Nhờ sự hiệp lực mạnh mẽ giữa các mảng kinh doanh, trong năm 2021 Masan đạt mức doanh thu thuần 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng của năm 2020. Vốn hóa thị trường của Masan trong năm 2021 liên tục tăng và trở thành nền tảng tiêu dùng có giá trị vốn hóa lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2022, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và cất cánh với doanh thu dự kiến từ 90 – 100 nghìn tỷ đồng.
MCH là công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, với các mặt hàng chủ chốt là nước mắm, gia vị, mì ăn liền, cà phê, nước tăng lực... Trong Quý 4/2021, doanh thu MCH tăng trưởng vượt bậc, đạt mức 32,3% so với quý trước đó chỉ 14,3%, đưa doanh thu cả năm của MCH đạt mức 28,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với 2020. Để đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, MCH đã liên tục thực thi các phát kiến mới nhằm cao cấp hóa sản phẩm.
Nhờ đó, ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Doanh thu ngành gia vị tăng trưởng 19%, thực phẩm tiện lợi tăng trưởng 27% so với năm 2020. Đặc biệt, MCH tiếp tục là công ty dẫn dắt xu hướng tiêu dùng hiện đại như thực phẩm thay thế bữa ăn tại nhà với Bộ sưu tập 7 bữa sáng CHIN-SU, xúc xích Ponnie… hay xu hướng giảm mặn với nước mắm CHIN-SU cá cơm Biển Đông giảm mặn.
Song song đó, công ty cũng đẩy mạnh tăng trưởng doanh số kênh thương mại hiện đại (MT) đạt mức 34%. Doanh số các sản phẩm MCH thông qua mạng lưới điểm bán của WCM tăng trưởng lên đến 80% so với cùng kỳ năm trước.
Xác định mảng tiêu dùng là trọng tâm, Masan MEATLife (MML) cũng hoàn tất chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi và chuyển đổi hoàn tàn thành doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm thịt có thương hiệu vào tháng 11/2021. Năm 2021, mảng thịt heo tích hợp và thịt gà đạt doanh thu thuần 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 88,6% so với năm 2020.
Trong năm 2022, cả MCH và MML đều sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phát kiến mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm để duy trì vị thế dẫn đầu. Đồng thời, Masan sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh hiệp lực với kênh MT, gia tăng tiếp cận khách hàng cũng như doanh số qua kênh WinCommerce (WCM) nhằm đạt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến của MCH từ 34 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng, MML từ 5 nghìn – 6,5 nghìn tỷ đồng và đạt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số.
WinCommerce (WCM) là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam với mạng lưới gần 3.000 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ tại 60 tỉnh/thành trên cả nước. Nỗ lực tinh gọn hóa cửa hàng, mạnh tay đóng cửa các cửa hàng hoạt động chưa hiệu quả, tối ưu hóa danh mục sản phẩm, thay đổi cách bài trí và tập trung vào các sản phẩm tươi sống đã góp phần giúp WCM chuyển lỗ thành lãi ngoạn mục trong năm 2021.
Từ mức lỗ 1.234 tỷ đồng vào năm 2020, EBITDA của WCM cải thiện 2.334 tỷ đồng lên mức 1.100 tỷ đồng trong năm 2021.Dù gặp phải vô vàn thách thức do Covid-19, WCM vẫn nỗ lực mở mới 387 điểm bán, trong đó 285 cửa hàng được khai trương chỉ trong Quý 4/2021.
Nhưng nhân tố quyết định thành công của WCM trong năm 2021 chính là Mini-mall. Đây là mô hình cửa hàng đa tiện ích, cung cấp đa dạng sản phẩm từ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và cà phê (Phúc Long), dịch vụ ngân hàng (Techcombank), dược phẩm… trên cùng một điểm bán. Triển khai thí điểm từ tháng 6/2021, mô hình này đã chứng minh hiệu quả ấn tượng khi gia tăng 30% lưu lượng khách hàng đồng thời giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn mỗi ngày.
Đây cũng chính là con “chiến mã” giúp của Masan củng cố vị thế nhà tiêu dùng bán lẻ hàng đầu. Masan cho biết sẽ nhân rộng mô hình mini-mall và đặt mục tiêu 2.000 cửa hàng theo mô hình này trong năm 2022. Đặc biệt, tập đoàn chú trọng phân tích đặc trưng của từng khu vực ngoại ô, hay thành phố mà sẽ triển khai 5 hình thức khác nhau, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng từng địa phương. Kế hoạch kinh doanh này dự kiến sẽ giúp WCM tăng trưởng doanh thu trong khoảng từ 23 – 29%, đạt mức 38 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
Cuối năm 2021, The CrownX (TCX) đã nhận thêm 350 triệu USD, hoàn tất vòng huy động vốn cuối cùng vào hệ sinh thái này. Theo ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan, TCX sẽ tập trung tăng tốc mở rộng nền tảng Point of Life tích hợp offline và online trên toàn quốc. Doanh nghiêp cũng đặt mục tiêu tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng bằng cách mở rộng hệ thống, số hóa toàn bộ nền tảng để trở thành công ty tiêu dùng công nghệ.
Để tích hợp nền tảng offline và online, TCX đã hợp tác với Alibaba – một trong các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu khu vực Châu Á. Bank of America (BofA) nhận định, nhờ thỏa thuận này, WCM đã ở vị thế sẵn sàng để cất cánh trên kênh online. BofA ước tính, thị phần nhu yếu phẩm trên kênh bán hàng trực tuyến cũng sẽ tăng từ từ 1-2% lên 7-8%. Mức độ xâm nhập của kênh bán hàng hiện đại cũng tăng từ 13% lên 25%.
Masan cũng đặt nền móng cho việc số hóa khi mua lại mạng di động Reddi. Gia nhập hệ sinh thái Masan, Reddi là mảnh ghép chính để Masan xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhờ vào chính sách thu hút khách hàng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Chương trình sẽ giúp người dùng tận hưởng các gói dữ liệu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái của Masan. Đây là điểm khác biệt và là ưu thế vượt trội của Reddi so với các nhà mạng di động hiện nay trên thị trường. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Reddi sẽ được triển khai tại các cửa hàng - siêu thị WCM trên toàn quốc và đặt mục tiêu phục vụ lượng thuê bao từ 500.000 - 1.000.000 người.
Chiến lược bài bản của Masan được các chuyên gia phân tích tài chính đánh giá cao. Các công ty chứng khoán đều đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu MSN trong năm 2022. VietCapital Securities, Japan Securities, PetroVietnam Securities và HSBC Research đều dự phóng giá mục tiêu MSN từ 186.000 – 200.000 và khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/phat-huy-gia-tri-cong-huong-he-sinh-thai-tieu-dung-ban-le-masan-cat-canh-a153215.html