Hiện thành phố đang lấy ý kiến sở ngành các cấp, dự kiến sẽ lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ đất rừng phòng hộ trên đảo, nhằm phục vụ cho việc xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, du lịch cho xã đảo duy nhất của thành phố đông dân bậc nhất cả nước này.
Nằm biệt lập và cách trung tâm huyện Cần Giờ khoảng 8 km về phía Bắc theo đường chim bay, cù lao Phú Lợi có một lịch sử khá đặc biệt khi đây là điểm dừng chân của nhiều người dân vượt biên vào những năm sau ngày đất nước thống nhất 1975. Ngày nay, người ra đảo mất gần 45 phút đi tàu, giữa mênh mông sông nước và hệ thống rừng ngập mặn mát mắt xung quanh.
Xã nghèo đất chật người đông
Hiện tổng dân số trên Cù lao Phú Lợi là gần 3.500 người, ở trên 18 ha, thuộc hai ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình.
Chật hẹp và nhà cửa san sát, đi bộ từ đầu tới cuối khu dân cư chỉ mất khoảng 25 - 30 phút. Hơn một năm nay, người dân ở đây mới được cho phép tôn tạo, cơi nới nhà cửa. Đi đâu cũng dễ bắt gặp cảnh xi măng, đất cát chộn rộn trên cù lao vốn nhỏ và bình yên này. Là một xã đảo nghèo, đất trũng thấp và hay bị ngập bởi triều cường, mãi tới năm 2015 điện mới theo cáp ngầm ra đảo, giúp thay đổi dần đời sống người dân ở đây. Nhưng nước vẫn phải chở bằng sà lan từ đất liền qua. Có lẽ vì vậy mà khao khát được phát triển sung túc hơn không chỉ của mỗi người dân đảo.
Khu vực bồi phía tây của cù lao Phú Lợi - nơi dự kiến sẽ được bồi đất đắp nền và xây thêm đê bao kiên cố. Ảnh: Lê Quỳnh
Theo ông Đặng Hoàng Sơn, phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, do nhu cầu tách hộ dân ở những gia đình nhiều thế hệ, thay nhà “ổ chuột”, chưa kể nhu cầu nhà ở cho bộ đội, từ những năm 1998, xã đã cho phát một khu đất rừng phòng hộ để đắp nền, mở rộng khu dân cư. Việc giãn dân về đây bắt đầu từ năm 2000. Chưa có liệu chính xác số hộ dân tăng theo thời gian, nhưng ước tính sau 10 năm tới nay, tổng số hộ dân trên đảo đã tăng thêm khoảng 10%. Hiện cả cù lao có 1.043 hộ.
Định hướng đến năm 2030, dân số cù lao Phú Lợi sẽ tăng thêm khoảng 20 - 30%. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ tịch xã Thạnh An nói rằng: việc xin toàn bộ diện tích rừng trên đảo ra khỏi rừng phòng hộ là cần thiết, và để tạo điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch đảo.
Chị Nguyễn Thị Hồng Đào, học hết lớp 7, 28 tuổi, đã từng có nhiều năm “đi làm công ty” ở Đồng Nai, Vĩnh Long, có khi theo chồng làm phụ hồ, công trình ở Sài Gòn. Cuối cùng chị quyết định chọn về lại đảo, vì “đã ở đây từ nhỏ, mến tay mến chân, quen rồi, lại bình yên”. Một nách chăm ba con nhỏ, đứa bé nhất chỉ mới hơn 1 tuổi, đứa lớn nhất đang học lớp 2, Đào sống bằng nghề bán hột vịt lộn hoặc bất cứ việc gì ai mướn. Hiện chồng chị vẫn đang bám Sài Gòn làm thợ hồ, công việc bấp bênh vì dịch bệnh COVID-19. Đào bảo vợ chồng chị chỉ mong sẽ nuôi được mấy đứa con học hành và có tương lai hơn mình.
Chị Nguyễn Thị Hồng Đào và con trai. Cũng như Đào, đa số thanh niên, người trẻ cù lao Phú Lợi hoặc đi học xa, hoặc đi làm công nhân, phụ hồ... ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: Nam Phong
Cũng như Đào, đa số thanh niên, người trẻ ở đây hoặc đi học xa, hoặc đi làm công nhân, phụ hồ... ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Có người lập nghiệp được ở quê người, chọn cù lao thành quê nhà - nơi đi chốn về. Nhưng cũng có người như Đào, mong muốn có cơ hội về cù lao sống vì “đi làm xa cực quá”.
