Nhận thế chấp hàng trăm triệu cổ phần Bamboo Airways, Sacombank bị cuốn vào 'cơn xả lũ' FLC

Sacombank, nhà băng 'thân thiết' của nhóm doanh nghiệp họ FLC, cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của đợt bán tháo ngày 28/3, khiến thị giá cổ phiếu STB mất đến 5,3% và là mã giảm mạnh nhất dòng ngân hàng, bỏ xa mức giảm chung của ngành.

capture-1648517172.PNG

Nhận thế chấp hàng trăm triệu cổ phần Bamboo Airways, Sacombank bị cuốn vào 'cơn xả lũ' FLC

Hàng trăm triệu cổ phần Bamboo Airways bị cầm cố

Điểm lại diễn biến phiên giao dịch 28/3, thị trường đã gặp áp lực bán ngay từ sáng sau khi xuất hiện các tin đồn xung quanh Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, tâm điểm là loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC đua nhau "ngả sàn" với tình trạng trắng bên mua, khối lượng dư bán sàn và dư bán chồng chất, trong khi thanh khoản lại rất nhỏ giọt.

Sang đến phiên chiều, áp lực bán lớn hơn khi xuất hiện thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh, chủ yếu từ các nhóm ngành chủ lực, tiêu biểu là bất động sản và ngân hàng. Trên thị trường chung, VN-Index kết phiên giảm hơn 15 điểm, tức 1,02% xuống 1.483,18 điểm, thanh khoản đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với các phiên trước. Sàn Hà Nội cũng không khá khẩm hơn, HNX-Index mất gần 1,5% còn UPCoM-Index giảm gần 1%.

Bên cạnh tình trạng bán tháo ồ ạt tại nhóm cổ phiếu họ FLC, một cổ phiếu nhà băng được cho là có liên quan "mật thiết" tới tập đoàn này, đó là STB của Sacombank cũng chứng kiến đà giảm sâu khi mất 3,5% ngay ở phiên sáng, chốt phiên giảm đến 5,3% và trở thành mã giảm mạnh nhất dòng ngân hàng, bỏ xa mức giảm chung của ngành. Mặt khác, lực bán của STB còn rất mạnh khiến thanh khoản tăng cao đột biến với hơn 36,7 triệu đơn vị khớp lệnh, cao gấp đôi so với mức bình quân 10 phiên gần nhất.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Sacombank là đơn vị cấp tín dụng bậc nhất dành cho hệ sinh thái FLC và cả ông Trịnh Văn Quyết. Theo dữ liệu của VietnamFinance, chỉ riêng bản thân tỷ phú quê Vĩnh Phúc này đã thực hiện không ít các hợp đồng tín dụng với Sacombank, dựa trên các tài sản thế chấp chủ yếu là cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways (BAV).

Được biết, Bamboo Airways là "đứa con cưng" của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, có vốn điều lệ lên đến 16.000 tỷ đồng tính đến tháng 6/2021, trong đó, ông Quyết sở hữu 56,5% cổ phần, tương ứng 9.040 tỷ đồng theo mệnh giá. Cập nhật tháng 9/2021, Bamboo Airways đã tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng. Chưa hết, tạm tính theo mức giá chào sàn theo kế hoạch ấp ủ đã lâu của hãng hàng không này là trên 60.000 đồng/cổ phiếu, số vốn góp của ông Quyết còn có thể tiến sát ngưỡng 60.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 23/4/2021, sau khi Sacombank trở thành đối tác toàn diện của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng 18 triệu cổ phần BAV để bảo đảm cho khoản vay tại nhà băng này, theo số hợp đồng cầm cố tài sản 202126040365. Giá trị lô cổ phần theo mệnh giá là 180 tỷ đồng và Sacombank đồng ý với mức giá xử lý là 8.500 đồng/cổ phần, tương ứng 153 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, các ngày 17/5, 19/6, 22/7 và 12/10 cùng năm, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục thế chấp lần lượt 92 triệu cổ phần, 57,5 triệu cổ phần, 114,5 triệu cổ phần và 114,3 triệu cổ phần BAV để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ở nhà bằng này.

