Lợi nhuận chưa tìm thấy đáy dưới thời Kusto, cổ phiếu Coteccons (CTD) lao dốc đến bao giờ?

Con số lợi nhuận kế hoạch thấp kỷ lục phần nào đã phản ánh những khó khăn mà Coteccons phải đối mặt trong năm nay và cổ phiếu CTD sẽ khó phanh lại đà lao dốc thẳng đứng hiện nay nếu những tín hiệu tích cực từ vĩ mô đến nội tại doanh nghiệp không sớm xuất hiện.

ctd-4871-1650807707.jpg

Ngày 25/4, CTCP Coteccons (mã CTD) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tại Quảng Bình, kỳ đại hội thứ 2 kể từ sau khi nhóm Kusto chính thức lên nắm quyền từ tháng 10/2020 sau xung đột lợi ích dai dẳng nhiều năm. Nhìn lại một năm dưới chướng nhóm Kusto, tình hình kinh doanh của Coteccons có lẽ mang đến nhiều nỗi buồn cho cổ đông.

“Đại gia” ngành xây dựng này lần đầu báo lỗ trong một quý kể từ khi hoạt động vào quý 3/2021 và tiếp tục đào sâu quản lỗ trong quý sau đó. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 chỉ đạt vỏn vẹn 24 tỷ đồng, “bốc hơi” 93% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong lịch sử. Thực tế, xây dựng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch COVID-19 bên cạnh cơn bão giá nguyên vật liệu trong năm qua và Coteccons cũng không ngoại lệ.

Bước sang năm 2022, ngành xây dựng được đánh giá có triển vọng lạc quan khi hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, sự ấm lên của thị trường bất động sản và giá vật liệu hạ nhiệt và rủi ro do dịch bệnh gần như không còn... Tuy nhiên, Coteccons lại gây bất ngờ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước.

Đại diện Coteccons cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp do công ty xác định không lao vào cuộc chiến giảm giá với các nhà thầu khác trên thị trường và áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng với các khoản phải thu khó đòi, ưu tiên chiến lược phát triển bền vững. Giá vật liệu xây dựng vẫn đang tăng, cộng với những rủi ro bất ngờ trong năm 2021 khiến công ty đặt ra mục tiêu có phần thận trọng trong năm nay.

Lợi nhuận chưa tìm thấy đáy dưới thời Kusto, cổ phiếu Coteccons (CTD) lao dốc đến bao giờ? ảnh 1

HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Ban điều hành Coteccons cho biết năm 2022 kế hoạch của công ty vẫn tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng trong khi mảng đầu tư công chỉ mới bắt đầu tham gia và xúc tiến. Điều này có thể khiến Coteccons bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Trong khi đó, đối thủ lớn là Hòa Bình (mã HBC) đã được mời đấu thầu nhiều dự án quan trọng và kỳ vọng doanh thu mảng công nghiệp sẽ đóng góp đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022.

Cổ phiếu lao dốc không phanh, về vùng thấp nhất trong 2 năm

Con số lợi nhuận kế hoạch thấp kỷ lục phần nào đã phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn của Coteccons. Nếu những tín hiệu tích cực từ vĩ mô đến nội tại doanh nghiệp không đến sớm, cổ phiếu CTD sẽ khó phanh lại đà lao dốc thẳng đứng hiện nay.

Lợi nhuận chưa tìm thấy đáy dưới thời Kusto, cổ phiếu Coteccons (CTD) lao dốc đến bao giờ? ảnh 2

Trong chuỗi giảm thê thảm 3 tuần qua, cổ phiếu này có đến 8 phiên giảm sâu và 3 phiên nằm sàn trong khi chỉ được “cầm máu” 3 phiên với mức tăng nhẹ hoặc đứng giá. Thị giá CTD hiện đã rơi xuống vùng giá thấp nhất trong 2 năm và đang dừng ở mức 57.000 đồng/cổ phiếu, giảm 42% sau 3 tuần. Vốn hóa cũng theo đó xuống dưới 5.700 tỷ đồng, “bốc hơi” một nửa so với đỉnh hồi đầu năm 2022.

Trong quá khứ, giai đoạn tăng nóng từ năm 2015 – 2018 từng đưa CTD trở thành cái tên quen thuộc trong top các cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa nhóm cổ đông ngoại Kusto và Ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Bá Dương đã đẩy cổ phiếu này vào giai đoạn dò đáy kéo dài nhiều năm.

CTD mới chỉ phát tín hiệu cho sự trở lại từ cuối tháng 11 năm ngoái khi bứt phá mạnh để trở lại vùng giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu sau gần 3 năm ngụp lặn. Con sóng bắt đầu cùng thời điểm Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov lần đầu tiên muốn sở hữu cổ phiếu CTD trên phương diện cá nhân khi đăng ký mua vào 740.000 đơn vị.

Dù vậy, Chủ tịch Coteccons sau đó lại bất ngờ cho biết "Như đã chia sẻ trong buổi đối thoại với cổ đông, tôi đã dành tất cả số tiền tiết kiệm mà tôi có và mua vào CTD để bày tỏ niềm tin với cổ đông. Tuy nhiên do tình hình giá CTD đã tăng quá cao nên tôi chưa thể mua được đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký. Thời gian tiếp theo tôi sẽ tập trung cụ thể hóa kế hoạch, chiến lược kinh doanh và bạn hãy chờ xem các con số biết nói đó sẽ là những bằng chứng thuyết phục nhất".

Coteccons cũng công bố giá trị các hợp đồng trúng thầu trong năm 2021 lên tới 25.000 tỷ đồng và ông Bolat Duisenov còn khẳng định công ty đang trở lại đường đua sau kết quả kém khả quan trong năm ngoái do khó khăn kép dịch bệnh và xung đột thượng tầng.

Dù vậy, cổ đông dường như không còn kỳ vọng nhiều vào những hứa hẹn của lãnh đạo công ty và cổ phiếu CTD cũng quay đầu trượt dài sau chia sẻ của ông Bolat Duisenov.

Ngay thời điểm hiện tại, dù giá cổ phiếu giảm quá mạnh nhưng chưa thấy động thái mua vào từ phía lãnh đạo và "các con số biết nói" mà ông Bolat từng nêu lại càng khiến cổ đông trở nên thất vọng hơn.

Theo Bảo Vy/BizLIVE

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/loi-nhuan-chua-tim-thay-day-duoi-thoi-kusto-co-phieu-coteccons-ctd-lao-doc-den-bao-gio-a153641.html