Lạm phát đi kèm với suy thoái là mối lo của nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khi nhiều yếu tố bất ổn đồng thời cùng xảy ra đang đẩy giá nhiều mặt hàng nhiên, nguyên vật liệu tăng cao gây áp lực lạm phát của nhiều quốc gia.
Để hiểu hơn về vấn đề này và những tác động đến nền kinh tế trong nước, BizLIVE đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh xoay quanh vấn đề này.
Với diễn biến leo thang của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là cú sốc giá năng lượng hiện nay, thế giới và Việt Nam đang đối mặt với áp lực lạm phát. Ông nhận định thế nào về áp lực này tại Việt Nam?
Áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện từ nửa cuối năm 2021, cơ bản là chi phí đẩy, từ nguồn cung hạn chế, do logistics, do gián đoạn chuỗi cung ứng,…
Bước sang năm nay, những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn.
Yếu tố thứ 2 đè nặng áp lực lên lạm phát là giá dầu, mà trong giai đoạn hiện nay khi giá dầu tiếp tục diễn biến tăng mạnh càng gây lạm phát.
Như vậy, các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay, nhất là trong tương lai gần.
Một vấn đề nữa mà nhiều quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt là áp lực lạm phát từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhằm đối phó với những tác động của dịch COVID-19, khi bơm tiền để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với các giải pháp kỹ thuật trong điều hành tiền tệ, huy động nguồn tiền hay hỗ trợ các đối tượng khác nhau thì ít nhiều đã ít nhiều hạn chế được phần nào áp lực lạm phát do các chương trình phục hồi và phát triển.
Chính vì vậy, các dự báo từ đầu năm đều cho rằng, khả năng lạm phát trung bình của cả năm 2022 sẽ ở mức dưới 4%.
Nhưng với tình hình hiện nay, nhất là với cuộc xung đột tại Nga và Ukraine e rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó có thể đạt được.
Vì vậy, những giải pháp đã tính toán cho chương trình phục hồi và phát triển, nếu muốn đạt được mục tiêu này cần tính toán, cân nhắc kỹ hơn cũng như cần những giải pháp bổ sung để giảm áp lực này.
Dĩ nhiên, kết quả cuối cùng, lạm phát có thể là 4% cũng có thể là 5% nhưng ở mức chấp nhận được.
Hiện tại, nhiều giải pháp bổ sung đã được đưa ra để góp phần đẩy lùi áp lực lạm phát như: Khơi thông ách tắc của nguồn cung xăng dầu hoặc đẩy lùi phần nào tác động ghê gớm của việc tăng giá xăng bằng chính sách giảm thuế, phí.
Những giải pháp cấp bách trong lúc này sẽ phát huy hiệu quả làm giảm áp lực lạm phát bên cạnh những giải pháp tiền tệ đã được tính toán từ trước.
Các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay, nhất là trong tương lai gần - TS. Võ Trí Thành
Liệu lạm phát tăng lên có làm giảm thiểu đi hiệu quả và giá trị của gói hỗ trợ nền kinh tế 350 nghìn tỷ đồng? Chúng ta đã vào cuộc hỗ trợ quá muộn để rồi giá trị của nó bị bào mòn bớt bởi lạm phát không?
Khi làm chương trình này, các nhà hoạch định chính sách đã tính đến những rủi ro. Có thể lúc ấy chưa thể tính hết được những cú sốc từ bên ngoài, nhưng đã tính đến những vấn đề liên quan đến tính bền vững của ngân sách như: Thâm hụt ngân sách hay nợ công,…
Một rủi ro nữa trong các chương trình phục hồi là việc dòng tiền đi "nhầm địa chỉ", thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh mà lại chuyển sang đầu cơ tài sản tài chính. Điều này cũng đã được tính tới trong các gói hỗ trợ bằng việc chọn lọc đối tượng hỗ trợ.
Vì vậy, những giải pháp đề phòng đó vẫn còn nhiều ý nghĩa, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi xung đột leo thang thì cần tính toán kỹ hơn để đưa ra những giải pháp phù hợp, linh hoạt với tình hình.
Liệu có tình huống xảy ra “lạm phát đình trệ”, khi mà tăng trưởng kinh tế thấp hơn đà tăng của lạm phát không?
Năm 2021, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã phục hồi mạnh mẽ, trong khi đó, Việt Nam dường như đã hơi “lỡ nhịp”.
Đầu năm nay, nhiều dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi, dù đà phục hồi đã chậm lại. Tuy nhiên, ngay trong tháng 2, một sự kiện quan trọng đã xảy ra là việc căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Với tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay, thì rõ ràng nguy cơ đà phục hồi, tăng trưởng sẽ bị chững lại thêm nữa. Thậm chí, nếu tình hình căng thẳng này kéo dài, mức độ, sức công phá của các đòn trừng phạt kinh tế ngày càng tăng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.
Những dự báo mới nhất được đưa ra rằng nền kinh tế thế giới sẽ đi vào thời kỳ suy thoái trong bối cảnh lạm phát, nghĩa là vừa lạm phát cao mà nền kinh tế lại đình trệ (Stagflation). Đó là một kịch bản có khả năng sẽ xảy ra trong thời gian tới.
Nền kinh tế vừa trải qua bão Covid-19 và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi đó lạm phát cao càng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, vậy giải pháp gì cần triển khai ngay trong lúc này?
Có hai việc cần làm ngay. Một là, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đã lỡ nhịp khi đưa ra các gói hỗ trợ khá muộn mà lại gặp phải tình trạng này thì càng phải vào cuộc.
Nếu không hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp thì không chỉ các vấn đề sát sườn như: “Cơm ăn áo mặc” của người lao động, câu chuyện tăng trưởng, sản xuất kinh doanh trước mắt của doanh nghiệp mà kể cả các kế hoạch vĩ mô dài hơn như 5 năm, 10 năm hay thậm chí mục tiêu “khát vọng hùng cường” của Việt Nam cũng có thể bị “đổ sông, đổ bể”.
Vấn đề thứ hai là kể cả khi đưa ra các kịch bản cho kinh tế vĩ mô thì chúng ta cũng không thể lường trước được những cú sốc từ bên ngoài, trong đó có việc lạm phát.
Gắn với nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao thì về cơ bản là sẽ kéo theo hàng loạt xu hướng tiêu cực, từ công ăn việc làm, sản xuất kinh doanh suy giảm, thu nhập người dân thấp đi.
Vì vậy, cần bổ sung thêm những giải pháp cụ thể và hiệu quả để làm giảm áp lực lạm phát ngay lúc này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Thắm/Bizlive
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/xu-huong-tieu-cuc-lam-phat-dinh-tre-lieu-co-xay-ra-trong-nam-2022-a153383.html