Tại hội nghị về phát triển thị trường vốn diễn ra hôm 22/4, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an - chỉ ra thực trạng thị trường chứng khoán, trái phiếu ngày càng xuất hiện nhiều hành vi thiếu minh bạch với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
"Hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán. Nhưng những hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự", ông Tuyến nói.
Khái quát lại phát biểu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế".
Ý kiến của Thủ tướng được nhiều đại biểu, chuyên gia tại hội nghị đồng tình. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) - bày tỏ: "Tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý".
Bà Thanh khẳng định thị trường vốn giống như xương sống, mạch máu của nền kinh tế.
Theo bà, ngoài vốn vay ngân hàng, kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 2 kênh quan trọng và hữu ích, giúp phát triển công ty trong trung và dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch CTCP Cơ Điện Lạnh (REE). Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Nhà đầu tư đều quan tâm đến tính minh bạch trong công bố thông tin và cam kết của nhà phát hành trái phiếu. Chúng ta cần một tổ chức giám sát tính minh bạch trong quá trình thực hiện", bà Thanh nhận định.
"Cùng với đó là tính khả thi được thể hiện trên kết quả báo cáo tài chính hợp nhất, đặc biệt các tổ chức phát hành là công ty niêm yết. Qua đó, nhà đầu tư - trái chủ có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin", bà nói thêm.
Về mặt luật định, REE kiến nghị cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm, tài sản thế chấp phải được định danh, cũng như có tính thanh khoản cao.
"Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp chệch hướng với những thông tin đã được công bố. Về pháp lý, cần củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản", bà Thanh kiến nghị.
Còn ông Zafer Mustafaeglu - Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Cạnh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) - nhận định quy mô thị trường vốn của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên.
Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất.
Việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD. "Để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả", đại diện WB nhận định.
Ông cho biết Việt Nam cần quan tâm sát sao một số yếu tố. Trong đó có những thể chế tạo ra chính sách, ban hành quy định, thực hiện chức năng giám sát và thực thi hiệu lực.
Thứ 2 là hạ tầng, bao gồm giao dịch, thanh toán hiệu quả và an toàn; nền tảng để thu thập, chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy và kịp thời.
Đối với bên phát hành, theo đại diện WB, chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả loại hình doanh nghiệp đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả.
Ông Zafer Mustafaeglu tại Ngân hàng Thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Ngoài ra, bảo vệ nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng không phải tất cả loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân.
"Định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể được thắt chặt, nhằm ngăn ngừa các nhà đầu tư thiếu kiến thức và kỹ năng phân tích mua chứng khoán không phù hợp", ông Mustafaeglu nhận định.
Thêm vào đó, các tổ chức trung gian chứng khoán cần được cấp phép và giám sát chặt chẽ. Những tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau. Chẳng hạn, môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) cho khách hàng.
Với những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, WB lưu ý rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.
WB cho rằng Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường, thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch CTCP Ôtô Trường Hải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi", tổ chức này nhận định.
Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) - cũng chia sẻ về kinh nghiệm huy động vốn từ trái phiếu của Thaco, tập đoàn đa ngành có tổng doanh thu 100.230 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 129.087 tỷ đồng và dư nợ 56.479 tỷ đồng.
Theo ông Dương, Thaco luôn phát triển sản xuất kinh doanh từ nhỏ đến lớn một cách hiệu quả, trong khả năng quản trị. Tập đoàn cũng đề cao sự tư vấn và tham gia kiểm soát của các tổ chức kiểm toán quốc tế.
Thaco huy động vốn vay từ các ngân hàng lớn trong, ngoài nước và được thẩm định cho vay với những chuẩn mực an toàn.
Thaco không sử dụng đòn bẩy tài chính, chưa tham gia thị trường chứng khoán và chỉ mới phát hành bán vốn cho một tập đoàn nước ngoài nắm giữ 26,5% và cán bộ nhân viên 2%.
Theo Thảo Cao/Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-nhung-khong-hinh-su-hoa-quan-he-dan-su-kinh-te-a153629.html