trung tiêm cho trẻ em một số trường trước. Do cơ thể thanh thiếu niên nhạy cảm nên công tác cấp cứu được tập trung cao. Tiêm xong chỗ này di chuyển sang chỗ khác. Quận 1 và huyện Củ Chi sẽ tiến hành tiêm trước theo các đề xuất ban đầu. 

Theo Hồng Sơn/Doanh nhân Việt Nam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vaccine-nao-duoc-bo-y-te-phe-duyet-tiem-cho-tre-em-tu-12-17-tuoi-a152602.html