Nhiều tháng qua, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ Hà Nội) rao bán 2 villa ở một khu nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng nhưng vẫn chưa có người mua. Năm 2018, khi thị trường bất động sản sốt giá, ông cùng nhóm bạn góp cổ phần mua 2 villa trên.
Đến giữa năm 2020, nhóm ông Hải rao bán 2 villa trên để thu hồi vốn, giảm thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Tôi chấp nhận bán với giá của 2 năm trước nhưng hầu như không có khách. Để villa lại thì cũng không có khách thuê", ông Hải phân trần.
Có thâm niên 10 năm trong lĩnh vực môi giới bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Tín, trưởng phòng kinh doanh của một công ty bất động sản ở Đà Nẵng cho hay những trường hợp như ông Hải khá phổ biến.
Theo ông, giai đoạn 2018-2019 thị trường BĐS nói chung và nghỉ dưỡng nói riêng ở Đà Nẵng phát triển nóng, giá cả leo thang. Nhiều đại gia ở Hà Nội, TP.HCM đổ xô đến Đà Nẵng mua BĐS. Nhiều người góp vốn để mua từ 3 đến 5 villa ở ven biển.
"Giới đại gia mua villa để gia đình nghỉ dưỡng vài tháng hè, còn lại họ ký hợp đồng với chủ đầu tư thuê lại để kiếm lời. Hiện thị trường BĐS giảm sâu, khách du lịch vắng bóng nên nhiều người rao bán để thu hồi vốn", ông Tín nói.
Bà Nguyễn Thị Vân, nhân viên kinh doanh của một công ty BĐS ở Đà Nẵng cũng đang rao bán hộ 6 villa của khách ở TP.HCM và Hải Phòng. Mức giá của chủ sở hữu đưa ra giảm 30% so với mức giá năm 2019 nhưng chưa có người mua.
"Ảnh hưởng của dịch bệnh nên khách hàng thận trọng trong việc đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Cùng với đó, giá mỗi villa lên đến hơn trăm triệu/m2 nên nguồn khách không nhiều", bà Vân nói thêm.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D, Công ty DKRA Vietnam, cho biết 5 năm qua, thị trường BĐS miền Trung khá trầm lắng.
Ông Vũ Văn Thanh nhận định thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ phục hồi khi du lịch đón khách trở lại. Ảnh: Thu Hồng. |
"Chín tháng đầu năm nay, nước ta bị ảnh hưởng kép từ đà suy giảm cuối năm 2020 và dịch Covid-19 nên thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam khá trầm lắng. Thậm chí, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gần như chững lại", ông Hoàng thông tin.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đà Nẵng chịu nhiều ảnh hưởng và thị trường BĐS, trong đó có BĐS du lịch và nghỉ dưỡng kém sôi động trong thời kỳ đại dịch.
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trại thái bình thường mới” diễn ra ngày 3/11, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch, cho biết ngày 2/11, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương trình thí điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn.
Nhiệm vụ xây dựng khung pháp luật phù hợp để phát triển các BĐS du lịch cần được đặt lên hàng đầu nhằm kịp thời phát triển BĐS du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trở lại khi khống chế được dịch Covid-19.
GS Đặng Hùng Võ
Theo ông, việc đón khách trở lại sẽ giúp các địa phương phục hồi kinh tế, tạo cơ hội tốt để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.
"Thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ phục hồi và "sôi sục" lại cùng với sự phát triển của ngành du lịch", ông Thanh nhận định.
Nói thêm về vấn đề này, ông Võ Mạnh Tín, Tổng giám đốc Công ty CP BCG Land, nhấn mạnh: "Chắc chắn thị trường BĐS của Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới".
Cũng với cái nhìn lạc quan như trên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho hay sự phát triển du lịch sẽ thu hút khách du lịch đến thành phố nhiều hơn, từ đó thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng.
"Được sự cho phép của Thủ tướng, ngành du lịch của Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị đón khách quốc tế đến lưu trú, góp phần thúc đẩy trở lại thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng", ông Bình nói.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), nói ở nước ta vẫn trống vắng khung pháp luật đất đai cho phát triển BĐS du lịch.
"Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế du lịch của ta khá mạnh, sự phát triển phân khúc BĐS du lịch kiểu mới cũng khá mạnh. Rất tiếc là sự phát triển đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh không có khung pháp luật phù hợp", ông Võ nhận định.
Ảnh hưởng dịch bệnh khiến thị trường BĐS du lịch ở Đà Nẵng ảm đạm. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng từ 2014, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã phát triển rất mạnh với khung pháp luật do chính quyền địa phương, nhà đầu tư dự án tự kỳ vọng để tạm hứa với các nhà đầu tư thứ cấp.
"Đến năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu các bộ nghiên cứu hình thành khung pháp luật phù hợp cho phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các bộ vẫn chưa phối hợp để tạo dựng được khung pháp luật phù hợp cho phân khúc BĐS này", ông Võ khẳng định.
Theo ông, muốn thu hút đầu tư vào phân khúc BĐS du lịch, Nhà nước cần phải có một khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích. "Nếu chúng ta cho BĐS du lịch kiểu mới được sử dụng đất dài hạn thì đấy chính là sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cá nhân quay lại", ông Võ nêu quan điểm.
Chốt lại vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng nhiệm vụ xây dựng khung pháp luật phù hợp để phát triển các BĐS du lịch cần được đặt lên hàng đầu nhằm kịp thời phát triển BĐS du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trở lại khi khống chế được dịch Covid-19.
Đoàn Nguyên/Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhieu-dai-gia-ban-thao-bat-dong-san-nghi-duong-a152657.html