Đôi bạn người Ukraine thành tỷ phú nhờ ‘siêu kỳ lân’ sửa lỗi tiếng Anh Grammarly

Nhờ Grammarly – một ứng dụng sửa lỗi ngữ pháp tiếng Anh vừa trở thành “siêu kỳ lân” trị giá 13 tỷ USD vào cuối năm ngoái, 2 nhà sáng lập ứng dụng Max Lytvyn và Alex Shevchenko đã bước chân vào hàng ngũ tỷ phú thế giới với khối tài sản khoảng 4 tỷ USD/người, tính đến ngày 10/2.

Đôi bạn người Ukraine thành tỷ phú nhờ ‘siêu kỳ lân’ sửa lỗi tiếng Anh Grammarly

Hai nhà đồng sáng lập Grammarly - tỷ phú Max Lytvyn (trái) và Alex Shevchenko (phải).

Đôi bạn đại học và ý tưởng từ dự án chống đạo văn

Shevchenko và Lytvyn trở thành bạn khi học quản trị kinh doanh tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Kyiv (Ukraine) cuối những năm 1990, trước khi chuyển đến Mỹ và Canada để học thạc sĩ. Tại đây, bộ đôi đã tham gia dự án MyDropBox – một dự án của trường đại học nhằm ngăn chặn tình trạng đạo văn của sinh viên.

MyDropBox được coi là ý tưởng ban đầu giúp Lytvyn và Shevchenko tạo ra Grammarly sau này.

“Chúng tôi đã phát triển một sản phẩm để ngăn chặn tình trạng đạo văn trong bài viết của học sinh. Điều này khiến chúng tôi đặt ra một câu hỏi: Tại sao mọi người lại chọn đạo văn? Có lẽ nào họ cảm thấy khó khăn khi truyền đạt ý tưởng bằng chính lời văn của họ?”, Lytvyn chia sẻ.

Mặc dù có mục tiêu tốt đẹp, nhưng đôi bạn người Ukraine từng bị nghi ngờ về động cơ thực sự khi tạo ra MyDropBox, khi người ta phát hiện ra dịch vụ trực tuyến mà họ dùng để hỗ trợ các giáo sư trong việc kiểm tra đạo văn của sinh viên dường như có liên kết đến các trang web bán các bài tập học kỳ cho sinh viên.

Tuy nhiên, chút bê bối nhỏ này sau đó đã bị lãng quên khi Lytvyn và Schevchenko lần lượt chuyển đến Mỹ và Canada để lấy bằng MBA của Đại học Vanderbilt và Đại học Toronto.

Từ MyDropBox tới Grammarly

Mặc dù đã xa cách hơn 1 thập kỷ để theo đuổi bằng thạc sĩ tại 2 quốc gia khác nhau, nhưng ý tưởng về một ứng dụng tương tự như MyDropBox thời đại học đã khiến Lytvyn và Shevchenko một lần nữa quyết định tạo dựng lại ứng dụng giúp kiểm tra đạo văn và hỗ trợ mọi người với trong việc viết những văn bản bằng Anh – sau này là Grammarly.

Năm 2009, Grammarly được thành lập bởi Max Lytvyn và Alex Shevchenko, với sự trợ giúp của lập trình viên Dmytro Lider. Ban đầu công ty được đặt tên là SentenceWorks, sau đó mới được đổi lại thành Grammarly. Trụ sở công ty được đặt tại San Francisco, Mỹ.

"Chúng tôi thành lập Grammarly với mục tiêu sử dụng công nghệ để giúp mọi người truyền đạt ý họ muốn nói. Nó được tạo ra từ trải nghiệm của chính chúng tôi với tư cách những người sử dụng tiếng Anh nhưng không phải người bản xứ", Shevchenko nói.

Alex Shevchenko làm trưởng nhóm sản phẩm tại Grammarly và giám sát việc phát triển sản phẩm, đảm bảo rằng mọi khía cạnh của sản phẩm đều thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Trong khi đó Lytvyn, Max hoạt động với tư cách là quản lý doanh thu và tập trung vào việc xác định và mở rộng các cơ hội thị trường mới cho danh mục sản phẩm của Grammarly.

Grammarly sử dụng AI/ML để hỗ trợ viết cơ bản, kiểm tra chính tả, ngữ pháp, giọng điệu của ngôn ngữ và ngữ cảnh. Một số dịch vụ khác của nó bao gồm máy phát hiện đạo văn.

Grammarly được thành lập vào năm 2009 và Grammarly Editor được giới thiệu vào năm 2010. Grammarly đã giới thiệu tính năng bổ trợ Microsoft Office vào năm 2013 và các tiện ích mở rộng trình duyệt cũng như mô hình Freemium được giới thiệu vào năm 2015. Năm 2015 cũng là năm Grammarly đạt hơn 1.000.000 người dùng hoạt động hàng ngày (DAU).

Công ty đã giới thiệu ứng dụng dành cho máy tính để bàn dành cho Windows, được hầu hết chúng ta sử dụng để sửa lỗi trong email, vào năm 2016. Grammarly đã giới thiệu bàn phím di động vào năm 2017 và dịch vụ kinh doanh của mình - Grammarly Business ra mắt vào năm 2018. Công ty đã thu hút được 20.000.000 DAU vào năm 2019 và 30.000.000 DAU vào năm 2020. Grammarly cũng đã đi đúng lộ trình của Apple với sản phẩm của mình - Grammarly cho iPad vào năm 2020.

