Những điều bất ngờ bên trong doanh nghiệp 'thu mua đồ đồng nát' trị giá 644 tỷ USD ở Mỹ

Trong nhà kho rộng hơn 12.000 m2 của Liquidity Services ở Garland, Texas, các lối đi không được lấp đầy bởi những hàng hóa thông thường. Mà thay vào đó, đây là những kiện hàng bị trả lại từ các thương hiệu như Amazon, Target, Sony, Home Depot, Wayfair, v.v, được xếp chồng lên nhau và tất cả đều đang trong quá trình thanh lý.

1

Bên trong công ty đang là trung tâm của thị trường thanh lý hàng hóa đang bùng nổ hiện nay. Ảnh: CNBC

“Các nhà thanh lý sẽ đến và họ mua tất cả những sản phẩm này với số lượng lớn. Sau đó, họ sẽ đóng gói và bán lại chúng trên một trang web như eBay hoặc Poshmark, hoặc thậm chí cho những khách hàng riêng lẻ. Vì vậy, ngành công nghiệp này đang mở rộng hơn nhiều so với những gì chúng ta từng thấy trước đây”, Sonia Lapinsky trong nhóm tư vấn AlixPartners cho biết.

Thị trường thanh lý đã chứng kiến sự tăng trưởng gấp đôi kể từ năm 2008 và đạt con số khổng lồ 644 tỷ USD năm 2020, theo dữ liệu từ Đại học Bang Colorado.

Zac Rogers, trợ lý giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Colorado cho biết: “Trước đây lĩnh vực này chủ yếu thuộc quyền kiểm soát của mafia. Thành thật mà nói, đây là cách tốt để giấu tiền bởi vì không có ai sẽ để ý tới những món hàng bị trả lại. Đặc biệt là vào 40 năm trước, không một ai sẽ quan tâm đến những mặt hàng này”.

Nhưng vào năm 2021, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia đã ghi nhận 16,6% trong tổng số hàng hóa bán được là đến từ các mặt hàng bị trả lại, tăng từ 10,6% vào năm 2020. Đối với hình thức mua hàng trực tuyến như hiện nay, tỷ lệ trả hàng trung bình thậm chí còn cao hơn, ở mức 20,8%, tăng từ 18% vào năm 2020. Và việc xử lý các món hàng bị trả lại có thể khiến các nhà bán lẻ phải trả tới 66% giá gốc của mặt hàng đó, công ty giải pháp trả hàng Optoro cho biết.

“Mọi người hiện đang rất lo lắng về việc giá cả leo thang. Tôi nghĩ lạm phát đã phần nào gây ra lượng lớn hàng hóa bị trả lại, khiến chúng bị bán ra với giá thấp hơn niêm yết, đồng thời làm giảm lợi nhuận của các công ty và buộc họ phải tăng giá các sản phẩm của mình”, Tony Sciarrotta, giám đốc điều hành của Reverse Logistics Association cho biết.

Ngoài ra, chi phí môi trường lớn cũng là một vấn đề cần cân nhắc trong lĩnh vực này. Bởi lẽ, khi các mặt hàng bị trả lại không được thanh lý, chúng thường bị thiêu hủy hoặc chuyển đến các bãi chôn lấp. Theo Optoro, chỉ tính riêng các mặt hàng bị trả lại, Hoa Kỳ đã tạo ra gần 16 triệu tấn khí thải carbon và hơn 2,6 tỷ kg chất thải chôn lấp mỗi năm.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ chính thống còn phải đối đầu với những khó khăn trong việc lựa chọn các nhà thanh lý lớn, khi hàng ngàn công ty đã ra đời trong thị trường đang bùng nổ như hiện nay. Một trong số đó là GoodBuy Gear, công ty chuyên thanh lý các mặt hàng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ một cách an toàn.

“Khi mua một món đồ đã qua sử dụng, bạn sẽ giúp hạn chế được 82% lượng khí thải carbon. Và người tiêu dùng đang thực sự bắt đầu đưa ra những lựa chọn thông minh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự bùng nổ trong lĩnh vực thanh lý hàng hóa thực sự được thúc đẩy bởi chủ nghĩa tiêu dùng và cách nó chuyển từ 'mới' sang 'đã qua sử dụng'", Kristin Langenfeld, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của GoodBuy Gear cho biết.

