Bắc Ninh vốn là trung tâm của xứ Kinh Bắc xưa, chỉ vùng đất phía bắc sông Hồng ngày nay. Người Bắc Ninh từ hàng trăm năm đã có câu: "Ai về Kinh Bắc quê em/Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề/Kinh Bắc có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề cửi canh/Đàn em chăm chỉ học hành/Có nghề tô vẽ làng tranh Đông Hồ".
Một câu hát như nói nên tất cả những gì nổi bật nhất của Bắc Ninh - một trung tâm văn hóa lâu đời, truyền thống khoa bảng, nổi tiếng cả nước với quan họ và tranh Đông Hồ. Người Bắc Ninh thì “có lịch, có lề”, nghĩa là rất trọng danh dự, khí tiết.
Nhưng từ hàng trăm năm trước, ít ai có thể tưởng tượng được, Bắc Ninh ngày nay không chỉ có “nghề cửi canh” hay “nghề tô vẽ” nữa mà đã là trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam, cứ điểm sản xuất quan trọng bậc nhất của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Năm ngoái, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có diện tích nhỏ nhất này đã vươn lên dẫn đầu cả nước. Thật không ngoa khi nói Bắc Ninh như một “gã khổng lồ” về kinh tế của Việt Nam.
Tuy vậy, sau nhiều năm phát triển thần kỳ, kinh tế Bắc Ninh đang tăng trưởng chậm lại, và phải cạnh tranh rất lớn về thu hút đầu tư với các địa phương khác. Bài toán vượt lên chính mình, hay làm thế nào để “gã khổng lồ” có thể chạy nhanh hơn là vấn đề của Bắc Ninh hôm nay.
Vào một chiều cuối đông hanh hao, bà Đỗ Thị Muôn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cố hình dung lại cánh đồng rộng lớn giữa 2 thôn Mẫn Xá và Trần Xá. Cánh đồng đó nay đã là đất của khu công nghiệp Yên Phong - khu công nghiệp thu hút lượng vốn FDI lớn nhất Việt Nam.
Giữa những nhà máy, dòng xe cộ nườm nượp, đường cao tốc, những bài đỗ xe rộng thênh thang và các dãy nhà ở của công nhân, bà Muôn bối rối khi được hỏi thửa ruộng 7 sào nằm xưa nằm ở vị trí nào.
Trên những thửa ruộng ngày nào giữa thôn Mẫn và thôn Trần, giờ là nơi đặt tổ hợp Samsung Bắc Ninh, một trong những cứ điểm sản xuất điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Những chiếc điện thoại hiện đại nhất, mới nhất của Samsung được sản xuất ở đây và đến tay hàng trăm triệu khách hàng toàn cầu. Samsung đầu tư gần 20 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó riêng Bắc Ninh thu hút 9,3 tỷ USD.
Khi được hỏi lý do để Samsung lựa chọn Bắc Ninh là nơi đầu tư chiến lược, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nhấn mạnh đến yếu tố vị trí địa lý đặc biệt. “Một trong những lý do đặc biệt là vị trí địa lý của Bắc Ninh rất thích hợp với các dự án lớn. Từ Bắc Ninh vận chuyển hàng hóa, sản phẩm của Samsung Việt Nam đi thị trường toàn cầu rất dễ dàng”, ông Choi nói với Zing.
Bắc Ninh có vị trí địa lý chiến lược, gần như ở trung tâm của Bắc Bộ, có những tuyến giao thông thủy và bộ huyết mạch đến các vùng kinh tế khác. Bắc Ninh cách Hà Nội chỉ khoảng 30-60 phút di chuyển, di chuyển đến sân bay Nội Bài chưa đến một giờ. Tỉnh này có tuyến quốc lộ 1A chạy qua như trục “xương sống” đi thẳng lên biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.
