Theo một diễn biến mới nhất, hãng dược phẩm lớn thứ 2 sàn chứng khoán là Pymepharco đã chính thức bỏ tư cách công ty đại chúng, tiến tới huỷ niêm yết sau khi “bán mình” hoàn toàn cho nhà đầu tư ngoại.
Pymepharco được thành lập năm 1989, tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên. Từ một nhà phân phối địa phương, công ty đã nhanh chóng phát triển thành nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam với hệ thống nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) của EU, có một hệ thống phân phối với 19 chi nhánh trên cả nước cùng các văn phòng đại diện, cửa hàng chuyên doanh.
Trong khi đó, STADA là một công ty niêm yết công khai có trụ sở chính tại Bad Vilbel, Đức. Công ty tập trung vào chiến lược ba trụ cột bao gồm thuốc generic (thuốc gốc), sản phẩm OTC không kê đơn và dược phẩm đặc biệt, biosimilars.
Trên toàn thế giới, STADA có đại diện ở khoảng 30 quốc gia với khoảng 50 công ty con. Các sản phẩm của Stada hiện có mặt ở khoảng 120 quốc gia. Họ sở hữu các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng như Grippostad và Vitaprost.
Trên thực tế, Pymepharco đã sớm lọt vào tầm ngắm của STADA trong tham vọng mở rộng địa bàn kinh doanh ra thị trường quốc tế.
STADA đã là nhà đầu tư chiến lược tại Pymepharco kể từ năm 2008. Trong thời gian này, nhà sản xuất dược phẩm của Đức đã hỗ trợ trong việc phát triển công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) của EU. Ba khu vực tại cơ sở Pymepharco đã áp dụng tiêu chuẩn này.
Tháng 12 năm 2018, STADA đã tăng tỷ lệ sở hữu gián tiếp tại công ty dược phẩm của Việt Nam lên 72%. Thời điểm đó, Peter Goldschmidt, Giám đốc điều hành của STADA cho rằng: “Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng ở châu Á, nơi chúng tôi muốn không ngừng mở rộng trong tương lai”.
Trong khi ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch Pymepharco thời điểm đó cũng cho rằng: “Cam kết của STADA củng cố niềm tin rằng chúng tôi đã thành công và đang đi đúng hướng với sự hợp tác trước đây”.
Ngay sau đó, Pymepharco đã mở rộng quy mô với mức tăng trưởng cao nhất trong số 5 công ty dược hàng đầu tại Việt Nam và là nhà sản xuất toa thuốc generic lớn thứ hai trên cả nước. Công ty cũng cung cấp các dạng bào chế phức tạp hơn, cũng như các loại thuốc không cần kê đơn và thực phẩm chức năng. Khi đó, STADA đã đóng góp thành công bí quyết tiếp thị và bán hàng quốc tế của mình trong lĩnh vực này cho Pymepharco.
Tháng 11 năm 2020, STADA Service Holdings BV có trụ sở tại Hà Lan, một công ty con của STADA, đã thông báo mua lại sáu triệu cổ phiếu của Pymepharco, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty Việt Nam lên 69,99%. Để chuẩn bị cho việc mua lại toàn bộ, Pymepharco đã nới room ngoại từ 49% lên 100% vào cuối năm 2018.
Một tuần trước giao dịch, lãnh đạo Pymepharco đã thông báo kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua quyết định cho phép STADA Service Holding BV và các bên liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lên 100% mà không cần phải thực hiện đấu thầu mua lại. Sau đó, “gã khổng lồ” dược phẩm của Đức đã nâng cổ phần của mình tại Pymepharco lên 80% và tìm kiếm quyền sở hữu hoàn toàn mà không cần nộp hồ sơ đăng ký mua.
Sau khi STADA và các bên liên quan đã có tổng tỷ lệ sở hữu tại Pymepharco khoảng 80%, các vị trí trong ban giám đốc của công ty đã nằm tay những nhân sự cấp cao của STADA, bao gồm vị trí chủ tịch HĐQT Carsten Patrick Cron, người đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Pymepharco vào tháng 8 năm 2019.
Trong năm nay, STADA đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu thông qua việc chào mua công khai cổ phiếu Pymerpharco với giá chào mua 85.000 đồng/cp. Vào tháng 8 vừa qua, STADA đã tăng tỷ lệ nắm giữ từ 89,53% lên 90% vốn điều lệ.
Và thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của CTCP Pymerpharco sau khi cổ đông ngoại mua lại 99% vốn của doanh nghiệp. Vậy là sau 13 năm, từ đối tác chiến lược, STADA đã từng bước thâu tóm hoàn toàn công ty dược phẩm lớn thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo Nguyễn Chuẩn/Diễn đàn doanh nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/duong-ve-tay-doanh-nghiep-ngoai-cua-pymepharco-a152608.html