Ảnh minh họa.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để doanh nghiệp bất động sản khôi phục hoạt động tại toạ đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 28/10.
'Nhu cầu đầu tư, mua nhà đất vẫn cao'
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại.
Phát hành trái phiếu cũng rất sôi động. Toàn bộ doanh nghiệp đã phát hành gần 400.000 tỷ đồng. Riêng doanh nghiệp bất động sản phát hành 148.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 37%, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng.
Thực tế, giá cổ phiếu bất động sản từ đầu năm đến nay tăng tới 27%, gần tương đương mức tăng chung của thị trường chứng khoán (tăng 29%). Những yếu tố trên cho thấy người dân vẫn đầu tư vào bất động sản, vẫn mua nhà.
Kỳ vọng sắp tới là thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng phát triển thì thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng cú hích từ việc này.
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn.
So với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt.
Trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, còn cầu ở một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở… vẫn phát triển tốt.
Khác biệt thứ 2 là giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.
Đồng thời, tác động của đại dịch rất khác nhau, như lĩnh vực văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn… rất khó khăn; còn các lĩnh vực khác như bất động sản khu công nghiệp, logictics vẫn tốt.
Về khả năng phục hồi của thị trường rất khả quan bởi những yếu tố như kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xò. Dự báo Quý IV/2021 được dự báo tăng trưởng phục hồi trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và năm tới 2022 có khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5-7%.
'Cần nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp'
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TP. HCM nói riêng.
Đối với TP. HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ doanh nghiệp lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tất cả nút thắt, thắt chỗ nào phải gỡ để doanh nghiệp bung lên.
TP. HCM có kinh nghiệm nhiều năm, xem đầu tư công như kích thích để tăng tổng cầu. Và kinh nghiệm nhiều năm cho thấy cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỷ đồng thì sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỷ đồng.
TP. HCM cần có một chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, cần chương trình kích cầu lãi suất, thực hiện trong nhiều năm để tạo dòng tiền, kích thích. Lúc này, vai trò kết nối của ngân hàng và doanh nghiệp thông qua vai trò của chính quyền là rất cần thiết.
Rút kinh nghiệm năm 2010-2012, có thể cung cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bị nợ đọng, quá hạn, không còn khả năng vay để vẫn tạo dòng tiền cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Nếu TP. HCM lấy những chương trình trung hạn, cơ bản như vậy, thì thị trường kết cấu hạ tầng TP. HCM giai đoạn sau sẽ ổn định, bền vững hơn, tạo bước phát triển tốt hơn.
"Dù hiện nay, chúng ta mới hé cửa kinh tế nhưng tôi tin rằng, triển vọng trong nguy cơ, bây giờ rõ nhất là qua đại dịch, nhìn những bất cấp của tất cả lĩnh vực và trong sắp tới, có giải pháp để xử lý bất cập, để sau đại dịch phát triển bền vững", tiến sỹ Trần Du Lịch khẳng định.
'Doanh nghiệp bất động sản chỉ xin tháo dỡ cơ chế chính sách'
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, thị trường có khả năng tự phục hồi. Vấn đề là doanh nghiệp không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách thì có thể bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt.
Thời gian qua, Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp một cách thiết thực. Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 406 quyết định miễn, giảm thuế...
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nếu làm được như năm 2013 qua cơ chế cấp bù lãi suất thì 1 đồng cấp bù lãi suất có thể huy động thêm hơn 30 đồng... Đề nghị sớm quyết định, ban hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất cho người mua nhà
Những tháo gỡ cuối 2020 của chính phủ về đất công xen cài, nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm. Giao cho các tỉnh quy định thửa nào nhưng giờ là cuối tháng 10 rồi mới chỉ 10 tỉnh ban hành quyết định, còn 3 địa phương trong đó có TP. HCM chưa ban hành quyết định.
Có những quy trình về đầu tư xây dựng thành phố đã chỉ đạo sở ngành xây dựng nhưng nay vẫn chưa làm nên hồ sơ dự án bị tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng liên tục vừa do quy luật cung cầu vừa do thể chế và thực thi pháp luật.
Chính phủ cũng đã có những quyết sách như Nghị định 148, Nghị định 69 đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại nhà chung cư cũ nhanh hơn nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 167 về dự án liên quan đất công bị đứng hình lâu nay, đưa ra cửa hẹp tháo gỡ những dự án khó thì UBND tỉnh, thành trình từng dự án lên đê xem xét giải quyết.
Khi xây dựng Luật Đầu tư 2020, có dự án có đất y tế, giáo dục trước đây không doanh nghiệp nào muốn đầu tư nhưng nay lại là loại đất kinh doanh có hiệu quả.
Theo ông Châu, doanh nghiệp muốn đầu tư liên kết xây dựng trường quốc tế nhưng không có giải quyết được thủ tục đầu tư do chưa có quy định rõ ràng. Luật Đầu tư có cơ chế chủ đầu tư được quyền đề xuất đất y tế, giáo dục là giữ lại hay bàn giao nhà nước. Nhưng thành phố lại làm văn bản hỏi ý kiến các vấn đề thủ tục đầu tư, trong đó có đất y tế, giáo dục vốn đã được quy định rồi.
"Chúng tôi mừng vì Chính phủ ngày 5/10 đã trình Quốc hội 1 luật sửa 10 luật, sẽ tháo gỡ được vướng mắc", ông Châu chia sẻ thêm.
Theo Trần Lê/VietnamFinance
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-se-bat-day-manh-me-nhu-lo-xo-khi-co-che-chinh-sach-duoc-thao-go-a152625.html