Bắc Ninh cũng có thể dễ dàng kết nối các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… hay kết nối ra các cảng biển ở phía đông tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Tận dụng lợi thế đó, ngay sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Bắc Ninh là một trong những địa phương ở phía Bắc đi đầu trong phát triển công nghiệp. Những cánh đồng lúa ngày nào nhanh chóng được chuyển đổi thành khu công nghiệp. Khu công nghiệp đầu tiên là Tiên Sơn được thành lập ở huyện Tiên Du, sau đó là Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình… Những khu công nghiệp đó nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Microsoft, Pepsico… đã đặt nhà máy và đổ nhiều tỷ USD ở Bắc Ninh. Đến hết năm 2021, gần 22 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào tỉnh này với gần 2.000 dự án.
Bất chấp dịch Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước, vượt TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng lên 79,3%.
Ông Choi Joo Ho cho rằng vị trí địa lý chỉ là một phần giải thích sự thành công của Bắc Ninh. Ở góc độ một nhà đầu tư, ông cho biết doanh nghiệp phải đánh giá rất nhiều yếu tố thuận lợi khác cả về chính trị, kinh tế, con người. Và Bắc Ninh đã đáp ứng được toàn bộ những yêu cầu đó.
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đánh giá cao trong quá trình đầu tư tại Bắc Ninh, tỉnh này liên tục cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
“Điều này rất quan trọng vì sản xuất không thể phát triển nếu cơ sơ hạ tầng yếu kém không đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, ông nói.
Đầu năm 2022, khi về thăm và chúc Tết Bắc Ninh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành rất nhiều lời khen cho tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sau 25 năm tái lập. "Bắc Ninh đã có những bước đột phá mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, tỉnh cơ bản đã trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại", ông nhấn mạnh.
Ở Nhật Bản, nhiều người vẫn còn nhắc lại giai đoạn “thần kỳ Nhật Bản” kéo dài 20 năm sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1955-1973). Nhật Bản vươn lên từ đống tro tàn, phát triển kinh tế thần kỳ với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 9%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 15%/năm. Thời kỳ đó đã đưa kinh tế Nhật Bản phục hồi và vươn lên trở thành nước phát triển.
Ở Việt Nam, nhiều người nói rằng câu chuyện phát triển của Bắc Ninh cũng “thần kỳ” không kém giai đoạn 20 năm của “thần kỳ Nhật Bản”. Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, những gì Bắc Ninh có là chưa đầy 100 doanh nghiệp với vốn vài chục tỷ đồng, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Cả tỉnh chủ yếu trồng lúa, đóng góp không đáng kể vào GDP cả nước, được gọi là “tỉnh nghèo thuần nông”.
Nhờ định hướng rõ ràng là thu hút và phát triển mạnh công nghiệp, kinh tế đã tăng trưởng cao liên tục 2 con số, thuộc hàng cao nhất Việt Nam. Trong 20 năm (1997-2016), bình quân GRDP tăng bình quân 15,1%/năm. Đến năm 2021, quy mô GRDP đã tăng lên 230.000 tỷ đồng, gấp 113 lần năm 1997. Tỉnh này xếp thứ 8 về quy mô trong số 63 tỉnh. Trong khi diện tích Bắc Ninh là nhỏ nhất, dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người.
Thu nhập bình quân của người Bắc Ninh đã vượt 6.700 USD, đứng thứ tư cả nước. Mức này tương đương với nhóm nước thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Peru, Nam Phi, Colombia… Có thể nói, nếu xét về quy mô công nghiệp, quy mô GRDP, thu nhập bình quân đầu người, Bắc Ninh như một “gã khổng lồ” của kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, những năm gần đây “gã khổng lồ” đang đi chậm lại và phát triển không đồng đều. “Gã khổng lồ” Bắc Ninh không còn đi nhanh như trước kia nữa.Thu nhập bình quân của người Bắc Ninh đã vượt 6.700 USD, đứng thứ tư cả nước. Mức này tương đương với nhóm nước thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Peru, Nam Phi, Colombia… Có thể nói, nếu xét về quy mô công nghiệp, quy mô GRDP, thu nhập bình quân đầu người, Bắc Ninh như một “gã khổng lồ” của kinh tế Việt Nam.
