Sở hữu 11 tỷ USD tiền mặt, Sea Group có đủ khả năng "so găng" metaverse cùng Facebook?

Metaverse trở thành một trong những từ khoá nóng nhất của làng công nghệ trong năm 2021.

Sự quan tâm dành cho metaverse (vũ trụ ảo) đang ngày càng lớn, đặc biệt là sau khi Facebook bất ngờ tuyên bố đổi tên thành Meta Platforms và cam kết sẽ đầu tư mạnh vào metaverse.

Tại Đông Nam Á, Sea là một trong những công ty có nhiều tiềm năng để đạt được thành công với khái niệm công nghệ mới này.

Sở hữu 11 tỷ USD tiền mặt, Sea Group có đủ khả năng "so găng" metaverse cùng Facebook? - Ảnh 1

Sea hiện đã có một nền tảng trò chơi thu hút được rất nhiều người dùng. Free Fire, tựa game do Sea tự phát triển, có thời điểm có tới hơn 150 triệu người chơi hàng ngày với thời gian trung bình 2 đến 3 giờ/ngày.

Free Fire đã phát triển một cách tự nhiên thành một nền tảng xã hội nơi người dùng không chỉ đến để chơi game. Dần dần, họ còn đến đây để gặp gỡ, nghe nhạc và xây dựng các mối quan hệ.

Sea có hệ sinh thái từ ba trụ cột chính là: Shopee (TMĐT), SeaMoney (dịch vụ tài chính) và Garena (giải trí). (Ảnh: Straits Times)  

Sea có hệ sinh thái từ ba trụ cột chính là: Shopee (TMĐT), SeaMoney (dịch vụ tài chính) và Garena (giải trí). (Ảnh: Straits Times)  

Việc xây dựng một nền tảng như vậy là rất khó và tốn không ít chi phí. Người dùng phải có động lực để gặp gỡ trực tuyến và điều này dẫn đến vấn đề con gà – quả trứng: Các nhà sáng tạo nội dung sẽ không thích sản xuất nội dung cho các nền tảng có ít người dùng, trong khi đó người dùng cũng ngại sử dụng các nền tảng thiếu nội dung.

Tính mới mẻ của metaverse sẽ thu hút nhiều người tò mò và yêu công nghệ song cùng lúc sự lạ lẫm của nó có thể làm nhiều người e ngại. Mảng kinh doanh lõi của Sea, Shopee và SeaMoney, tập trung vào thương mại điện tử và thanh toán nên cũng là những cột trụ quan trọng của metaverse.

Sea có tiềm lực tài chính tốt để có thể đầu tư vào metaverse. (Nguồn: Sea/Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).  

Sea có tiềm lực tài chính tốt để có thể đầu tư vào metaverse. (Nguồn: Sea/Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).  

Dù bạn có muốn hay không, thương mại và quảng cáo vẫn sẽ là những yếu tố không thể tránh được trong metaverse, tương tự như vai trò của chúng trên internet như hiện nay.

Là nền tảng TMĐT hàng đầu Đông Nam Á và đang dần mở rộng ra Mỹ Latinh và Châu Âu, Shopee hiện đã có lượng dữ liệu người dùng lớn, mối quan hệ với các nhãn hàng và có năng lực quảng cáo để tiến hành các hoạt động thương mại trong metaverse.

Mặc dù bắt đầu bằng việc bán các mặt hàng vật lý, Shopee cũng đang mở rộng ra nhiều hướng kinh doanh khác như bán voucher điện tử, gói du lịch, thẻ nạp điện thoại hay giao đồ ăn.

Theo Tech in Asia, việc bổ sung thêm các mặt hàng ảo vào danh mục không phải vấn đề xa vời với Shopee. Dù vậy, chi phí để xây dựng metaverse là vấn đề cần cân nhắc. Meta ước tính chiến lược metaverse sẽ cần tới 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay.

Sea, với 11 tỷ USD tiền mặt trên bảng cân đối kế toán và khả năng tiếp cận với dồi dào trên thị trường đại chúng, là một trong số ít các công ty Đông Nam Á có thể thực hiện các khoản đầu tư với quy mô tương tự.

