Thu hồi đất phải dựa trên đồng thuận chứ không thể 'ký quyết định rồi thu'?

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về sửa đổi luật, quy định về đất đai nhằm lành mạnh thị trường, tránh thất thoát tài sản nhà nước, đảm bảo công bằng cho người dân.

anhdothi2-1read-only-1651938311200699057560-1651975054.jpg
Sửa đổi Luật đất đai sẽ giúp thị trường lành mạnh và tăng nguồn thu cho ngân sách - Ảnh: T.CHUNG

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị trung ương 5 là thảo luận về việc tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai.

- Giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường):

Cần 70% người đồng ý mới được thu hồi đất

Vì còn kẽ hở nên nhiều đại gia rất giàu có nhờ đất. Một hệ thống pháp luật đất đai để cho nhà đầu tư cá nhân hưởng quá nhiều từ đất trong khi Nhà nước không được bao nhiêu là bất cập. Do vậy, rất nhiều thứ phải thay đổi như quy định về thuế, tiền sử dụng đất.

Đa số các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai, quan chức đi tù vì sai phạm đất đai là do pháp luật không đầy đủ, người ta dễ lách và địa phương không thực hiện đúng quy định.

Về cơ bản khi thu hồi đất các địa phương làm đúng luật nhưng sau khi thu hồi đất từ 2 - 3 năm họ chuyển quyền sử dụng đất sang làm mục đích khác thuộc diện không được thu hồi. Quá trình này thường gắn với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương. Điều này cho thấy việc quy định thẩm quyền quản lý đất đai không ổn.

Do vậy, cần một cơ quan ở trung ương chịu trách nhiệm quản lý đất đai làm việc này. Cấp tỉnh muốn chuyển đổi mục đích phải xin phép điều chỉnh.

Cần có sự thay đổi về điều kiện được thu hồi đất và tốt nhất không nên áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất khi đã dính đến lợi ích của chủ đầu tư.

Thay vào đó, cần chuyển sang cơ chế đồng thuận với đại đa số cộng đồng, trong đó lợi ích Nhà nước, người dân được bao nhiêu. Người lấy đất phải đưa ra phương án thảo luận chung và ít nhất phải được 70% số người có đất đồng ý chứ không thể dùng quyền lực, ký quyết định rồi thu hồi.

- GS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội khóa XV, hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội):

Phải xác định giá đất theo thị trường

Các vụ án tiêu cực về đất đai đa số do khi định giá đất chuyển từ Nhà nước sang cho tư nhân dựa vào khung giá, bảng giá với mức thấp, khác biệt xa với thị trường. Vì vậy, phần Nhà nước được nhận rất thấp so với giá trị thực.

Nguyên nhân là cơ chế xác định giá đất chưa có cơ sở thống nhất mà chỉ dựa vào các khung giá, bảng giá được ấn định bằng các quyết định hành chính của HĐND các địa phương.

Do đó, sửa đổi Luật đất đai cần nhất thay đổi cơ chế về quản lý với đất đai từ cơ chế quản lý dựa trên các quyết định hành chính bằng cơ chế của thị trường trong việc xác định giá đất và các quan hệ kinh tế liên quan.

Một mảnh đất giao cho một đơn vị, cá nhân sẽ phải nộp phần tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo giá trị thị trường chứ không do chính quyền, cơ quan quản lý quyết định.

Việc này sẽ giúp lựa chọn được ai là người sử dụng mảnh đất đó hiệu quả nhất và người phải trả mức giá thị trường sẽ tìm cách sử dụng cho hiệu quả, không thể để hoang hóa gây lãng phí.

Nếu áp dụng cơ chế thị trường sẽ không còn cảnh xin - cho và tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát nguồn thu nhà nước. Không còn tình trạng giá trị của đất đai chỉ rơi vào tay của một nhóm người mà sẽ tập trung cho ngân sách, xã hội.

- TS Nguyễn Văn Đáng (Viện xã hội học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):

Cấp huyện không được thu hồi đất

Nguyên nhân khiếu kiện đất đai gia tăng là do hệ thống pháp luật về đất đai có quá nhiều khái niệm mù mờ khiến cán bộ thực thi diễn giải theo ý chủ quan.

Mặt khác, thực tế thu hồi đất lại nhấn mạnh vai trò chính quyền địa phương và chỉ ban hành quyết định thu hồi đất dựa trên giá do HĐND địa phương ban hành. Điều này rất hành chính, thiếu linh hoạt, không đáp ứng mong đợi của người dân nên gây mâu thuẫn, xung đột. Luật đất đai có quy định việc định giá đất sát với thị trường nhưng không hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, cần quy định công thức xác định giá đất sát thị trường, chỉ cho thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội với dự án quy mô, tầm ảnh hưởng với phát triển địa phương chứ không thể cứ doanh nghiệp đề xuất dự án là chính quyền thu hồi đất. Đồng thời, không giao cho cấp huyện thu hồi đất mà nên giao cho cấp tỉnh quyết định.

- Chuyên gia tài chính - tiền tệ Bùi Đức Thụ:

Khung giá được HĐND các tỉnh ban hành có khi chỉ bằng 1/5, thậm chí bằng 1/10 giá thực tế nên những ông nào "ôm" được đất sẽ giàu lên. Vừa qua, chúng ta đã bước đầu khắc phục bằng việc ban hành quy định về đấu thầu đất đai, tuy nhiên lại xảy ra tình trạng quân xanh, quân đỏ, bỏ thầu...

Do đó, cần phải hoàn thiện khung khổ pháp lý để dẫn đường và khắc phục được những tình trạng bất bình thường như vừa qua.

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập (văn phòng luật sư NHQuang & cộng sự):

Khiếu kiện đất đai hiện nay đa số không phải khiếu kiện dân sự mà là khiếu kiện hành chính liên quan chính quyền thu hồi đất.

Nhưng khi người dân khiếu kiện, cơ quan hành chính cấp địa phương lại là cơ quan tham gia quá trình thu hồi đất nên thường các cơ quan này giải quyết không thỏa đáng. Người dân vì thế phải khiếu kiện vượt cấp. Các cơ quan cấp trên cũng lúng túng không giải quyết được nên số lượng khiếu kiện ngày càng nhiều.

Theo Bảo Ngọc - Thành Chung/Tuổi trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thu-hoi-dat-phai-dua-tren-dong-thuan-chu-khong-the-ky-quyet-dinh-roi-thu-a153692.html