Cả giá dầu Brent và dầu thô WTI đều giảm xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2-2022. Giá dầu Brent giảm mạnh sau khi từng tăng lên mức 139,13 USD/thùng vào hôm 7-3 (cao nhất từ tháng 7-2008).
Theo Hãng tin Reuters, giá dầu thế giới đã giảm hơn 6%, xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần trong phiên giao dịch ngày 15-3, trong bối cảnh Nga đề xuất sẽ cho phép khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran trong thời gian tới và các nhà giao dịch lo ngại tình hình COVID-19 ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau giảm mạnh 6,99 USD (tương đương 6,5%) xuống 99,91 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 6,57 USD (tương đương 6,4%), xuống còn 96,44 USD/thùng.
Dầu Brent có lúc giảm xuống mức thấp 97,44 USD/thùng và dầu WTI đạt 93,53 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 25-2.
Kể từ khi đạt mức cao nhất trong 14 năm vào ngày 7-3, đến nay giá dầu Brent đã giảm gần 40 USD và giá dầu WTI giảm hơn 30 USD. Giao dịch dầu diễn ra cực kỳ biến động kể từ lúc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào hôm 24-2.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Nhiều bên mua đã không nhập dầu của Nga kể từ lúc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn trong cung cấp hàng triệu thùng dầu thô hằng ngày.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư hy vọng sẽ có tiến triển trong đàm phán giải quyết xung đột Nga - Ukraine, giúp thúc đẩy nguồn cung dầu toàn cầu. Hôm 15-3, một nhà đàm phán Ukraine cho biết các cuộc đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn và rút quân Nga khỏi Ukraine đang diễn ra.
Nhưng công ty phân tích Kpler cũng lưu ý: "Mặc dù thông tin về các cuộc đàm phán đầy hứa hẹn được hoan nghênh, nhưng khó mà biết các bên sẽ sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ - có thể chấp nhận với các bên - như thế nào trong giai đoạn này".
Ngoài ra, ngày 15-3, Nga cũng đề xuất sẽ cho phép khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran trong thời gian tới. Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận này có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Iran và cho phép Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu thô.
Trong khi đó, số ca nhiễm tăng vọt và việc nhiều nơi ở Trung Quốc phong tỏa để đối phó COVID-19 có thể làm chậm tốc độ tiêu thụ nhiên liệu ở nước này. "Ước tính một đợt phong tỏa nghiêm trọng ở Trung Quốc có thể khiến lượng dầu tiêu thụ 0,5 triệu thùng/ngày gặp rủi ro" - chuyên gia phân tích thị trường dầu Louise Dickson đến từ Công ty Rystad Energy bình luận.
Sự sụt giảm giá dầu cũng diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào ngày 16-3, khi FED dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 nhằm đối phó lạm phát tăng vọt. Điều này có thể củng cố đồng USD và làm giảm nhu cầu đối với dầu và các hàng hóa khác.
Theo Bình An/Tuổi trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/gia-dau-the-gioi-giam-manh-xuong-duoi-100-usdthung-a153398.html