Các lựa chọn mua sắm bền vững đang ngày càng trở thành ưu tiên của những người mua hàng trẻ tuổi.

“Nền kinh tế tuần hoàn tồn tại là để đảm bảo những mặt hàng này tìm được ngôi nhà mới cho mình, kết nối chúng với một gia đình hoặc người tiêu dùng trẻ tuổi, và giúp chúng không phải kết thúc ở những bãi rác", Bill Angrick, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Liquidity Services cho biết. Ban đầu, công ty được ra mắt dưới tên liquidation.com vào năm 1999 bằng 100.000 USD tiền tiết kiệm của ông.

“Tôi và cha thường nhặt sách cũ và những loại chai lọ có thể tái chế. Khi nghĩ đến việc bắt đầu kinh doanh trên eBay, tôi và cha đã cân nhắc và nhận ra rằng một mô hình mua sắm trực tuyến là nơi có thể tạo ra giá trị cho hầu hết các loại mặt hàng đã qua sử dụng”, Angrick nói.

0

Bill Angrick, Giám đốc điều hành Liquidity Services và nhà sản xuất cấp cao của CNBC là Katie Schoolov tham quan một kho hàng bị trả lại ở Garland, Texas, vào ngày 31/1/2022. Ảnh: Benjamin Farrar

Những mặt hàng kỳ dị

Vào năm 2000, một năm sau khi công ty ra mắt, Liquidation.com đã thực hiện thành công vụ mua bán lớn đầu tiên của mình khi đã cung cấp một chiếc tàu hàng hải trị giá 200.000 USD cho bang Georgia. Vào năm 2006, công ty đã chính thức ra mắt với công chúng dưới tên Liquidity Services. Cổ phiếu của họ đã đạt đỉnh vào năm 2012 và có xu hướng giảm trong bảy năm tiếp theo, nhưng sau đó đã chứng kiến sự hồi sinh trong đại dịch COVID.

Liquidity Services vẫn là nhà thanh lý lớn duy nhất được giao dịch công khai. Một công ty lớn khác là B-Stock Solutions, điều hành các thị trường thanh lý cho các khách hàng lớn như Amazon, Walmart, Home Depot và Costco. Howard Rosenberg đã thành lập B-Stock sau sáu năm làm việc tại eBay, nơi ông nhìn thấy lợi ích của việc chuyên thanh lý cho người khác, trên quy mô lớn.

“Các công ty thường không muốn dành toàn bộ thời gian và công sức để tập trung vào miếng bánh nhỏ này. Thay vào đó họ muốn tập trung vào 99% của chiếc bánh”, Rosenberg giải thích.

Liquidity Services bán các mặt hàng bị trả lại trên nhiều thị trường. Trong đó, Liquidation.com là nơi các pallet hàng trả lại và một số mặt hàng riêng lẻ được bán đấu giá cho người trả giá cao nhất, trong khi Secondipity phục vụ cho việc bán trực tiếp các mặt hàng riêng lẻ và GovDeals cho một số mặt hàng đặc biệt bất thường.

“Chúng tôi đã bán thiết bị lát đường, toàn bộ sàn của nhà thi đấu, bảng điểm. Trong các trường cao đẳng và đại học công, tất cả thiết bị và đồng phục của họ đều được cung cấp thông qua thị trường của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn bán thiết bị xây dựng và cả xe tải cho các công ty điện lực và tiện ích”, Angrick nói.

Liquidity Services cũng xử lý thư và các gói hàng không có người nhận cho Bưu điện Hoa Kỳ, các phương tiện quân sự hết hạn sử dụng và các vật phẩm bị bỏ lại tại các trạm kiểm soát TSA, chẳng hạn như các loại dao nặng hơn 6,3kg.

Đối với các thiết bị điện tử, nhiều hàng hóa trả lại thường là do hư hỏng và không thể bán lại ngay được. Vậy nên, Liquidity Services cho biết mỗi ngày họ thường sửa chữa hàng trăm chiếc TV và bán chúng với giá từ 60% đến 70% so với giá gốc. Ngày nay, các thiết bị điện tử được sửa sang lại (hàng refurbished) đã ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh chuỗi cung ứng tồn đọng và gây ra tình trạng thiếu hàng hóa mới. Trong đó, tai nghe và TV được tân trang lại là những mặt hàng được tìm mua nhiều, ngoài ra còn có cả những mặt hàng trị giá hàng triệu USD khác, chẳng hạn như máy móc được sử dụng để sản xuất vi mạch.

