Vào ngày 5/12 tới, BKAV sẽ chính thức mở bán bộ đôi tai nghe AirB và AirB Pro. AirB và AirB Pro được trang bị một số tính năng như điều khiền bằng cảm ứng, mic lọc ồn khi đàm thoại, kháng nước chuẩn IP45, Bluetooth 5.0. Riêng AirB Pro có khả năng chống ồn chủ động (ANC). Mức giá của AirB là 1.49 triệu đồng và AirB Pro là 2.99 triệu đồng.
Nhằm chuẩn bị cho ngày ra mắt, cách đây vài ngày, đội ngũ của BKAV đã đăng tải lên chợ ứng dụng App Store (Apple/iOS) và Play Store (Google/Android) ứng dụng "AirB". Đây là ứng dụng quản lý và điều khiển dành riêng cho chiếc AirB Pro cao cấp (phiên bản AirB "thường" không có ứng dụng).
Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa đến tay người dùng, nhưng ứng dụng AirB đã nhận phải hàng loạt đánh giá 1*. Đa phần những đánh giá này tỏ vẻ bất bình với CEO Nguyễn Tử Quảng, một người đã liên tục có những phát ngôn gây sốc trong suốt những năm vừa qua. Một số khác chê ứng dụng AirB có giao diện không đẹp mắt, giật lag và có thành phần giao diện đạo nhái từ Apple.
"Giao diện người dùng trông hơi phèn. Sản phẩm dùng tạm. Tuy nhiên, AirB là tai nghe phân khúc tầm trung, nhưng công ty tâng bốc lên tận trên trời. Thế nên, tôi có kiến nghị anh Quảng nên sa thải nguyên phòng MKT hoặc từ chức vị trí hiện tại để nâng tầm BKAV nhé. Thật sự không thể được chấp nhận thương hiệu Việt mà lại bị gạch đá và quay lưng bởi chính người Việt như vậy.", người dùng T.Đ.M viết.
Ở thời điểm bài viết, ứng dụng AirB trên Play Store nhận được 181 lượt đánh giá, đạt 2.1/5*.
Thời gian gần đây, chiếc tai nghe AirB đã là một chủ để nóng trong giới công nghệ Việt Nam. Được công bố lần đầu hồi tháng 5/2020, nhưng phải đến cuối tháng 10/2021 vừa qua, BKAV mới hoàn thành việc phát triển chiếc tai nghe này để đưa vào sản xuất.
Mặc dù "sinh sau đẻ muộn", nhưng AirB lại có thiết kế được đánh giá là giống với AirPods của Apple. Khi được hỏi về điều này, ông Nguyễn Tử Quảng tuyên bố "không có gì phải xấu hổ" trong kinh doanh thương mại và là một cách để marketing.
Một chi tiết thiết kế khác gây tranh cãi của AirB là bản lề "sợi dây", được chúng tôi đánh giá là lỏng lẻo và kém cao cấp, trái ngược so với tuyên bố AirB là một sản phẩm "thiết kế cao cấp, hoàn thiện tinh xảo" ghi trên vỏ hộp. CEO BKAV tiếp tục lên tiếng, cho rằng thiết kế này là để "tiết kiệm cho khách hàng" khi hạn chế tình trạng hỏng/gãy bản lề.
Vụ việc lên tới đỉnh điểm khi BKAV yêu cầu ba kênh Youtube AnhEm TV, Duy Thẩm và Tân Một Cú gỡ bỏ video review AirB (có nội dung tiêu cực), do một nhân viên BKAV đã "gửi nhầm" cho các kênh này một phiên bản chưa hoàn thiện của AirB. "Việc đánh giá dựa trên sản phẩm THỬ NGHIỆM sẽ không khách quan, vì thế không nhà sản xuất nào muốn điều đó xảy ra. Cụ thể, phiên bản THỬ NGHIỆM mới chủ yếu lên được HÌNH DÁNG sản phẩm, chưa thể có độ hoàn thiện cao. Đặc biệt PHẦN MỀM âm thanh sẽ chỉ là CƠ BẢN, chưa có sự căn chỉnh phù hợp với thiết kế cơ khí của HỘP LOA sau khi đã hoàn thiện.", ông Quảng viết trên mạng xã hội.
Phạm Ngọc Tân, chủ kênh Youtube Tân Một Cú và là một trong số ba reviewer nói trên, đã công khai chỉ trích về cách thức làm việc thiếu chuyên nghiệp của BKAV và tuyên bố "không muốn làm việc cùng BKAV".
Theo JennyKay/Pháp luật và bạn đọc
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chua-mo-ban-ung-dung-airb-cua-bkav-da-nhan-hang-loat-danh-gia-1-tren-cho-ung-dung-a152792.html