Sau 2 ngày lỗ gần 3 triệu đồng/lượng
Trong 2 tuần qua, giá vàng miếng SJC tăng giảm bất thường khiến nhiều người thót tim. Từ mức giá 58,45 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 11, vàng miếng tăng liên tục lên mức cao nhất 62,25 triệu đồng/lượng vào ngày 17.11, tăng 3,8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 6,5%. Thế nhưng chỉ sau đó 2 ngày, vàng miếng SJC bị thổi bay 1,75 triệu đồng/lượng. Nếu khách hàng lỡ mua đúng đỉnh này thì trong vòng 2 - 3 ngày đã bị lỗ gần 3 triệu đồng/lượng do chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC đã tăng lên 1,2 triệu đồng/lượng so với mức chỉ 700.000 đồng vào đầu tháng 11.
Vàng không còn quá hấp dẫn để nhà đầu tư trong nước mua vào. Ảnh: Ngọc Thắng |
Đặc biệt, dù vàng trong nước lên sát ngưỡng kỷ lục trong năm vừa qua nhưng những người mua vàng thời điểm tháng 8.2020 với mức giá quanh 60 triệu đồng/lượng cũng rất khó “về bờ” vì mức này duy trì không lâu. Đáng chú ý, nếu so với đầu năm, hiện giá vàng thế giới vẫn giảm 50 USD/ounce trong khi vàng miếng SJC lại tăng 4,4 triệu đồng/lượng. Việc đi ngược của vàng trong nước với quốc tế đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong nước dễ thua lỗ dù dự báo được xu hướng tăng của kim loại quý. Hơn nữa, giá vàng thế giới càng tăng thì khoảng cách với vàng miếng SJC càng kéo giãn kỷ lục, tới trên 11 triệu đồng/lượng, đẩy mọi rủi ro cho khách hàng.
Theo Công an TP.Hà Nội, tính đến quý 2/2021, tại Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép tồn tại, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Một số tổ chức lợi dụng lòng tin của người dân để đưa ra các chiêu thức lừa đảo qua sàn Forex. Chẳng hạn đầu tháng 4, Công an TP.Hải Phòng đã phát hiện và triệt phá sàn Forex có tên Hitoption, giao dịch trên không gian mạng, rất nhiều người đầu tư tham gia ở nhiều tỉnh, TP trong toàn quốc, trong đó nhiều người đầu tư ở Hải Phòng. Số tiền của gần 970 người tham gia đầu tư vào sàn Hitoption rất lớn, tổng số dư hiện tại của người đầu tư là hơn 629.000 USD, tương đương 15 tỉ đồng. Bên cạnh một số sàn Forex bị phát hiện và triệt phá, còn rất nhiều sàn vẫn đang hoạt động ngầm và tiếp tục lừa đảo các tổ chức, cá nhân tham gia để chiếm đoạt tài sản... |
Theo ước tính, dù giá vàng biến động mạnh trong tuần qua nhưng giao dịch vẫn khá trầm lắng. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, doanh số giao dịch mua bán vàng của các đơn vị trên địa bàn TP trong 10 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh từ 40 - 41% (bán ra - mua vào) so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch ngày càng teo tóp và chỉ còn 4 ngân hàng triển khai dịch vụ nhận giữ hộ vàng trên địa bàn. Người dân có xu hướng bán vàng ra gửi tiết kiệm tiền đồng trong những năm qua.
