Cuộc đua tăng vốn các công ty chứng khoán: Kịch hay còn ở phía trước?

Theo giới chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa bước vào giai đoạn “hay” nhất và các đợt tăng vốn mới của các công ty chứng khoán sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2022.

Cuộc đua tăng vốn các công ty chứng khoán: Kịch hay còn ở phía trước?

Cuộc đua tăng vốn giữa các công ty chứng khoán sẽ vẫn “nóng” trong năm 2022.

Dồn dập phát hành cổ phiếu mới

Ngày 17/11, Công ty Chứng khoán SSI ban hành nghị quyết trình đại hội cổ đông (ĐHCĐ) phương án tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, công ty chứng khoán này muốn chào bán 497,4 triệu cổ phiếu mới với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Phương án này được công bố khi SSI vẫn chưa hoàn tất kế hoạch tăng vốn mà ĐHCĐ đã thông qua ở phiên họp thường niên với mức vốn mục tiêu dự kiến là 11.000 tỷ đồng.

Động thái của SSI diễn ra chỉ 2 ngày sau khi văn bản xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ lên hơn 12.200 tỷ đồng của Công ty Chứng khoán VNDirect được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) công bố vào chiều 15/11. Theo đó, VNDirect chào bán gần 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông, phát hành gần 348 triệu cổ phiếu thưởng và phát hành thêm 2% cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Nếu không có động thái của SSI, VNDirect có thể lên ngôi đầu vốn điều lệ nếu tăng vốn thành công.

Cuộc đua tăng vốn này không chỉ “nóng” ở 2 công ty chứng khoán hàng đầu là VNDirect và SSI mà còn sôi động ở cả công ty chứng khoán top dưới. Theo thống kê, ít nhất hơn 30 công ty chứng khoán đã lên kế hoạch hoặc hoàn tất việc tăng vốn điều lệ trong năm 2021, gồm các công ty trong nước và công ty nước ngoài.

Một số công ty đã tăng vốn lên gấp đôi có thể kể đến là Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI), Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS), Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) và Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS),…

Với khối ngoại, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam mới đây đã hoàn tất tăng vốn từ hơn 5.455 tỷ đồng lên 6.590 tỷ đồng thông qua chào bán 113,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu; Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) hoàn tất tăng vốn lên hơn 3.000 tỷ đồng trong tháng 11 vừa qua sau khi chào bán hơn 132 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tính đến cuối quý III, 5 công ty chứng khoán có vốn lớn nhất lần lượt là SSI, Mirae Asset, VNDirect, KIS và VPS. Tuy nhiên, theo như phương án mà một số công ty chứng khoán công bố thì các vị trí sẽ có sự thay đổi không nhỏ, trong đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) sẽ lọt top 5 với mức vốn điều lệ trên 4.500 tỷ đồng nếu hoàn tất chào bán hơn 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cuộc đua chưa hạ nhiệt trong năm 2022

Động thái tăng vốn ồ ạt của các công ty chứng khoán có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm 2021 đến nay cả về quy mô, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã kéo theo nhu cầu mở rộng các hoạt động như thu xếp vốn, bảo lãnh, phát hành chứng quyền có bảo đảm, tự doanh… của các công ty chứng khoán và nhu cầu cho vay ký quỹ của nhà đầu tư. Việc huy động vốn từ hình thức tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp các công ty chứng khoán có được nguồn vốn với chi phí thấp hơn so với vay ngân hàng hoặc từ các nguồn khác.

Thêm vào đó, một loạt sản phẩm, nghiệp vụ mới đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán thúc đẩy triển khai như bán chứng khoán chờ về, bán khống, mua bán chứng khoán trong ngày... đặt ra các yêu cầu cao về “sức khỏe” tài chính mà các công ty chứng khoán phải đáp ứng mới được phép tham gia triển khai.

Đánh giá về cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhấn mạnh việc tăng vốn là cấp thiết và sẽ mang lại một nguồn lợi nhuận đáng kể từ hoạt động cho vay ký quỹ.

Theo ông Nhân, cuộc đua tăng vốn này sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi các nhà đầu tư không còn nhu cầu đổ vốn vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới đang đứng trước một “con sóng thần” lớn và vẫn chưa bước vào giai đoạn “hay” nhất. Với mức thanh khoản rất lớn hiện nay và kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng lên các mốc 1.800 – 2.000 – 2.200 – 2.500 điểm thì việc tiếp tục tăng vốn trong tương lai là cần thiết đối với các công ty chứng khoán.

Trước những đợt tăng vốn ồ ạt của các công ty chứng khoán, không ít nhà đầu tư đã đặt nghi vấn về rủi ro mà các công ty này có thể gặp phải. Theo đánh giá của ông Nhân, với hệ thống quản trị rủi ro tốt của các công ty chứng khoán thì hoạt động tăng vốn gần như không có rủi ro.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Khối quản lý tài sản, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB) thì cho rằng mức độ rủi ro khi các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn là có nhưng không đáng kể, nằm trong tầm kiểm soát nhờ việc quản trị rủi ro chặt chẽ.

Theo ông Trí, quy mô của thị trường chứng khoán đã phát triển quá nhanh trong khi quy mô của các công ty chứng khoán tăng không đáng kể và không đáp ứng đủ cho thị trường. Ông cho rằng các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục có những đợt tăng vốn mới trong năm 2022, không chỉ để hạ giá vốn mà còn để cạnh tranh với các đối thủ.

Sau khi hoàn tất tăng vốn, quy mô vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán top đầu như SSI sẽ đạt khoảng 17.500 tỷ đồng. Theo đó, quy mô vốn chủ sở hữu dự kiến của SSI đạt giá trị ngang ngửa với quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng Eximbank và có thể vượt một số ngân hàng tầm trung như SeAbank và LienVietPostBank với quy mô vốn chủ hữu đều đạt mức trên 16.000 tỷ đồng.

Theo Ngọc Thu/Vietnam Finance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-dua-tang-von-cac-cong-ty-chung-khoan-kich-hay-con-o-phia-truoc-a153024.html