Sở hữu 11 tỷ USD tiền mặt, Sea Group có đủ khả năng "so găng" metaverse cùng Facebook? - Ảnh 2

 

Vấn đề đặt ra là: Liệu metaverse có đang nằm trong kế hoạch của Sea? Khác với nhiều công ty khác, Sea chưa đưa ra bất kỳ động thái nào liên quan đến metaverse. Dù vậy, một số hoạt động của Sea gần đây có thể là những dấu hiệu liên quan đến metaverse, Tech in Asia bình luận.

Hồi tháng 9, Garena - mảng game của Sea, ra mắt Free Fire Max, một ứng dụng độc lập cung cấp trò chơi tương tự Free Fire nhưng với đồ hoạ cải thiện. Điều này có liên quan gì đến metaverse?

Đầu tiên, Sea nỗ lực để người chơi cả hai phiên bản có thể chơi trơn tru, liền mạch với nhau. Để đạt được điều này, Sea phát triển "công nghệ độc quyền để đảm bảo tích hợp giữa Free Fire và Free Fire Max".

Điều này cho phép người chơi Free Fire có thể truy cập cùng một tài khoản khi chơi bất kỳ phiên bản nào và để "đồng bộ dữ liệu tài khoản trên cả hai ứng dụng cho toàn bộ các chế độ chơi". Đây là một ví dụ của "khả năng tương tác" (interoperability), một yếu tố quan trọng trong metaverse.

Để tăng quy mô metaverse, người dùng cần dễ dàng di chuyển được danh tính và tài sản của mình giữa các nền tảng. Những bước tiến nói trên của Sea cho thấy Sea sẽ có khả năng tích hợp Free Fire với các nền tảng khác trong tương lai.

Thứ 2, Free Fire Max tích hợp một tính năng bản đồ có tên Cartland nơi người dùng có thể tạo bản đồ của riêng mình và mời bạn bè chơi trong bản đồ đó. Bằng cách này, Sea đang ghi nhận "sức mạnh sáng tạo" của cộng đồng.

Sở hữu 11 tỷ USD tiền mặt, Sea Group có đủ khả năng "so găng" metaverse cùng Facebook? - Ảnh 3

Để thu hút người dùng với metaverse, các nền tảng sẽ phải biến trải nghiệm thành những gì gần gũi với cuộc sống. Hiện tại, một ví dụ gần nhất với tiêu chuẩn này là các trò chơi AAA (Triple - A).

Trò chơi AAA là một khái niệm mà ngành game dùng để mô tả các trò chơi có chất lượng cao nhất về âm thanh, đồ hoạ và thiết kế. Chúng thường được chơi trên PC hoặc máy chơi game.

Điều này khác với Free Fire khi trò chơi này được thiết kế để chơi trên thiết bị di động và thiếu nhiều đặc điểm của một trò chơi AAA. Dù vậy, Garena có thể đang có kế hoạch riêng.

Hồi tháng 1/2020, Garena thâu tóm công ty phát triển game Mỹ Phoenix Labs. Bằng cách này, đội ngũ của Sea có thêm hơn 100 nhân sự với nhiều năng kinh nghiệm phát triển các trò chơi AAA.

Sea Capital, công ty đầu tư của Sea, cũng thực hiện một số khoản đầu tư trong lĩnh vực tài sản số, ví dụ như đầu tư vào sàn giao diện tiền điện tử FTX.

Sea Capital cũng đầu tư vào Forte, startup giúp các nhà phát hành game tích hợp công nghệ blockchain vào trò chơi của mình.

Điều này có nghĩa là nó cho phép các tài sản NFT (token không thể thay thế) được tạo ra và trao đổi trong game. Với metaverse, NFT sẽ là một thành phần không thể thiếu.

Theo Khải Hoàn/Doanh nhân Việt Nam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/so-huu-11-ty-usd-tien-mat-sea-group-co-du-kha-nang-so-gang-metaverse-cung-facebook-a153070.html