Từ năm 2012, tăng trưởng đã giảm dần. Năm đó, GRDP tăng hơn 12% thì 2013 còn 10,2%, rồi năm 2014 bất ngờ xuống 0,2%. Tương tự năm 2015-2016 cải thiện lên khoảng 8-9%, thậm chí 2017 vọt lên gần 19%, nhưng 2018 lại giảm xuống 10,6%, năm 2019 và 2020 giảm xuống chỉ còn khoảng trên dưới 1%. Năm 2021, kinh tế tỉnh này khởi sắc dù dịch Covid-19 nhưng cũng chỉ đạt 6,9%.
Một số chuyên gia cho rằng kinh tế Bắc Ninh đã đạt tới một quy mô cao, do đó để duy trì mức tăng trưởng 2 con số là không dễ dàng. Trong khi đó, tăng trưởng lại phụ thuộc chính vào công nghiệp (chiếm xấp xỉ 80%).
Tăng trưởng công nghiệp lại phụ thuộc các doanh nghiệp FDI, phụ thuộc vào tín hiệu thị trường thế giới. Việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng, ngược lại nếu thu hẹp sản xuất sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Điển hình như năm 2014, khi mà Samsung phải thu hồi trên toàn cầu sản phẩm Galaxy Note 7, thiệt hại hàng chục tỷ USD thì GRDP năm đó của Bắc Ninh chỉ tăng trưởng 0,2%.
Bắc Ninh hôm nay còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác nữa. Đó là hạn chế về quỹ đất và không gian phát triển; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cụm công nghiệp nhỏ; thiếu lao động, đặc biệt là lao động trình độ cao; bài toán an sinh xã hội cho hàng trăm nghìn công nhân ở các địa phương khác đến Bắc Ninh làm việc; bài toán phát triển nông nghiệp; xây dựng sản phẩm du lịch để tận dụng bề dày văn hóa…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng điểm nghẽn lớn nhất hiện tại chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Sau nhiều năm, các trục phát triển chính của Bắc Ninh chủ yếu bám theo các trục đường quốc gia như quốc lộ 1A, quốc lộ 18, 17, 38… Các trục đường này gần như quá tải, chật chội với các nhà máy và khu dân cư xung quanh.
Ở Bắc Ninh không có nhiều tuyến đường nội tỉnh đủ tầm, kết nối các trục đường chính đến các khu công nghiệp, các huyện, xã… Bắc Ninh cũng là tỉnh có mật độ sông ngòi cao hàng đầu miền Bắc, nhưng không có nhiều cây cầu lớn kết nối với xung quanh.
“Nếu không phát triển giao thông sẽ kìm hãm sự phát triển rất lớn của Bắc Ninh so với các địa phương khác”, ông So nói và cũng cảnh báo sự cạnh tranh rất lớn từ các địa phương xung quanh như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Quảng Ninh…
Đằng sau vẻ đẹp của TP Đà Nẵng là một cơ cấu kinh tế đầy mạo hiểm khi đặt cược vào sự có mặt và chi tiêu của khách du lịch. Thật không may, điểm yếu đó đã bộc lộ vào năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, kinh tế Đà Nẵng đã lao dốc xuống âm.
Bài học của Đà Nẵng khi phụ thuộc quá lớn vào một ngành kinh tế có lẽ là điều mà lãnh đạo Bắc Ninh không hề mong muốn. Bắc Ninh hiện tại là một tỉnh công nghiệp, cơ cấu kinh tế cũng đang phụ thuộc vào các nhà máy công nghiệp đến gần 80%.
Cơ cấu lại kinh tế, tạo ra những động lực tăng trưởng mới, ít dần phụ thuộc vào FDI là điều mà “gã khổng lồ” Bắc Ninh đang hướng đến lúc này. Trong 5 năm tới, Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 7-8%/năm, nghĩa là phải đi nhanh hơn 5 năm trước (6,6%). Khi mà quy mô GRDP càng lớn, bài toán vượt lên chính mình sẽ là vấn đề của Bắc Ninh hôm nay.
