Khoản lãi mong manh của Tập đoàn Hoa Lâm (ảnh minh họa)
Hoa Lâm là một trong những tập đoàn tư nhân danh tiếng tại miền Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, y tế và tài chính ngân hàng với đơn vị nổi bật là Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Hoa Lâm được biết đến rộng rãi là cơ nghiệp của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm – Dương Ngọc Hòa, 1 trong 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam. Bà Lâm thậm chí còn từng là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, theo bình chọn của Forbes năm 2019.
Sự nổi tiếng của Hoa Lâm là điều không cần bàn luận. Hành trình kinh doanh thăng trầm của tập đoàn này cũng đã được nói tới nhiều trên truyền thông. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Hoa Lâm những năm vừa qua ra sao lại là một ẩn số đối với giới đầu tư.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, đơn vị lõi của Hoa Lâm Group là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (từ đây gọi tắt là Tập đoàn Hoa Lâm). Công ty này được lập ra tháng 4/2004, đóng trụ sở tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Lâm (sinh năm 1959, thường trú phường 3, quận 3, TP. HCM).
Ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2015, vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Lâm là 650 tỷ đồng (tăng 150 tỷ đồng so với thời điểm liền kề trước đó). Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2018, công ty rơi vào cảnh tăng giảm vốn điều lệ xoành xoạch.
Cụ thể, tháng 3/2018, công ty giảm vốn điều lệ xuống 193,72 tỷ đồng; tháng 7/2018 lại tăng lên 603,72 tỷ đồng, nhưng chỉ 2 tuần sau lại giảm xuống 162,372 tỷ đồng. Tháng 8/2018, vốn điều lệ tăng lên 503,52 tỷ đồng nhưng chỉ hơn 10 ngày sau lại rơi xuống 300 tỷ đồng.
Việc thay đổi vốn quá nhanh trong năm 2018 tương ứng với việc Tập đoàn Hoa Lâm giảm bớt gánh nặng nợ phải trả (sẽ được nói tới ở phần sau), qua đó cải thiện được hệ số nợ, làm đẹp hơn bức tranh tài chính.
Ngoài Tập đoàn Hoa Lâm, Hoa Lâm Group còn có một số công ty thành viên đáng chú ý khác như: Hoa Lâm Shari-la, Tư vấn Đầu tư Hoa Lâm, Kỹ thuật Gia Thịnh, VNS Sài Gòn, Công nghệ VIDIVA…
Cụ thể, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la được thành lập tháng 7/2008, đóng trụ sở tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM. Trong 4 năm qua, người đại diện, tổng giám đốc thay đổi lần lượt là ông Lai Voon Hon (người Malaysia), Nicholas John Paris (người Anh), Trần Việt Cường (Việt Nam).
Tính đến tháng 5/2018 vốn điều lệ của Hoa Lâm Shangri-la là 407,649 tỷ đồng, với các cổ đông: Shangri-la Healthcare Investment PTE.LTD (Singapore) 70%, Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm 30%.
Dàn lãnh đạo của công ty, tại thời điểm cuối năm 2020 gồm: chủ tịch HĐQT Trần Thị Lâm; CEO Nicholas John Paris; các thành viên HĐQT: Helen Siu Ming Wong (người Trung Quốc), Christopher Henry Lovell (người Anh) và ông Dương Ngọc Hòa. Chức CEO tháng 4 năm 2022 được đổi sang ông Trần Việt Cường (sinh năm 1978, thường trú phường 14, quận 3, TP. HCM).
Về Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Hoa Lâm, đơn vị này được thành lập tháng 7/2010, trụ sở chính tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Đại diện theo pháp luật, chủ tịch HĐQT là bà Dương Bảo Anh (sinh năm 1989, một trong 3 ái nữ của bà Trần Thị Lâm).
Trước đây, Tư vấn Đầu tư Hoa Lâm do ông Nguyễn Quang Dục làm chủ tịch HĐQT. Ông Dục nắm 21% vốn góp, cùng với Dương Như Huệ (69%), Lê Bạch Tuyết (10%). Vốn điều lệ khi này là 5 tỷ đồng.
Tháng 4/2017, 2 cổ đông Nguyễn Quang Dục, Dương NHư Huệ biến mất, bà Dương Bảo Anh xuất hiện với tỷ lệ sở hữu 90%, 10% còn lại nằm trong tay bà Lê Bạch Tuyết.
Về Công ty TNHH Đầu tư Kỹ thuật Gia Định, đơn vị này thành lập tháng 3/2012, trụ sở chính tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Trước tháng 10/2019, công ty có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, do bà Trần Thị Lâm là chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 50%, cùng với: Nguyễn Quang Dục 10%, Dương Mai Anh (con gái bà Lâm) 40%.
Tháng 10/2019, bà Lâm thoái vốn với tư cách cá nhân. Cơ cấu cổ đông lúc này gồm: Nguyễn Quang Dục 10%, Dương Mai Anh 40% và Đỗ Nhật Anh 50%. Tháng 1/2022, cổ đông Lê Nhân Thiện xuất hiện, thế chỗ cho ông Nguyễn Quang Dục với tỷ lệ sở hữu tương ứng.
