Theo Bộ Công thương, việc hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1-2022 sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và quy mô GDP lên tới khoảng 26.200 tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Như vậy, RCEP dự kiến giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
Hiệp định này cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Về kinh tế, RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế. RCEP còn thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực.
Với một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, RCEP sẽ mang lại thêm 209 tỉ USD hằng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỉ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.
Ước tính, RCEP và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bù đắp tổn thất kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra. Hai hiệp định này cũng sẽ giúp các nền kinh tế của Đông Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
Theo Bộ Công thương, trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp, nhưng khi RCEP đi vào thực thi vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan.
Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Đồng thời, RCEP giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỉ USD mỗi năm, đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Bộ Công thương cho rằng khi RCEP chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo N.An/Tuổi trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hiep-dinh-thuong-mai-lon-nhat-the-gioi-co-hieu-luc-co-hoi-khai-mo-thi-truong-26200-ti-usd-a152975.html