Vốn 10.000 tỉ đồng mới là nhà đầu tư chiến lược ở Vân Phong, liệu có 'đếm trên đầu ngón tay'?

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề cần có cơ chế thu hút đầu tư đủ mạnh nhưng tiêu chí cần phù hợp, khả thi cao để thu hút nhà đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong.

nguyen-hai-anh-16548638766391824356664-1654918872.jpg
Đại biểu kiến nghị xem xét thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 10-6, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo nghị quyết là cơ chế phát triển Khu kinh tế Vân Phong, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn để phát triển khu này.

Đơn cử, dù cần thiết phải có các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm năng, song bà Nga cho rằng dự thảo đưa ra những tiêu chí về tài chính cho một số lĩnh vực vốn điều lệ là 10.000 tỉ đồng trở lên hoặc tổng tài sản là 25.000 tỉ đồng là rất khó khả thi và chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Đại biểu Nga cũng lưu ý đến việc quản lý môi trường ở Khu kinh tế Vân Phong, khi dự thảo đang phân quyền trực tiếp cho Ban Quản lý khu kinh tế để xét duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường.

"Tôi băn khoăn khi ta chưa có quy định đặc thù gì riêng cho Ban Quản lý khu kinh tế này cả về tổ chức bộ máy và về năng lực, nhưng lại giao trách nhiệm rất lớn. Do đó cần giao trách nhiệm rõ ràng và thay vì việc phân quyền trực tiếp cần có cơ chế để cho phép UBND tỉnh được phân cấp hoặc ủy quyền", đại biểu Nga nêu.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) thì cho rằng cần đẩy mạnh việc phân cấp tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho UBND tỉnh Khánh Hòa. Cũng bởi, chính sách ủy quyền toàn bộ cho ban quản lý tổ chức thẩm định, phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường là chưa có tiền lệ. 

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) thì đề nghị rà soát kỹ hơn danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư trên quan điểm không đưa vào danh mục những ngành nghề có rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường biển và đại dương, hoặc những ngành nghề có phát thải khí carbon ở mức cao.

"Tôi đề nghị Khánh Hòa đặc biệt lưu ý những bài học kinh nghiệm về các sự cố thảm họa môi trường biển đã xảy ra ở một số địa phương khác để có biện pháp chỉ đạo quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, cần hết sức cân nhắc việc ủy quyền cho ban quản lý tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư", đại biểu Anh nói.

Nên khép lại cơ chế đặc thù với các tỉnh

Đồng tình với cơ chế đặc thù, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng Khánh Hòa nên là đơn vị cuối cùng và sau đó, nên "đóng khung" lại cơ chế đặc thù riêng cho địa phương.

Lý do là việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù thời gian qua "cũng đã đủ", mà nên nghiên cứu ban hành nghị quyết chung cho cả vùng. "Mỗi tỉnh tranh thủ có cơ chế riêng sẽ không công bằng với nhiều tỉnh khác", ông nói việc xây dựng cơ chế cho vùng sẽ không có sự cạnh tranh cục bộ, mà sẽ tăng tính liên kết vùng, phát triển đồng đều...

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng cho rằng nên tính tới việc bỏ mô hình cơ chế đặc thù. Ông phân tích, nếu được Quốc hội thông qua thì Khánh Hòa là địa phương thứ 9 được áp dụng cơ chế đặc thù, tức là khoảng 14,2% địa phương trên cả nước (9/63 tỉnh, thành) có cơ chế đặc thù, là "tỉ lệ thực nghiệm quá cao, không cần thiết".

"Câu chuyện về cơ chế đặc thù sau Khánh Hòa nên khép lại, thay vào đó là tổng kết và phân loại chính quyền địa phương theo từng quy mô, cấp độ", đại biểu Cà Mau bình luận.

Theo Ngọc An/Tuổi trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/von-10000-ti-dong-moi-la-nha-dau-tu-chien-luoc-o-van-phong-lieu-co-dem-tren-dau-ngon-tay-a153872.html