Không chỉ cá nhân ông Quyết, Tập đoàn FLC cũng đem số lượng lớn cổ phần BAV làm tài sản đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng với Sacombank, ngoài ra là NCB (Ngân hàng Quốc dân) và OCB (Ngân hàng Phương Đông). Ước tính, tổng khối lượng cổ phần BAV được đem ra thế chấp từ cho các hợp đồng vay từ năm 2020 đến nay là hàng trăm triệu đơn vị, tương ứng giá trị theo mệnh giá là nhiều nghìn tỷ đồng.

Trong đó, đơn cử tại hợp đồng 202226570364 ngày 18/3/2022 tại Sacombank, Tập đoàn FLC đã đem cầm cố 20 triệu cổ phần BAV... Đáng nói theo quan sát, liên tiếp hai ngày ngắn ngủi từ 8/6 đến 10/6/2021, NCB cũng trở thành ngân hàng "miệt mài" bơm vốn cho Tập đoàn FLC khi nhận thế chấp 162,5 triệu cổ phần của hãng hàng không này, cho 12 hợp đồng tín dụng, nổi bật là hợp đồng số 011.02/21/HĐCC-9213 ký ngày 10/6/2021 với tài sản bảo đảm là 47 triệu cổ phần, tương ứng 470 tỷ đồng theo mệnh giá.

Bên cạnh đó, các pháp nhân khác cùng hệ sinh thái FLC như FLC Faros (ROS), Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA) cũng đã và đang sử dụng hàng chục triệu cổ phiếu BAV để làm tài sản bảo đảm ở Sacombank.

Bamboo Airways: Lỗ hàng không, lãi tài chính

Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực hàng không, mảng kinh doanh chịu tổn thương nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, song Bamboo Airways là trường hợp vô cùng đặc biệt khi chứng kiến doanh thu thuần vẫn duy trì đà tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng từ "siêu bão" này.

Còn nhớ trong hồ sơ gửi Sở Giao thông Vận tải Mỹ (DOT) để mở đường bay từ Việt Nam tới nước này hồi tháng 6/2021, hãng bay Bamboo Airways đã lần đầu công bố về báo cáo tài chính năm 2020 của mình, với doanh thu thuần đạt 4.048 tỷ đồng, cao hơn 16% so với thực hiện năm 2019.

Đáng lưu tâm là do kinh doanh dưới giá vốn, Bamboo Airways chịu lỗ gộp hơn 3.604 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Thế nhưng nhờ nguồn thu tài chính dồi dào, tăng gấp nhiều lần lên hơn 4.600 tỷ đồng, hãng bay non trẻ vẫn thu về khoản lợi nhuận sau thuế 310,9 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019.

Dĩ nhiên, bức tranh tài chính sáng sủa là yếu tố kiên quyết để Chủ tịch Trịnh Văn Quyết hiện thực hóa giấc mộng IPO tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Khi đó, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định trong một lần phỏng vấn báo chí rằng sẽ triển khai phương án chào bán 5-7% cổ phần trong đợt IPO tại NYSE, mục tiêu huy động 200 triệu USD, dự kiến diễn ra vào quý III/2021.

Bên cạnh đó, ông Quyết cũng tiết lộ kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán Việt Nam trong quý III/2021 với giá 60.000 đồng/cổ phiếu. Quan điểm của ông cho rằng "đó là một kế hoạch dự phòng và tùy thuộc vào điều kiện thị trường”. Dù vậy, chưa rõ vì nguyên nhân gì mà tới nay giấc mộng này của ông chủ Tập đoàn FLC vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Về cấu trúc tài chính, tổng tài sản thời điểm 31/12/2020 của Bamboo Airways đạt 13.467 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 7.564 tỷ đồng, nợ phải trả đứng ở mức 5.902 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn (5.238 tỷ đồng).

Cơ cấu cổ đông cập nhật tới ngày 1/6/2021 gồm có ông Trịnh Văn Quyết với tỷ lệ sở hữu 56,5% vốn điều lệ, Tập đoàn FLC với 25,85% vốn điều lệ, Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA) với 6,27% và FLC Faros (ROS) nắm giữ tiếp 5,63% vốn điều lệ.

Theo Vietnam Finance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhan-the-chap-hang-tram-trieu-co-phan-bamboo-airways-sacombank-bi-cuon-vao-con-xa-lu-flc-a153480.html