Về Công ty TNHH VNS Sài Gòn, công ty này lập ra tháng 12/2012, được ghi nhận có sự xuất hiện của “người Hoa Lâm” vào năm 2015 là bà Dương Mai Anh (30%), cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn doanh nghiệp VNS (70%). Vốn điều lệ cùng thời điểm là 50 tỷ đồng, do ông Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1972, thường trú Hàng Bạc Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm chủ tịch HĐQT.
Tháng 9/2016, chức chủ tịch chuyển sang cho Mai Anh Đào (sinh năm 1968, thường trú phường 11, quận 6, TP. HCM) với tỷ lệ sở hữu 70%.
Tháng 8/2017, cổ đông Mai Anh Đào nâng tỷ lệ sở hữu lên 96%, bà Dương Mai Anh chỉ còn 4%. 1 tháng sau đó, bà Võ Thị Bích Lan (sinh năm 1965, thường trú Tịnh Giang, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) xuất hiện thay thế Mai Anh Đào với tư cách CEO, người đại diện theo pháp luật với tỷ lệ sở hữu 96%.
Tháng 7/2021, công ty tăng vốn lên 145 tỷ đồng, bà Lan nắm 96%, bà Trương Thị Yến Ngọc nắm 4%.
Về Công ty Cổ phần Công nghệ VIDIVA, doanh nghiệp này thành lập tháng 8/2017, vốn điều lệ 1 tỷ đồng do bà Dương Bảo Anh (con gái bà Lâm) nắm 98%. 2 cổ đông còn lại là Đỗ Thanh 1% và Nguyễn Phan Tấn 1%. Đại diện theo pháp luật kiêm CEO là Nguyễn Phan Tấn (sinh năm 1984, thường trú phường 12, quận Bình Thạnh, TP. HCM). Tháng 10/2018, công ty tăng vốn lên 51 tỷ đồng.
Trở lại với Tập đoàn Hoa Lâm, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy đây là đơn vị có giá trị tài sản thuộc nhóm nghìn tỷ. Giai đoạn 2016 – 2017, tài sản của công ty tăng từ 1.903 tỷ đồng lên 2.256 tỷ đồng, tương đương tăng 18%. Tuy nhiên, phần đa tài sản được tài trợ bằng nợ phải trả (trung bình 65%), tăng từ 1.203 tỷ đồng lên 1.526 tỷ đồng, tương đương tăng 27%.
Bước sang năm 2018, tổng tài sản của công ty “rơi” rất mạnh xuống chỉ còn 1.123 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là giảm được nợ phải trả, xuống chỉ còn 739 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 50%; đồng thời vốn chủ sở hữu cũng “rơi” từ 729 tỷ đồng (2017) xuống 384 tỷ đồng, tương đương giảm 47%.
Cú “rơi” về tài sản này có thể xem là một nhịp điều chỉnh cần thiết để công ty làm đẹp các chỉ số tài chính, đơn cử như hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, giảm từ 2.09 lần (năm 2017) xuống 1,89 lần (năm 2018).
Năm 2019, nợ phải trả tiếp tục giảm xuống 643 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu “nhích” nhẹ lên 392 tỷ đồng, đưa hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tiếp tục giảm xuống 1,64 lần. Năm 2020, nợ phải trả tăng lên 686 tỷ đồng, song nhờ vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 404 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần như được giữ nguyên (1,69 lần).
Về kết quả kinh doanh, điều đáng chú ý là giai đoạn 2016 – 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Hoa Lâm có sụt sụt giảm rất mạnh. Cụ thể, nếu năm 2016, doanh thu thuần đạt 112 tỷ đồng thì tới năm 2017, doanh thu thuần chỉ còn 39 tỷ đồng, giảm tới 64%.
3 năm sau đó, doanh thu thuần của công ty chỉ loanh quanh 36 – 39 tỷ đồng, cho thấy sự “bế tắc” trong việc tìm kiếm sự đột phá về doanh số.
Mặc dù doanh thu suy giảm và duy trì ở mức thấp, song điều an ủi của Tập đoàn Hoa Lâm là biên lợi nhuận gộp luôn ở mức rất cao. Ngoại trừ năm 2016, biên lợi nhuận gộp chỉ 23%, các năm 2017 – 2020, biên lợi nhuận gộp đều trên 90%, lần lượt là: 94,7%, 91,7%, 93,5% và 94,9%.
Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Lâm vẫn rất mỏng manh, trong các năm 2016 – 2020 lần lượt là: 2 tỷ đồng, 2,6 tỷ đồng, 4,9 tỷ đồng, 7,5 tỷ đồng và 12,2 tỷ đồng.
Với tổng tài sản lên tới nghìn tỷ và vốn chủ sở hữu vài trăm tỷ đồng, ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản) ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) đều ở mức cực thấp, cho thấy hiệu suất kinh doanh không đáng kể.
(Còn nữa)
Theo Ái Châu Tử/VietnamFinance
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khoan-lai-mong-manh-cua-tap-doan-hoa-lam-a153516.html