Giá hàng hóa, dịch vụ 'ăn theo' giá xăng: Đánh thẳng vào túi tiền người dân

Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng đáng lo hơn là các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng lấy cớ giá xăng tăng để tăng giá một cách bất hợp lý, đánh thẳng vào túi tiền người dân.

2931f25e02a1ceff97b0-4read-only-16455450173831986819060-1645573182.jpg
Theo dõi trên báo chí và thực tế mấy ngày qua cho thấy đã có tình trạng hàng hóa, dịch vụ tăng giá theo giá xăng dầu và có vẻ như việc "ăn theo" giá xăng này chưa được cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả.

Đổ hết cho giá xăng dầu

Theo tôi tìm hiểu, hiện việc tăng (hoặc giảm) giá xăng trong nước có liên quan chủ yếu đến giá cả mặt hàng này của thế giới, điều này không có gì lạ.

Khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải, giá hàng hóa sẽ tăng là điều đương nhiên. Nhưng khi giá xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít mà dịch vụ vận tải cũng tăng giá từ vài đến vài chục phần trăm thì cần xem lại.

Chi phí xăng dầu chỉ chiếm một phần chứ không phải tất cả trong chi phí cấu thành giá vận tải, mà còn có giá nhân công, phí điều hành, phí cầu đường, giá cả bến bãi, khấu trừ hao mòn xe cộ...

Cụ thể ví dụ để có ngay bài tính về chi phí tăng thêm vì giá xăng dầu tăng cho một xe khách 45 chỗ cho tuyến 500km. Giả sử trong hành trình, chi phí xăng dầu tăng thêm 200.000 đồng, nếu chia đều cho 45 hành khách thì giá vé tăng thêm chưa tới 5.000 đồng. Nếu giá vé tăng cao hơn thì rõ ràng là "té nước theo mưa".

Tương tự, trong vận tải hàng hóa mỗi chuyến xe tăng chi phí bao nhiêu, tương ứng với giá trị hàng hóa có thể tăng theo bao nhiêu tùy vào tổng trọng tải hàng hóa, số lượng hàng hóa cụ thể. Chẳng hạn, một chuyến xe chở vài tấn rau, chi phí xăng dầu chỉ tăng thêm 200.000 đồng thì không thể tăng giá bán rau mỗi ký lên vài nghìn đồng được.

Cần kiểm soát để tránh "ăn theo" trục lợi

Có thể nhìn nhận nhiều năm qua có tình trạng "ăn theo" giá xăng dầu tăng để tăng giá dịch vụ, hàng hóa vô tội vạ nhưng do không bị "tuýt còi" và xử lý kịp thời nên cứ tái diễn.

Liên bộ Công thương - Tài chính là cơ quan điều hành giá xăng dầu, đồng thời còn quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ nói chung. Do đó, theo tôi, khi điều chỉnh giá xăng dầu, nhất là khi tăng giá, thì các cơ quan này cần có giải pháp kiểm soát giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác để hạn chế tình trạng "ăn theo" giá xăng dầu như lâu nay đã diễn ra.

Trong khi chờ cơ quan chức năng có giải pháp kiểm soát, nên chăng chính các doanh nghiệp vận tải cũng phải tính toán để giảm tối thiểu các chi phí liên quan và đặc biệt là không nên "thừa gió bẻ măng", tăng giá cước vận chuyển bất hợp lý dẫn đến giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng dắt dây theo sau.

Chuyện 30.000 đồng xăng

Trưa 19-2-2022 trên đường số 17 gần đường lên chùa Linh Quy Pháp Ấn thuộc tỉnh Lâm Đồng, có hai vợ chồng người dân tộc thiểu số đang hì hục đẩy bộ chiếc xe gắn máy lên dốc. Sau lưng người vợ còn mang một chiếc gùi măng khá nặng, trời thì nắng chang chang mà vẫn cố đẩy phụ cho chồng từ phía sau.

Tôi hỏi lớn: Xe hư sao mà đẩy bộ vậy? "Hết xăng", người chồng trả lời.

Tôi vòng xe lại, trên xe tôi đang treo cái bình xăng có gần 2 lít mua về cho máy cưa ở nhà nên đưa cho người chồng và nói không cần trả tiền.

Người vợ kể: "Sáng có đổ xăng trước khi lên rẫy đó chớ, nhưng "nó" (ý nói cây xăng) chỉ đổ cho 30.000 đồng thôi, nên từ rẫy về nửa đường thì hết xăng".

Người chồng chỉ đổ nửa phần, dù tôi giục đổ hết vô bình đi: "Thôi đủ rồi, để dành biết đâu đi một đoạn nữa cũng có "đứa" hết xăng".

Tôi đang muốn cười cái chữ "đứa" mà người chồng vừa dùng nhưng khựng lại vì ý nghĩa nhân bản trong câu nói. Phải rồi, từ đây ra đến quốc lộ 55 là gần 3km và phải đi thêm 2km mới có cây xăng. Gần 5km đó toàn đường đồi dốc và cũng sẽ khốn khổ cho ai đó nếu lỡ hết xăng dọc đường mà không có người trợ giúp.

Tôi thầm khen anh chồng tốt bụng kia không chỉ biết phần mình mà còn nghĩ cho người khác.

Ở phố thị khi hết xăng có thể dắt xe vì đường bằng phẳng, hoặc cây xăng này hết xăng còn có cây xăng khác. Còn ở miền núi toàn đường dốc đứng, 30.000 đồng xăng đi chẳng được bao xa...

Bài học từ taxi sân bay Tân Sơn Nhất

Vừa qua, dư luận phản ảnh rất nhiều về tình trạng taxi, xe công nghệ ở sân bay Tân Sơn Nhất đua nhau "làm giá" để bắt hành khách phải chi trả nhiều hơn mà một trong những lý do họ đưa ra là do chi phí xăng dầu tăng.

Thực tế này cho thấy cơ quan chức năng đã không làm tốt vai trò quản lý, điều hành và hậu quả là người dân bị "chặt chém" và uy tín của không chỉ các nhà xe mà cả cơ quan quản lý sân bay, quản lý Nhà nước cũng bị ảnh hưởng.

Theo Trung An/Tuổi trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/gia-hang-hoa-dich-vu-an-theo-gia-xang-danh-thang-vao-tui-tien-nguoi-dan-a153258.html