Thành lập trong năm 2004, cho tới nay, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã có 18 năm hoạt động với hệ sinh thái đa ngành gồm nhiều lĩnh vực: Năng lượng, Hạ tầng – Xây dựng, Bất động sản,...
Lĩnh vực mà Trung Nam Group được nhắc đến nhiều nhất và dành cho nguồn vốn rất lớn chính là năng lượng. Có thể thấy, Trung Nam Group đang có vị thế rất lớn trên “bản đồ” ngành năng lượng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Nam Group có quy mô tổng tài sản tỷ đô la.
Theo BCTC riêng lẻ, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản/nguồn vốn của Trung Nam Group lên tới 41.112 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), tăng 19.626 tỷ đồng, tương đương 91,3% so với hồi cuối năm 2020.
Tổng nguồn vốn tại Trung Nam Group tăng đột biến trong năm 2021 đến từ cả hoạt động tăng vốn và tăng nợ.
Báo cáo tài chính năm 2021 của Trung Nam Group ghi nhận vốn góp chủ sở hữu tăng từ 10.006 tỷ đồng lên 20.941 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng từ 11.198 tỷ đồng lên 17.790 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay đạt 5.560 tỷ đồng.
Như đã nêu trên, theo BCTC riêng lẻ, tại ngày 31/12/2021, tổng nợ vay của Trung Nam Group đạt 5.560 tỷ đồng. Trong đó có 2.574 tỷ đồng nợ đến từ kênh trái phiếu (590 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 1.984 tỷ đồng trái phiếu dài hạn).
Đáng chú ý, đối tác của những đợt phát hành trái phiếu này của Trung Nam Group đều là Công ty chứng khoán Vndirect.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, Trung Nam Group ghi nhận trái phiếu ngắn hạn mệnh giá 600 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu là 590 tỷ đồng, 10 tỷ đồng là chi phí phát hành trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 9,5%/năm. Mục đích là thanh toán cho nhà cung cấp vật tư và các khoản nợ đến hạn.
Một lô trái phiếu khác được xác định cho Vndirect có mệnh giá 2.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu là 1.984 tỷ đồng, 15,6 tỷ đồng còn lại là chi phí phát hành, lãi suất 10,5%/năm. Mục đích của đợt phát hành là tăng quy mô vốn để đầu tư thực hiện các dự án.
Tuy nhiên, trái phiếu tại công ty mẹ Trung Nam chỉ là “muối bỏ bể” nếu so sánh với cả hệ sinh thái Trung Nam Group.
Theo thống kê, tổng huy động trái phiếu của toàn hệ thống Trung Nam Group đạt 34.000 tỷ đồng, kể từ năm 2019.
Trong năm 2021, tổng giá trị trái phiếu mà cả hệ thống Trung Nam Group phát hành cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, tổng dư nợ trái phiếu của hệ sinh thái Trung Nam là 30.718 tỷ đồng, trong đó CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 chiếm đến 1/3 giá trị lưu hành với 10.170 tỷ đồng. Theo sau là Cty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP Trung Nam, CTCP Điện mặt trời Trung Nam...
Về giá trị đáo hạn, hơn 6.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào năm 2023 sắp tới. Hơn 3,500 tỷ đáo hạn vào năm 2023, 2.500 tỷ đáo hạn năm 2025 và từ năm 2026 đến 2035 là thời gian đáo hạn của số dư nợ còn lại.
Bên cạnh đó, Vndirect có vai trò rất lớn trong hệ sinh thái Trung Nam Group ở lĩnh vực trái phiếu.
Nợ nần của Trung Nam Group không chỉ đáng chú ý ở trái phiếu mà còn ở mục đích vay. Trong năm 2021, “chủ nợ” của Trung Nam Group khá đa dạng, từ ngân hàng, doanh nghiệp, tới cả cá nhân.
Trong đó, Trung Nam Group có khoản vay nhỏ (so với quy mô vốn và tổng tài sản) tại một ngân hàng TMCP. Đây là khoản vay ngắn hạn, giá trị gần 6,9 tỷ đồng. Lãi suất khoản vay chỉ là 5,7%/năm theo hình thức tín chấp.
Đáng chú ý, mục đích của khoản vay này là bổ sung vốn lưu động thanh toán lương cho cán bộ nhân viên.
Dù phải vay tiền trả lương cho nhân viên nhưng tại ngày 31/12/2021, Trung Nam Group vẫn ghi nhận chỉ tiêu Phải trả người lao động lên đến 19,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 13 tỷ đồng hồi cuối năm 2020.
Cùng với việc phải trả người lao động, Trung Nam Group nợ thuế phí khá lớn khi chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 133 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng, tương đương 478% so với cuối năm 2020.
Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp lên đến 131 tỷ đồng. 1,7 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân và 82 triệu đồng là thuế giá trị gia tăng.
PV
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/trung-nam-group-tai-san-hon-41000-ty-phai-vay-69-ty-de-tra-luong-nhan-vien-a154167.html