Người Nga nghĩ gì khi các công ty mang tính biểu tượng của Mỹ rời khỏi nước này?

Tùy thuộc vào mỗi người dân Nga, việc rất nhiều công ty nổi tiếng của Mỹ đột ngột ngừng hoạt động sau khi Nga tiến đánh Ukraine có thể là một lý do đáng báo động, hoặc một cái cớ để gây phẫn nộ. NBC News vừa có bài phân tích thú vị về chủ đề này.

"Tôi đã ở Moscow vào những năm 90, sau khi các nhà hàng McDonald’s đầu tiên của Mỹ mở cửa ở đây và tôi nhớ lại cảm giác phấn khích hồi đó", một người chuyên quan sát các hoạt động của Điện Kremlin cho biết.

moscow-russia-mcdonalds

Người dân Nga ăn trưa tại một cửa hàng Mc Donald trước ngày nhãn hiệu này rời khỏi nước Nga. Ảnh AFP via Getty Images

Dù bằng cách nào, những người đang theo dõi nước Nga cho biết, cuộc di cư của các công ty Hoa Kỳ đã có tác động tâm lý sâu sắc đến người dân ở quốc gia ngày càng trở nên cô lập khi cuộc tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine bước sang tuần thứ ba.

Matthew Schmidt, phó giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học New Haven, nói với NBC News: "Đúng vậy, sự ra đi của McDonald’s hay Coca-Cola chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tâm lý đến người Nga".

Yohanan Petrovsky-Shtern, một người gốc Ukraine và hiện là giáo sư lịch sử Do Thái tại Đại học Northwestern, người đã học ở Moscow trong nhiều năm, đồng ý với nhận định này.

Ông nói: "Hãy nhớ rằng ở Liên bang Nga, hơn một nửa đất nước ủng hộ Putin. Nhiều người chỉ cười nhạo khi các công ty này rời đi. Họ còn dũng cảm tuyên bố: '"Hãy lấy Coke của bạn và Pepsi của bạn. Chúng tôi có thể tự sản xuất những thứ tương tự riêng cho mình".

moscow-coca-cola-Getty

Quầy nước giải khát với các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ ở siêu thị Auchan tại Moscow. Ảnh Getty Images

Tuy nhiên, Petrovsky-Shtern lại nói: "Các nhà quan sát Nga tỉnh táo hơn hiểu rõ rằng Nga đã thất bại trong việc sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hàng loạt có chất lượng tốt. Và họ nói: Vâng, sau khi các công ty [Hoa Kỳ] bỏ đi, chúng tôi bắt đầu sản xuất những thứ của riêng mình, chúng tôi sẽ tiêu thụ Caca-Cola". 

Về cơ bản, đó sẽ là một thứ Cola tào lao, vị giáo sư bình luận.

Các chuyên gia đang đo lường tác động của việc các công ty phương Tây đang lũ lượt từ bỏ Nga, đặc biệt khi Goldman Sachs hôm thứ Năm tuần rồi trở thành ngân hàng lớn đầu tiên ở Phố Wall rút khỏi thị trường Nga.

Burger King, Crocs và Hugo Boss vào giữa tuần rồi đã gia nhập danh sách ngày càng tăng các nhà bán lẻ và công ty thức ăn nhanh đang đóng cửa hàng hoặc ngừng hoạt động ở Nga, trong khi chuỗi khách sạn Hilton đóng cửa văn phòng công ty ở Moscow. Sony và Nintendo tuyên bố ngừng bán trò chơi điện tử và những bộ điều khiển tại nước Nga ít nhất trong "một thời gian tới".

Cùng lúc, công ty Walt Disney đã thông báo rằng họ sẽ tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh của mình ở Nga sau khi đưa ra quyết định vào tuần trước là chỉ tạm dừng phát hành các bộ phim ở đó.

