Ông Trịnh Văn Quyết có thể bị phạt bao nhiêu vì bán chui cổ phiếu?

Thông tin về giao dịch bán chui cổ phiếu lần thứ hai của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục khiến cổ đông FLC lo lắng về biến động thời gian tới.

Tối ngày 10/1, thông tin về Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC nổi lên khắp các diễn đàn và group về chứng khoán. Tin tức về biến động tại FLC và người đứng đầu tập đoàn chiếm chủ đạo và cũng được thảo luận sôi nổi nhất.

Thông báo đăng ký bán cổ phiếu trong thời gian 10-17/1 của ông Trịnh Văn Quyết được gửi đi vào ngày 5/1 nhưng đến nay website của HoSE vẫn chưa có thông báo, còn website của FLC cũng mới đăng văn bản lên trong tối ngày 10/1 (đã chỉnh sửa thành sáng ngày 5/1).

Do vậy, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý "cay cú" và không ít bình luận tiêu cực cũng đã xuất hiện. Nhà đầu tư nhỏ lẻ lỡ ôm cổ phiếu đang kêu rầm trời đất như "anh Quyết đang úp bô đại pháp", "bán tất tay mang tiền về cho mẹ 3.600 tỷ đồng?", "đêm không ngủ với cổ đông nhà FLC"...

Ong Trinh Van Quyet,  mua ban chui,  xu phat giao dich chung khoan anh 1

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhiều lần bán chui cổ phiếu

Trước đó cổ đông FLC vẫn còn dành rất nhiều mỹ từ cho người đứng đầu tập đoàn như "mắt anh sáng, dáng anh hiền, vầng trán cao, nụ cười tỏa nắng..." khi cổ phiếu liên tục tăng giá. Tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư "quay xe" nhanh chóng như cái cách mà cổ phiếu FLC biến động trong phiên 10/1.

Chỉ trong vòng khoảng 5 phút, cổ phiếu FLC đang tím trần với giá 24.100 đồng/cổ phiếu bất ngờ rớt thẳng xuống còn 21.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên FLC ở mức 21.150 đồng, giảm 6,2% giá trị so với phiên trước đó.

Cùng với đó là khối lượng giao dịch lập kỷ lục toàn thị trường với 135 triệu đơn vị được khớp lệnh. Khi khối lượng bùng nổ nhưng giá giảm gần hết biên độ là một chỉ báo tương đối rõ ràng của một phiên phân phối đỉnh. Cổ phiếu "họ nhà FLC" như ROS, HAI, AMD, KLF, ART... cũng được cho là sẽ trải qua những phiên giao dịch khốc liệt sắp tới.

Thực tế trong quá khứ, ông Trịnh Văn Quyết cũng từng bị xử phạt khi bán cổ phiếu doanh nghiệp mà không minh bạch thông tin.

Tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017.

Ong Trinh Van Quyet,  mua ban chui,  xu phat giao dich chung khoan anh 2

Cổ phiếu FLC cũng từng lao dốc sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu giai đoạn 20-24/10/2017 (vùng màu đỏ). Đồ thị: TradingView.

Theo thống kê giao dịch, thời điểm ông chủ tập đoàn này bán “chui” cổ phiếu, thị giá FLC giao dịch đang ở mức 7.100-7.700 đồng. Như vậy ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá thị trường từ đợt bán “chui” cổ phiếu này.

Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu FLC có thanh khoản cao vượt trội so với bình quân, lên tới hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đỉnh điểm là phiên 23/10 lên đến 48 triệu đơn vị. Cổ phiếu FLC sau đó cũng rơi nhanh về khoảng 5.700 đồng, tức giảm hơn 20% giá trị so với lúc bán.

Điều đáng nói là số tiền mà đại gia Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì hành vi bán chui 57 triệu cổ phiếu chỉ là 130 triệu đồng.

Trong khi đó ngay sáng nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận được báo cáo của HoSE đề ngày 10/1 về việc ông Trịnh Văn Quyết đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của cá nhân này theo quy định.

Mua bán chui sẽ bị xử phạt ra sao?

Luật chứng khoán Việt Nam quy định người nội bộ của doanh nghiệp và người có liên quan đến người nội bộ phải công bố bản đăng ký giao dịch cổ phiếu trước ngày dự kiến giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc.

Đây là điều cần thiết để giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm được tình hình biến động cổ đông và người nội bộ trước khi sự việc diễn ra, từ đó có các quyết định đầu tư phù hợp. Việc người nội bộ bán cổ phiếu không chỉ tác động đáng kể đến cung cầu mà còn có thể hàm ý về triển vọng doanh nghiệp trong tương lai.

Giả sử nếu lãnh đạo một doanh nghiệp muốn bán cổ phiếu trong khoảng thời gian 10-17/1/2022 thì người này bắt buộc phải gửi văn bản đến các cơ quan quản lý và thực hiện công bố thông tin giao dịch chậm nhất vào ngày 5/1 (do các ngày 8-9/1 là cuối tuần, không phải ngày làm việc).

Việc mua bán không có báo cáo (mua bán chui) có thể do người nội bộ doanh nghiệp chưa nắm rõ về các quy định giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường cũng không loại trừ khả năng có động cơ trục lợi để có thể bán được mức giá cao nhất hoặc mua được mức giá thấp nhất nếu được, nhất là với các cá nhân đã từng bị xử phạt bán chui.

Về xử phạt mua bán chui cổ phiếu, những người không công bố thông tin về dự kiến giao dịch chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

z3099870770246-bbacd2e6991d4cda047fce5dbe4d6780-1641883388.jpg

Theo Nghị định số 128/2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 mới đây: "Hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ).

Giả định, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp bán chui 74,8 triệu cổ phiếu với mức giá thị trường 21.150 đồng/cổ phiếu thì số tiền đã thu về là gần 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên mức xử phạt sẽ tính theo mệnh giá trong trường hợp này chỉ là 748 tỷ đồng. Giá trị xử phạt theo khung 3-5% sẽ nằm trong khoảng 22,4-37,4 tỷ đồng.

Cũng nói thêm là Nghị định 128 lại quy định mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Vì vậy, mức phạt bán chui của vị chủ tịch giả định nói trên nhiều nhất chỉ là 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh việc phạt vi phạm hành chính, UBCKNN còn có nhiều biện pháp phạt bổ sung khác nên giá trị tối đa 1,5 tỷ đồng cũng chỉ là con số tương tối. Một số hình phạt bổ sung như điều chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn đối với hành vi vi phạm, hủy bỏ và cải chính thông tin...

Sự việc bán chui cổ phiếu một lần nữa của ông Trịnh Văn Quyết lại khiến thị trường dậy sóng. Mở cửa phiên sáng nay, cổ phiếu FLC chứng kiến làn sóng bán tháo hàng chục triệu cổ phiếu chất giá sàn nhưng lực cầu lớn bất ngờ xuất hiện lúc 9h40 giúp mã này thoát cảnh nằm sàn.

Dù vậy tính đến 10h15, cổ phiếu FLC lại giảm sàn về 19.700 đồng với hơn 62 triệu cổ phiếu đã được khớp lệnh và hơn nửa triệu tranh bán giá sàn.

Theo Huy Lê/Zing

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-trinh-van-quyet-co-the-bi-phat-bao-nhieu-vi-ban-chui-co-phieu-a153038.html