Bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp trúng đấu giá

Dự án Khu dân cư Hòa Lân (gọi tắt là dự án Hòa Lân, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH SX-TM Thiên Phú (gọi tắt Công ty Thiên Phú) thực hiện từ năm 2002.

Do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, không thể triển khai dự án nên Ngân hàng Agribank Chợ Lớn đem đấu giá tài sản thế chấp là khu đất của dự án. Nhưng sau hơn 4 năm trúng đấu giá, dự án chưa thể triển khai tiếp, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp trúng đấu giá ảnh 1

Dự án Khu dân cư Hòa Lân sau nhiều năm đình trệ lại tiếp tục dở dang

Rắc rối sau kháng nghị

Ngày 25-5-2017, tại phiên đấu giá công khai lần thứ 13, Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải, nay là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (gọi tắt Công ty Kim Oanh), đã trúng đấu giá với số tiền 1.353 tỷ đồng. Đến năm 2019, Công ty Thiên Phú khởi kiện. Tháng 11-2020, TAND quận 7 (TPHCM) xét xử sơ thẩm đã bác đơn, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trúng đấu giá. Công ty Thiên Phú kháng cáo, nhưng sau đó, do các bên liên quan hòa giải thành nên ngày 24-3-2021, TAND TPHCM đã ra phán quyết đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty Thiên Phú.

Đột nhiên, tháng 4-2021, Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam có công văn đề nghị Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị giám đốc thẩm với bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm; dù tạp chí này không phải là đương sự trong vụ án, không có bất cứ quyền và nghĩa vụ liên quan. Đến ngày 26-6-2021, ông Bùi Thế Sơn (đại diện Công ty Thiên Phú) có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm dù trước đó, chính ông Sơn đã cam kết rút đơn sau khi nhận một khoản tiền hỗ trợ từ Công ty Kim Oanh.

Sau khi nhận đơn của ông Sơn, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM ra kháng nghị. Ngày 15-11-2021, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tiến hành thủ tục xét xử giám đốc thẩm và quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 7 (TPHCM) giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

Bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh) bức xúc nói: “Việc đấu giá diễn ra công khai, minh bạch và để trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh phải cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị tham gia. Sau đó, Nhà nước không thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến khu đất và đến năm 2019, giá đất tăng cao, Công ty Thiên Phú đưa đơn kiện ra tòa yêu cầu hủy kết quả đấu giá. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng Trung ương xem xét thấu đáo để doanh nghiệp có điều kiện phát triển dự án. Hơn 2 năm nay “theo hầu” vụ kiện khiến chúng tôi vô cùng vất vả khi đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng vào dự án”.

Lợi ích Nhà nước vẫn được đảm bảo

Một trong những cơ sở để TAND Cấp cao tại TPHCM ra phán quyết hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm là tòa án cho rằng quyền lợi Nhà nước bị thiệt hại và có vi phạm trong bán đấu giá đất dự án. Tuy nhiên, theo Kết luận Thanh tra số 62/KL-TTr của Bộ Tư pháp (ngày 24-12-2018), mặc dù có một số sai sót trong quá trình đấu giá nhưng những vi phạm ấy không nghiêm trọng, và lợi ích của Nhà nước (thông qua Ngân hàng Agribank) không bị thiệt hại do được Công ty Kim Oanh thanh toán khoản lãi chậm nộp (8%/năm) với số tiền 97,18 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn. 

TAND TPHCM trong bản án phúc thẩm nhận định: Trong quan hệ mua bán tài sản bán đấu giá, bên có quyền là Agribank Chợ Lớn đã gia hạn thời hạn thanh toán hợp lý; và “việc chậm thanh toán của Công ty Kim Oanh không thuộc vào trường hợp là căn cứ để hủy kết quả đấu giá theo Khoản 1, Điều 48, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và có lý do bao gồm cả chủ quan của Công ty Thiên Phú trong việc chậm bàn giao dự án Khu dân cư Hòa Lân”.  

Kết luận Thanh tra số 62/KL-TTr của Bộ Tư pháp đã có hiệu lực pháp luật nên TAND Cấp cao tại TPHCM thụ lý giải quyết đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của nguyên đơn là vi phạm tố tụng.

Về diện tích 246.853m2 đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất bị đem thế chấp và đấu giá, quan điểm của TAND TPHCM tại phiên phúc thẩm cho rằng:  “Đây là diện tích đất Nhà nước giao để chủ đầu tư sử dụng vào mục đích công cộng, hành lang lộ giới, công viên khi thực hiện dự án Hòa Lân và chỉ giao cho chủ đầu tư phải thực hiện đúng mục đích được giao. Phần tài sản này là tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai được thể hiện trong hợp đồng tín dụng số 03.519, việc ký kết hợp đồng này là phù hợp với ý chí của các bên và phù hợp với thực tế khách quan”. Trong phụ lục Hợp đồng bán đấu giá lần 12 được ký giữa Agribank Chợ Lớn và công ty bán đấu giá lần 12 cũng đã ghi rõ: “Đối với phần diện tích đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật”. 

Kết luận số 3359/KL-C46 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an (ngày 5-10-2015) cũng nhận định: Về các khoản vay của Công ty Thiên Phú tại Agribank Chợ Lớn đều có tài sản thế chấp, kết quả thẩm định cho thấy giá trị tài sản thế chấp cơ bản đảm bảo được việc thanh toán nên chưa có hậu quả thiệt hại, vụ việc không có dấu hiệu của tội phạm. 

Theo Nhóm PV/Business Forum

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bao-ve-quyen-loi-cho-doanh-nghiep-trung-dau-gia-a152999.html