Đối với những người Nga sống qua thời Chiến tranh Lạnh (chính thức kết thúc vào năm 1991), và chứng kiến giai đoạn đầu mở cửa kinh tế của Moscow với phương Tây, việc thương hiệu Yum! quyết định đóng cửa các nhà hàng Pizza Hut sẽ có các tác động đặc biệt sâu sắc tới họ.

Nhiều người vẫn còn nhớ đoạn quảng cáo năm 1998 có cảnh Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo Nga cuối cùng của Liên bang Xô Viết cũ, cùng với cháu gái của mình ngồi ăn nhanh tại một tiệm Pizza Hut ở Moscow và họ được các thực khách Nga chào đón.

Trong cuộc họp hôm thứ Năm tuần rồi với các cố vấn kinh tế của mình, ông Putin cho rằng đã có "những bước đi không thân thiện" đối với nước Nga, đặc biệt là lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ mà Tổng thống Joe Biden công bố vào ngày thứ Ba trước đó.

Tuy nhiên, ông Putin tuyên bố sẽ tiếp tục gửi binh lính tới Ukraine và nói là người Nga sẽ thích nghi với 'hoàn cảnh mới'.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình và dần dần mọi người sẽ hiểu rằng không có vấn đề nào mà chúng tôi không thể giải quyết được", ông Putin nhấn mạnh. 

russia-ikea-se

Một nhân viên siêu thị đang đẩy những xe chở hàng trước siêu thị của IKEA ở Moscow. Ảnh Andrey Rudakov/Bloomberg via Getty Images file

Các chuyên gia cho biết phản ứng của người Nga trước sự ra đi của các công ty lớn phương Tây như Starbucks và PepsiCo phụ thuộc vào từng lớp người dân khác nhau, cũng như vào cách họ nhận được tin tức.

Họ cho biết, những người từ 55 tuổi trở lên ở Nga có xu hướng theo dõi thông tin từ tivi và đài phát thanh, vốn do Điện Kremlin kiểm soát.

Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng những người Nga trẻ tuổi đã lớn lên cùng với McDonald’s và Pepsi và họ rất thích những thương hiệu này. Đối với họ, đây là những thương hiệu mang tính biểu tượng, không chỉ là những thương hiệu của Mỹ.

Schmidt nói: “Đối với họ, sự ra đi của McDonald’s sẽ khiến họ có nhiều cảm giác rằng Nga, một quốc gia tầm cỡ đang bị quốc tế bỏ rơi và điều này khiến họ có một số xấu hổ nhất định".

"Người Nga, đặc biệt là những người sinh sau năm 1990, đã quen với việc tiếp cận với hàng hóa và các dịch vụ của phương Tây, và điều này khiến họ cảm thấy lo lắng", giáo sư Petrovsky-Shtern nói.

Hàng nghìn người Nga thuộc tầng lớp trung lưu đang nhanh chóng rời khỏi đất nước, họ đến Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Georgia vì lo sợ bị mất đi mức sống sinh hoạt hiện tại của mình. 

Những người Nga không thể rời đi thì "đang nhanh chóng đến các cửa hàng như Ikea và Gucci và mua bất cứ thứ gì có thể trước khi các công ty này hoàn toàn biến mất khỏi thị trường Nga", giáo sư Petrovsky-Shtern nói.

"Những người Nga thuộc tầng lớp trung lưu hiểu điều gì đang thực sự diễn ra. Họ biết tiền của họ sẽ sớm trở nên mất giá, và đây là cơ hội cuối cùng để họ có được những món đồ này", ông nói thêm.

Schmidt nói rằng đối với những người Nga trẻ tuổi, việc các công ty đã cùng họ lớn lên như McDonald's, Pizza Hut hay Adidas rời khỏi nước Nga gợi lại ký ức về sự tồn tại nghiệt ngã mà cha mẹ và ông bà của họ đã từng trải qua.

Theo Chi Thành/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-nga-nghi-gi-khi-cac-cong-ty-mang-tinh-bieu-tuong-cua-my-roi-khoi-nuoc-nay-a153392.html