Đa số người dân Phú Lợi hiện sống chủ yếu bằng nghề nuôi hàu quanh đảo, hoặc đi biển gần bờ. Nhưng không phải ai ở cù lao cũng có nhiều vốn nuôi hàu, còn đi biển thì tôm cá không còn nhiều nữa. Vì vậy nhiều người dân ở đây đang kỳ vọng tương lai cù lao có thể phát triển du lịch, để có thêm việc làm.
Cũng vậy, nghe tin đất rừng “sắp” được chuyển đổi, các dự án phục vụ du lịch sẽ được xây, nhiều người dân đã bắt đầu rao bán đất của mình, dù mua bán chỉ bằng giấy tờ viết tay. Đã nhiều người từ thành phố xuống mua đất chờ đầu tư.
“Xin” toàn bộ đất rừng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự kiến, một cầu tàu du lịch sẽ được xây dựng ở khu vực Vàm Siêu - mũi rừng tự nhiên phía Nam cù lao Phú Lợi. Xác nhận điều này, ông Trần Văn Thanh, phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Thạnh An, cho biết nếu cầu tàu được xây dựng thì thời gian và quãng đường ra đảo sẽ rút ngắn được một nửa, không chỉ phục vụ cho du lịch mà cho cả nhu cầu dân sinh khi cấp thiết.
Hiện đảo đang có hai bến cầu tàu ở khu vực dân cư.
Mũi phía nam cù lao, nơi dự kiến sẽ xây thêm một cầu tàu du lịch. Ảnh: Nam Phong
Cũng vậy, để phục vụ cho dự án phát triển kinh tế xã hội Thạnh An tới năm 2025, hướng tới năm 2030, chính quyền xã dự kiến sẽ đổ đất đắp nền mở rộng thêm quỹ đất cho cù lao Phú Lợi, khoảng 100 ha về phía sông Thêu, là phía Tây cù lao. Trước mắt, theo ông Thanh, xã sẽ đổ đất đắp nền khoảng 30 ha. Theo đó, trong tương lai một đê bao bằng đá kiên cố sẽ được xây dựng phía sông Thêu.
Ông Thanh khẳng định: “Nếu toàn bộ diện tích rừng trên đảo được Thủ tướng cho phép đưa ra khỏi rừng phòng hộ, chúng tôi sẽ không chặt hết rừng. Cũng phải giữ lại một phần rừng để làm du lịch, và có thể trồng thêm các loại cây ngập mặn khác”.
Như vậy nếu theo dự kiến trên, cù lao Phú Lợi sẽ được “bảo vệ” hoàn toàn bởi một hệ thống đê bao kiên cố quanh đảo, và toàn bộ diện tích rừng ngập mặn tự nhiên trên đảo sẽ bị "nhốt" bên trong đê bao.
Khu vực dân cư và diện tích rừng còn lại của cù lao Phú Lợi. Hơn 31 ha rừng ở cù lao Phú Lợi không chỉ là rừng phòng hộ mà còn nằm trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Nam Phong
Quy trình bất ổn?
Để chuẩn bị cho “quy hoạch” nói trên, từ cuối năm 2016, toàn bộ diện tích rừng trên cù lao Phú Lợi đã được đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ theo Kết quả Kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố TP.HCM cùng năm. Nội dung này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình theo văn bản số 3442 vào tháng 12.2016 và đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 1.2017 trong quyết định số 30. Theo đó, hơn 31 ha rừng trên cù lao Phú Lợi được đưa vào diện tích rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp.
Hiện nay, theo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, mặc dù 31 ha rừng ở cù lao Phú Lợi đã được đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ nhưng do chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nên vẫn được quản lý và bảo vệ theo quy định Lâm nghiệp và Quy chế quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.
Có thể nói, việc đưa 31 ha rừng ra khỏi ranh rừng phòng hộ này được xem là một bước chuẩn bị để chính quyền địa phương lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án, phát triển du lịch.
Đê bao bằng đá kiên cố chạy dài từ phía tây sang mũi nam của cù lao Phú Lợi. Ảnh: Nam Phong
Dự thảo Dự án phát triển kinh tế xã hội xã đảo Thạnh An đến 2025 viết, việc đưa rừng ra khỏi ranh rừng phòng hộ này là “tạo cơ sở pháp lý phục vụ điều chỉnh quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội”.
Công văn của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tháng 6.2021 đối với việc điều chỉnh ranh rừng phòng hộ của Thạnh An như trên đã cho rằng “là phù hợp”. Lý do, tại thông báo 6872/TB-BNN-VP tháng 8.2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trong cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 có nội dung “sử dụng kết quả kiểm kê rừng làm cơ sở để các địa phương rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh ranh giới ba loại rừng cho phù hợp với thực tế”.