00

Một nhân viên của Liquidity Services đang tân trang lại một chiếc TV tại một nhà kho ở Garland, Texas. Ảnh: Katie Schoolov

“Chúng tôi đã chứng kiến các công ty trong danh sách Fortune 500 tiếp cận với các thiết bị đã qua sử dụng trên thị trường của mình, bởi thời gian vận chuyển trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ ngắn hơn so với việc bắt đầu với các hàng hóa mới, đưa chúng lên tàu, vận chuyển qua đại dương, đến một cảng có khả năng bị tồn đọng và phải chờ từ sáu đến tám tháng”, Angrick nói.

Nhiều nhà bán lẻ hiện đang bán trực tiếp các mặt hàng tân trang khi nhu cầu về đồ cũ ngày càng tăng. Amazon còn mở những mục nhỏ chuyên biệt dành riêng cho lĩnh vực này. Chẳng hạn như mục Warehouse deals cho các mặt hàng đã qua sử dụng, Amazon Renewed cho các mặt hàng tân trang, và Amazon Outlet cho hàng quá tải và trang web với các khuyến mãi hấp dẫn trong ngày có tên Woot, nơi bán “túi đồ cũ” trị giá 10 USD.

Best Buy hiện có một cửa hàng trực tuyến chuyên bán các thiết bị và TV đã bóc hộp, và HP cũng sở hữu một cửa hàng với các máy tính được tân trang lại.

“Sau khi được tân trang lại, những món hàng này có thể được phục hồi đến 80-100%, tùy thuộc vào tính thời vụ trên thị trường. Nhưng ngay bây giờ, thị trường đang rất mạnh mẽ do sự thiếu hụt nguồn cung trước mắt”, Julie Ryan, giám đốc của HP tại Bắc Mỹ cho biết.

Sự bùng nổ hàng thanh lý cũng tạo ra một xu hướng khác. Hàng trăm cửa hàng bán thùng giá rẻ đã mọc lên trên khắp đất nước, với những cái tên như Dirt Cheap và Treasure Hunt Liquidators. Hàng chục người đã xếp hàng, thậm chí là cắm trại qua đêm chỉ để có thể trở thành những người đầu tiên được lựa chọn ngay khi các pallet hàng thanh lý được xả ra. Họ đào bới các thùng hàng lớn để tìm kiếm các mặt hàng thịnh hành mà họ có thể kiếm lợi nhuận từ chúng.

3

Người mua sắm xếp hàng dài để tìm kiếm trong các thùng hàng thanh lý tại Treasure Hunt Liquidators ở Raleigh, North Carolina. Ảnh: Treasure Hunt Liquidators

“Tất cả các cửa hàng như Big Lots, Bargain Hunt, Ollie’s Bargain Outlet, eBay và thậm chí cả Amazon đều đã vào cuộc. Và họ đang bán các món hàng bị trả về ngược trở lại cho người tiêu dùng, bởi vì 90% là những món hàng này chẳng gặp vấn đề gì cả”, Sciarrotta của Reverse Logistics Association cho biết.

Ngoài ra, Liquidity Services cũng có xu hướng tương tác trực tiếp đến người tiêu dùng của riêng mình. Tại kho AllSurplus Deals của công ty mới khai trương ở Phoenix vào tháng 10 năm ngoái, khách hàng đã đến và nhận các món hàng mà họ đã thắng trong các cuộc đấu giá trực tuyến, thường bắt đầu từ chỉ 5 USD.

Điều này đặc biệt hữu ích cho việc thanh lý các mặt hàng cồng kềnh, chẳng hạn như thuyền kayak bởi vì chúng sẽ rất đắt để vận chuyển. Angrick cho biết Liquidity Services sẽ mở thêm một kho AllSurplus Deals thứ hai ở Dallas vào cuối năm nay.

(Theo CNBC)

Theo An Lê/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-dieu-bat-ngo-ben-trong-doanh-nghiep-thu-mua-do-dong-nat-tri-gia-644-ty-usd-o-my-a153427.html