Khi được hỏi làm thế nào để Bắc Ninh có thể đi nhanh hơn, cải thiện hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, ông Choi Jo Hoo, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, hiến kế Bắc Ninh nên tập trung phát triển các doanh nghiệp nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Hay nói cách khác, tỉnh phải phát triển hệ sinh thái các nhà cung ứng nội địa đáp ứng tốt hơn nhu cầu về linh, phụ kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài."Khi hệ thống các nhà cung ứng phát triển sẽ giúp phát triển chính các ngành công nghiệp nội địa hóa của Việt Nam, sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của Samsung", ông Choi nói.
Ông Châu Nghĩa Văn, người phát ngôn Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) tại Việt Nam, thì cho rằng Bắc Ninh cần đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực, bởi con người mới là động lực cho sự phát triển. Khi mà kinh tế Bắc Ninh muốn tiến lên một nấc thang cao hơn, không chỉ phụ thuộc vào gia công, thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường.
Ông Nguyễn Như So còn là Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, ông nhấn mạnh ngoài quan tâm đến hạ tầng kết nối thì Bắc Ninh cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển, phát huy các làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Kinh Bắc xưa. Tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân nội địa của tỉnh, phát triển các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Cả 3 doanh nhân trên còn cùng chung một hiến kế Bắc Ninh cần quan tâm hơn nữa về vấn đề an sinh xã hội. Tỉnh cần xây dựng nhiều hơn các cơ sở tiện ích như trường học, bệnh viện, nhà ở... để phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh và cả hàng trăm nghìn lao động ở các địa phương khác đang sinh sống và làm việc ở Bắc Ninh.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh phát triển lên một nấc thang cao hơn sẽ là bài toán mà Bắc Ninh sẽ quyết liệt thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, một trong những ưu tiên là phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông giúp mở rộng không gian phát triển, tận dụng hết tiềm năng lợi thế hiện tại.
Ông cho biết trong thời gian tới, tỉnh định hướng rất rõ ràng là phát triển công nghệ cao, đón đầu xu thế của thế giới, tức là tạo ra một trung tâm công nghiệp công nghệ có đặc trưng, phát triển thành thủ phủ công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam và trên thế giới. Các ngành được ưu tiên sẽ là trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, thậm chí là công nghiệp hàng không, phụ trợ công nghiệp hàng không…
“Chúng tôi có quan điểm Bắc Ninh gần Hà Nội hơn Hà Nội gần Bắc Ninh. Việc gần sân bay Nội Bài là lợi thế lớn để phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến hàng không”, ông Tuấn chia sẻ.
Một trong những hướng đi quan trọng sắp tới cũng được nhấn mạnh là phát triển hệ thống thương mại dịch vụ và đô thị. Cùng với phát triển công nghiệp, Bắc Ninh sẽ tạo ra hệ sinh thái đô thị thông minh, hiện đại trong vùng thủ đô. Thương mại dịch vụ cũng được quan tâm để tái cơ cấu kinh tế, dịch chuyển lên một trình độ phát triển cao hơn.
Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh đến việc phát huy lợi thế là địa phương có truyền thống văn hóa, có đậm đặc di tích văn hóa, có bảo vật quốc gia, di sản được UNESCO công nhận. Tỉnh sẽ phát huy thành vùng văn hóa, kết hợp với sự phát triển kinh tế, tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh.
“Mục tiêu của Bắc Ninh sẽ là người dân cùng được thụ hưởng những thành quả phát triển, tạo ra sự phát triển đồng đều, môi trường xanh và sạch”, ông chia sẻ.
Hiếu Công
Ảnh: Việt Linh, Video: Duy Anh
Đồ họa: Hà My
Theo Hiếu Công/Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bai-toan-nguoi-khong-lo-phai-chay-nhanh-o-bac-ninh-a153299.html