Khơi thông và phát triển du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long bằng cách nào?

Tại Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 20/5, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm phát triển du lịch nông nghiệp tại vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước.

din dan

 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM liên kết phát triển du lịch. Ảnh An Hòa

Hấp dẫn du lịch nông nghiệp

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) Hà Văn Siêu, khu vực ĐBSCL nổi tiếng là vùng nông nghiệp trù phú với 3 sản phẩm đặc trưng là lúa, thủy sản và cây ăn quả. Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương là một thế mạnh đặc thù.

Thời gian qua các địa phương trong vùng cũng đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thì sự phát triển này còn chậm, chưa tương xứng.

“Bộ NN&PTNT và Bộ VH,TT&DL đang phối hợp dự thảo nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tham gia phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển đặc sản làng nghề, nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân", ông Siêu cho biết.

Theo đại diện doanh nghiệp Du lịch Ngọc Quỳnh (Đồng Tháp), ĐBSCL được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thuỷ sản của cả nước. Với lợi thế từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn liền với quá trình sản xuất bắt đầu được hình thành và phát triển.

Tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, hiện nay, việc phát triển du lịch nông nghiệp đã góp phần rất lớn trong chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh cho người nông dân. Nhờ sự chuyển đổi đó sản xuất đã hướng theo tín hiệu thị trường, tình trạng “được mùa, mất giá” đang được khắc phục. Bên cạnh đó, nhờ vào hoạt động du lịch mà công tác quảng bá nông sản hiệu quả hơn.

DU LICH NN

Du lịch nông nghiệp sẽ là một thế mạnh tại ĐBSCL, nếu được khai thác tốt và hiệu quả. Ảnh An Hòa

Muốn đi xa phải đi cùng

Tham luận tại Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đại diện các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều đánh giá cao tiềm năng du lịch tại vùng này, nhất là du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng sự phát triển du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chủ yếu đáp ứng các nhu cầu đơn giản như tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống trong ngày của du khách, chưa tăng khả năng chi tiêu của du khách qua các dịch vụ bổ trợ, chưa gây ấn tượng để níu chân được du khách lưu trú lâu hơn hay có nhiều hoạt động, trải nghiệm phong phú cho du khách.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch nông nghiệp tại đây còn ở dạng nhỏ lẻ, trùng lặp và thiếu sự liên kết giữa các địa phương một cách đồng bộ để cùng nhau hưởng lợi. Sản phẩm du lịch còn thô sơ, đơn giản, ít có sự sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, chưa có nhiều điểm nhấn để thu hút du khách.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, du lịch nông nghiệp là một thế mạnh của khu vực ĐBSCL, tuy nhiên việc khai thác thế mạnh này còn hạn chế, rời rạc, thiếu liên kết.

Với phương châm, 'muốn đi xa thì phải đi cùng', Diễn đàn kết nối du lịch 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP. HCM, có vai trò rất quan trọng. TP. HCM với vai trò đầu mối giao thương, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước sẽ giúp các địa phương trong vùng ĐBSCL về kết nối tour tuyến, tạo nguồn phát triển du lịch.

"Các tỉnh ĐBSCL có thế mạnh là sản phẩm du lịch gắn với đặc sản làng nghề sẽ giúp cho du khách có sự trải nghiệm lý thú về một miền Tây hiền hòa, mến khách với ẩm thực độc đáo, đậm hương sắc đồng quê", ông Nghĩa nhấn mạnh.

VNA

Trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối du lịch, Vietnam Airlines ký kết hợp tác toàn diện với UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh An Hòa

Đồng quan điểm đó, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn mang tích cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng phát triển nông thôn và cải thiện đời sống nông dân.

Theo đó, nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu du khách. Ngược lại, du lịch lại góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.

“ Để có thể vực dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp tại vùng ĐBSCL thì cần thiết phải có những nhà đầu tư chuyên nghiệp, doanh nghiệp lớn du lịch đầu tư vào vùng này vì hiện nay sản phẩm du lịch ở đây còn đơn điệu, “cây nhà lá vườn”; ít sự  trau chuốt, đầu từ để tạo ra sự khác biệt”, ông Đức đánh giá.

Theo An Hòa/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khoi-thong-va-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-o-dong-bang-song-cuu-long-bang-cach-nao-a153765.html