Đời sống người dân Thạnh An, không gian sông nước mênh mông và cảnh đẹp đặc biệt ở khu vực Gò Gia - Giồng Chùa là một lợi thế làm du lịch sinh thái cho xã đảo Thạnh An. Ảnh: Nam Phong
Cơ quan chức năng TP.HCM nói đúng quy trình, nhưng nhiều chuyên gia nhận định “không ổn”. Thực tế hiện nay, việc một địa phương đưa một diện tích rừng ra khỏi Quy hoạch ba loại rừng (như trường hợp TP.HCM đưa rừng ra khỏi rừng phòng hộ) khi kiểm kê rừng đang thường bị xem như là một thủ thuật, để giúp cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được thuận lợi hơn sau đó.
Đáng lo ngại hơn, việc quy hoạch ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, và sản xuất) hiện nay thường là dựa vào mục tiêu phát triển kinh tế, nhiều khi đã có dự án đầu tư được “đặt cọc” sẵn của địa phương, thay vì xem xét dựa trên vai trò, chức năng của rừng như: phòng hộ, giữ đất, nước, chống xói lở, giảm tác động của biến đổi khí hậu,... Trong khi về mặt khoa học, vị trí, vai trò của một diện tích rừng cần được đặt lên trên hết, trước khi quyết định cắt một diện tích rừng ra khỏi Quy hoạch ba loại rừng để phát triển kinh tế.
Cần đưa rừng vào lại ranh rừng phòng hộ
TP.HCM đang không ra ngoài khỏi “vòng xoáy ăn rừng” nói trên, ít nhất khi xét về vị trí phòng hộ của hơn 31 ha rừng này.
Năm 2012, bão số 1 thành áp thấp nhiệt đới gây mưa to gió giật ở TP.HCM đã khiến hơn 1.500 người dân Thạnh An phải sơ tán vào đất liền - thị trấn Cần Thạnh tránh bão. Thực tế vào những năm bão đổ bộ vào TP.HCM, khi cù lao Phú Lợi chưa có trường học và khu nhà quân sự được xây dựng kiên cố để có thể tránh bão tại chỗ, người dân ở đây đều phải vượt nhiều cây số đường sông vào bờ tránh bão, đề phòng xảy ra sự cố.
Một khu vực phía tây đảo đang được lấn kè đắp nền cho chỉnh trang đô thị ở Thạnh An. Ảnh: Lê Quỳnh
Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, nói rằng cù lao Phú Lợi nằm ngay cửa sông nên rừng ngập mặn trên đảo có vai trò như là một lá chắn gió bão. Vai trò của rừng đối với cù lao sẽ còn đặc biệt quan trọng và cần thiết hơn trước bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Không chỉ vậy, diện tích rừng còn lại hiện nay của cù lao đang góp phần giữ đất, bồi tụ và mở rộng thêm đất cho đảo.
Việc đưa toàn bộ diện tích rừng trên cù lao Phú Lợi ra khỏi rừng phòng hộ để phát triển kinh tế xã hội Thạnh An có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro.
TS. Trương Văn Vinh, Phó trưởng khoa Lâm Nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, phân tích: sau khi đê bao phía đông cù lao được xây như hiện nay, rừng ngập mặn ở đây đang có xu hướng phát triển về phía tây (bên bồi - nơi hiện không có đê bao). Xu hướng phát triển của cây mắm tự nhiên ở phía tây này giúp giữ một lượng phù sa từ nước sông Đồng Nai đổ về và bồi lắng lại, nâng nền trầm tích của đảo.
Vì vậy, nếu theo dự thảo quy hoạch Thạnh An, việc tiếp tục xây đê bao và đắp nền thêm 100 ha quỹ đất về phía tây để “nâng cấp và mở rộng đô thị” bên trong đảo sẽ cắt đứt sự phát triển của rừng. Đồng thời, việc này sẽ làm hạn chế nước triều vào ra tự nhiên, gây tình trạng ô nhiễm bên trong đảo.
“Khả năng lớn đảo chỉ còn lại bê tông hóa, xem như là một đảo nhân tạo, khi nền lún xuống thì phải tiếp tục nâng nền. Về lâu dài nguy cơ rừng sẽ gần như không còn. Khỏi cần phá rừng, rừng cũng sẽ chết”, TS Vinh nhận định.
Từ trên xuống: hình ảnh năm 1985, 2004, 2015 và 2020 cho thấy sự thay đổi của diện tích rừng. Theo nhiều chuyện gia, việc xây cầu tàu ở mũi nam cù lao cũng cần được cân nhắc. Thực tế và ảnh vệ tinh cho thấy một diện tích lớn rừng ở khu vực này đã bị sóng đánh mất theo thời gian. Vì vậy một đoạn đê bao đã được xây thêm ở đây để bảo vệ rừng. Hình chụp từ Google Earth
Theo lãnh đạo xã Thạnh An, hiện vẫn có diện tích khu dân cư cù lao Phú Lợi về pháp lý là đất rừng nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh nhai, sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho rằng: do yếu tố lịch sử, đối với diện tích rừng đã có dân cư sinh sống thì có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Nhưng đối với gần 31 ha rừng còn lại thì không nên chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, và cần đưa vào lại ranh rừng phòng hộ để bảo vệ.
