Khó khăn về vốn khiến doanh nghiệp chông chênh để duy trì một phần hoạt động trước khi tính đến phục hồi.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) - Ban IV vừa tổng hợp phản ánh của doanh nghiệp từ nửa cuối tháng 10 đến nay.
Dựa trên kết quả này, Ban IV nhận định, thiếu vốn (vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn) đặt các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, vào tình thế cấp bách; ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.
“Các doanh nghiệp cho biết, do hạn chế vốn, họ gặp khó trong duy trì sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm sau cũng như việc làm cho người lao động. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn vì sau 2 năm dịch bệnh, dòng tiền của doanh nghiệp đã cạn kiệt”, Ban IV nhấn mạnh.
Cũng nói về vấn đề thiếu vốn cho doanh nghiệp, tại Talkshow Chọn Danh mục (phần 2) kỳ 5 với chủ đề “Thích ứng trong hành động” luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw, cho biết không ít doanh nghiệp đang thực sự khó khăn vì vốn.
Theo ông Hà, không chỉ ở lĩnh vực bất động sản, cuộc khủng hoảng thiếu vốn lan rộng ra nhiều ngành kinh tế. Theo ông Hà, hiện các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong huy động vốn để phát triển hoạt động của mình dù đang là những tháng cuối cùng của quý IV/2022.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Hà cho rằng có ba nguyên nhân chính.
Nguyên nhân đầu tiên, theo ông Hà, về tín dụng, đã có các ngân hàng hết room, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản thì phần lớn không còn room và các doanh nghiệp phải đợi đến năm 2023 để có room mới.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Hà là một trong các kênh có thể huy động được vốn tương đối tốt trước đây là trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó sau khi ban hành Nghị định 65 thay thế Nghị định 153, nhất là với doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong trả nợ trái phiếu đến hạn và sắp đến hạn. Một số vụ việc trong lĩnh vực trái phiếu thậm chí đã gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư và người dân.
Còn một thị trường vốn nữa mà các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm những cũng không dễ huy động đó là lĩnh vực M&A, chuyển nhượng một phần hoặc bán dự án cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Hà, việc chuyển nhượng một sự án M&A cũng tương đối khó, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài.
Làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn về dòng tiền, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, nhiều đơn vị mong muốn tiếp tục được hoàn thiện các dự án dang dở sắp hoàn thiện để bán hàng nhanh thu tiền về giải quyết khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, hời gian qua doanh nghiệp bất động sản huy động tiền nhiều từ trái phiếu và giờ đang chịu áp lực đáo hạn nợ, bảo vệ uy tín. Do vậy, các doanh nghiệp này rất khó phát hành trái phiếu mới, trong khi nhà đầu tư lại mong đáo hạn trái phiếu trước hạn để thu tiền về.
“Trong tình thế này, một số doanh nghiệp bất động sản đã phải trả trước tiền trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cách hoán đổi căn hộ. Nhưng sau đó nhận thấy trả căn hộ cho trái chủ cũng làm dòng tiền mặt bị ảnh hưởng nên họ dừng chương trình này và gây mất niềm tin cho nhà đầu tư”, thực tế trên thị trường bất động sản được luật sư Nguyễn Thanh Hà chỉ ra.
Cùng với đó, ông Hà cũng cho biết thêm doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp 2 khó khăn trong năm 2023. Một là huy động vốn để thực hiện dự án cũ và mới. Trông chờ room tín dụng ở năm tới trong bối cảnh tất cả ngân hàng tăng lãi suất huy động và lãi suất, việc tiếp cận vốn dự kiến sẽ vẫn khó khăn.
“Tình trạng vay ngoài với lãi suất 20-30% như hiện này đã cho thấy họ thực sự khó khăn. Ngoài gặp khó trong huy động vốn, nhiều doanh nghiệp còn phải tiếp tục phải trả nợ trái phiếu. Đây là khúc cua định mệnh rất khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới”, luật sư Hà dự báo.
Theo Kỳ Thư/VietnamFinance
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khuc-cua-dinh-menh-cua-bds-tin-dung-het-room-trai-phieu-be-tac-vay-ngoai-lai-suat-20-30-a154125.html