Tận tâm và kiên trì mang đến thành quả

Lytvyn cho biết ông ưu tiên dịch vụ khách hàng trong những ngày đầu thành lập công ty. Ngay sau khi khởi động Grammarly, ông đã yêu cầu bộ phận trợ giúp chuyển cuộc gọi của người dùng cho mình và sẽ trả lời các câu hỏi cho tới khi khách hàng hài lòng.

Bước đột phá của công ty đến vào năm 2014, khi cung cấp gói miễn phí với các tính năng cơ bản và tùy chọn trả phí cho các gói nâng cao. Một năm sau, công ty phát hành tiện ích mở rộng trình duyệt miễn phí giúp xây dựng một cơ sở khách hàng trung thành và khoảng 30.000 đội ngũ tại các công ty tên tuổi, bao gồm Expedia Group Inc. và Cisco Systems Inc.

Với ý tưởng độc đáo và sự tận tình từ những người đứng đầu công ty, Grammarly nhanh chóng trở nên phổ biến hơn.

Đương nhiên, công ty cũng phải đối mặt với một số thách thức trong suốt thời gian hoạt động, chủ yếu liên quan tới việc giới chuyên gia lo ngại con người sẽ ngày càng phụ thuộc vào phần mềm trí tuệ nhân tạo mà không hình thành được khả năng tư duy và sử dụng từ ngữ.

Andrea Lee, giáo sư tại Đại học bang Austin Peay ở Tennessee, người đã nghiên cứu cách phần mềm như Grammarly ảnh hưởng đến người học tiếng Anh ở các nước như Hàn Quốc cho biết: “Giao tiếp chân thực là rất quan trọng. Học sinh có thể không dồn đủ nỗ lực cho các bài tập nếu họ dựa vào Grammarly”.

Chính những người tạo ra Grammarly cũng không phủ nhận việc ứng dụng của họ có thể khiến con người ỷ lại hơn, đồng thời tìm cách chỉnh sửa các sản phẩm để trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho khách hàng, thay vì trở thành công cụ hướng dẫn khách hàng. 

Những lo ngại ban đầu dần cũng trở nên không còn phổ biến, và cũng không thể phủ nhận việc Grammarly thực sự giúp người dùng tiết kiệm được thời gian hơn và giúp họ tạo ra các sản phẩm chỉn chu, thậm chí sáng tạo hơn. 

Năm 2009, thông qua 1 vòng gọi vốn, Grammarly đã trở thành “kỳ lân” khi được định giá hơn 2 tỷ USD.

Trở thành “siêu kỳ lân” sau khi đại dịch Covid-19 tới

Thời điểm Grammarly trở thành “kỳ lân” chỉ cách vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 khiến hàng chục triệu nhân viên văn phòng làm việc tại nhà.

Theo CEO Grammarly Brad Hoover: “Chúng tôi thấy công việc kinh doanh của mình tăng tốc nhờ việc chuyển sang làm việc từ xa. Trong quá khứ, mọi người thường để các thiết bị của riêng họ tìm ra cách giao tiếp tốt. Hiện tại, chúng tôi đang ở một thời điểm rất độc đáo là sử dụng phần mềm để cho phép mọi người giao tiếp”.

Vào tháng 11/2021, Grammarly đã là một trong những kỳ lân lớn nhất thế giới sau khi huy động được 200 triệu USD vào tháng 11 từ các nhà đầu tư bao gồm BlackRock và Baillie Gifford, đưa định giá công ty lên mức 13 tỷ USD.

Nhờ vòng gọi vốn mới nhất, 2 trong số 3 người sáng lập công ty là Lytvyn và Shevchenko đã trở bước chân vào hàng ngũ tỷ phú thế giới. Vào thời điểm Grammarly mới trở thành “siêu kỳ lân”, cả Lytvyn và Shevchenko có khối tài sản ròng vào khoảng 2,4 tỷ USD/người, dựa trên số cổ phần công ty họ nắm giữ là khoảng 23%, theo Bloomberg.

Theo danh sách thời gian thực của Forbes, vào ngày 10/2, khối tài sản của Lytvyn và Shevchenko đã tăng lên mức 4 tỷ USD/người.

Giờ đây, Grammarly có hơn 600 nhân viên và làm việc với hơn nửa triệu ứng dụng để phân tích 14.000 tỷ từ mỗi năm cho 30 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trên toàn cầu. Với phần lớn người trên toàn thế giới sống ở các khu vực không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, tiềm năng để Grammarly phát triển hơn nữa vẫn còn rộng mở, ông Alex Shevchenko tự tin phát biểu.

Grammarly kỳ vọng thế giới kinh doanh sẽ nhận thấy sự ưu việt của những văn bản gọn gàng và bổ ích được hỗ trợ bởi ứng dụng của công ty, đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới đang cố gắng chuyển sang sắp xếp công việc một cách linh hoạt hơn.

“Chúng tôi tự hào được đại diện cho Ukraine trên đấu trường thế giới,” ông Shevchenko bày tỏ.

Theo Bloomberg, Forbes

Theo Quỳnh Anh/VietnamFinance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doi-ban-nguoi-ukraine-thanh-ty-phu-nho-sieu-ky-lan-sua-loi-tieng-anh-grammarly-a153200.html