Còn theo con số thống kê của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng tại VN liên tục sụt giảm. Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ vàng có mức sụt giảm mạnh nhất, còn khoảng 39,8 tấn trong khi năm 2019 là 56,4 tấn; năm 2018 là 59,5 tấn... Đặc biệt trong quý 3/2021, nhu cầu tiêu dùng vàng của người VN chỉ đạt 3 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, trong những năm gần đây, vàng không còn được nhiều NĐT có khả năng mua số lượng lớn quan tâm nhiều mà họ tập trung rót vốn vào bất động sản, cổ phiếu hay gửi vào ngân hàng... Nhiều NĐT dù dự báo giá vàng thế giới tăng nhưng do vàng trong nước luôn cao hơn 10 - 12 triệu đồng/lượng thì lại quá rủi ro nên không còn động lực để mua vào. Còn với những người dân mua 5 chỉ hay 1 lượng thì vẫn xem đây như là một tài sản tiết kiệm do chưa đủ tiền để mua bất động sản hay lựa chọn kênh nào khác. Việc giá vàng tăng cao trong tuần qua cũng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua như trước đây đã cho thấy nhu cầu sụt giảm mạnh. Vị chuyên gia này dự báo giá vàng từ nay đến năm sau cũng khó tăng cao. Bởi lạm phát của một số nước phát triển như Mỹ và Đức gần đây tăng cao bất ngờ khiến nhiều người cho rằng vàng sẽ hưởng lợi nhưng theo ông, các nước này có đủ tiềm lực tài chính, công cụ chính sách để kiểm soát được lạm phát ở mức phù hợp.
“Lướt sóng” sàn vàng vẫn gia tăng
Trong khi thị trường vàng vật chất giao dịch ảm đạm thì giới đầu tư “lướt sóng” trên các sàn ngoại hối (Forex) vẫn gia tăng. Thế nhưng, rủi ro trên sàn này còn lớn hơn. Theo ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích Công ty kinh doanh hàng hóa HTS, nhiều NĐT trên sàn vàng cũng sấp mặt với cơn biến động giá trong biên độ quá lớn, lên tới cả 100 USD/ounce thời gian gần đây. Đơn cử thời điểm giá vàng thế giới gần mức 1.850 USD/ounce, nhiều người đã đặt lệnh bán xuống nhưng không ngờ giá tăng vượt 1.850 USD/ounce, rồi tiếp tục lên 1.874 USD/ounce. Nhiều tài khoản đã “bay màu” vì sự tăng giá quá đột ngột của vàng. Với tỷ lệ đòn bẩy thấp nhất là 1:50 (bỏ 1 lượng, được đánh trị giá 50 lượng) nên chỉ cần tăng giảm vài chục USD, hay thị trường diễn biến trái ngược với trạng thái lệnh của NĐT là tài khoản bị cắt lỗ liền. Đợt điều chỉnh cuối tuần qua tới mức giảm 30 USD/ounce khiến một số NĐT “không còn gì để mất”.
Nhưng nếu so với trước đây, ông Vũ cho rằng quy mô tham gia sàn giao dịch nước ngoài hiện nay đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Các sàn vàng nước ngoài biến tướng bị cơ quan chức năng bắt giữ đã làm cho các hoạt động quảng bá, thu hút người chơi mới không còn rầm rộ như trước mà rút hẹp lại. Hơn nữa, trước đây những người kinh doanh vàng vật chất thường sử dụng vàng tài khoản để cân đối rủi ro biến động giá. Nay hoạt động vàng vật chất kém cũng dẫn đến thị trường vàng tài khoản không còn sôi động như trước. Dù vậy, theo ông Phan Dũng Khánh, giảng viên thị trường tài chính Trường Doanh nhân Bizlight, hiện nhiều sàn Forex nước ngoài đều tích hợp giao dịch nhiều loại hàng hóa khác nhau từ vàng đến cổ phiếu, dầu, tiền số... nên những NĐT mới thích tham gia nhiều hơn, đặc biệt tỷ suất sinh lời của kênh này luôn khá cao với kênh vàng truyền thống. Dù vậy, ông Khánh cũng thừa nhận hiện số lượng NĐT giao dịch vàng tài khoản trên các sàn Forex không nhiều như lượng giao dịch đối với tiền số, cổ phiếu.
Thanh Xuân /THANH NIÊN
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/song-vang-danh-bay-tai-khoan-nhieu-nha-dau-tu-a152736.html