Phân tích cho thấy, quan điểm vì dân cư đông, cần chỉnh trang đô thị làm du lịch mà chuyển rừng ra khỏi rừng phòng hộ là thiếu thuyết phục. Bởi nguy cơ mất rừng, đảo bị bê tông hóa, mất cảnh quan thiên nhiên sẽ không giúp được đảo làm du lịch sinh thái, và rất khó thu hút được khách du lịch.
Ngoài ra, việc nhắm vào đất lâm nghiệp để làm dự án sẽ giúp cho chi phí giải tỏa đền bù gần như bằng 0 vì đây là đất công nhưng việc trồng rừng thay thế (dù gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị mất) ở khu vực khác cũng sẽ không có ý nghĩa đối với cù lao Phú Lợi.
Định hướng quy hoạch bất hợp lý
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 31 ha đất rừng phòng hộ cù lao Phú Lợi trong dự thảo phát triển kinh tế xã hội xã đảo Thạnh An nằm trong nội dung dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung huyện Cần Giờ hiện nay.
Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ tới năm 2025 đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2012 tới nay vẫn còn hiệu lực, dân số xã Thạnh An chỉ còn 2.000 người. Dân số xã đảo cũng có chủ trương được giảm theo Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn TP.HCM đã được phê duyệt năm 2014 của UBND TP.HCM, với kế hoạch di dời 400 hộ dân ở xã Thạnh An. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Một nghiên cứu vào năm 2014 của nhóm tác giả GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, ủy viên ban chấp hành Hội Nước và Môi trường TP.HCM, qua phân tích đặc điểm khí tượng, thủy hải văn và môi trường cho thấy khu vực đất rộng người thưa Gò Gia - Giồng Chùa của xã Thạnh An có tiềm năng phù hợp cho quy hoạch phát triển du lịch sinh thái bằng đường sông, thay vì tập trung phát triển ở cù lao Phú Lợi.
Nghiên cứu kiến nghị, với quy hoạch tới năm 2025 dân số ở xã Thạnh An chỉ còn khoảng 2.000 người, thì số dân này có thể phục vụ du khách mà không cần huy động thêm dân từ nơi khác. Theo đó, thành phố có thể quy hoạch về mặt giáo dục nghề và ngoại ngữ để người dân nơi đây có thể tự kiếm sống trên mảnh đất quê hương của họ, đồng nghĩa với tạo nên công ăn việc làm, an sinh xã hội tốt hơn và dân trí được nâng lên, ô nhiễm giảm xuống. Theo nghiên cứu, không nên quy hoạch một khu vực dân trí thấp, thu nhập thấp trở thành khu đô thị mà trong đó không còn một người dân nào của địa phương có thể tiếp tục cuộc sống của họ.
So với thời điểm hiện tại, có thể cần nghiên cứu sâu hơn cho quy hoạch cù lao Phú Lợi nói riêng và xã đảo Thạnh An nói chung, nhưng nghiên cứu trên có thể tham khảo.
Trao đổi thêm với chúng tôi về định hướng quy hoạch mở rộng quỹ đất tập trung phát triển cù lao Phú Lợi hiện nay, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng cảnh báo: về nguyên tắc, với một cù lao nhỏ chỉ hơn 48 ha như Phú Lợi, việc đổ đất đắp nền dự 100 ha ở phía tây là không ổn về mặt thủy thạch động lực.
Trước khi đắp đất lấn sông cần phải có nghiên cứu, khoan địa chất vùng, xem cấu trúc lớp đất, đánh giá xu thế diễn biến bờ, nghiên cứu quá trình dòng chảy, tác động của dòng chảy, yếu tố thủy triều. Trên cơ sở đó, nếu tác động của sóng, dòng chảy, thủy triều, địa mạo địa chất vùng này tương đối ổn định, không thay đổi nhiều trong vòng 15 - 20 năm qua thì mới có thể tính đến chuyện có lấn đất sông hay không.
“Dự định của địa phương hiện nay chưa thấy dựa trên cơ sở nào. Muốn phát triển lâu dài và ổn định thì phải có cơ sở khoa học”, GS-TS Nguyễn kỳ Phùng nói.
Theo Lê Huỳnh/Người đô thị
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tphcm-xin-dat-rung-de-phat-trien-dao-a152906.html