Ngóng đợi thị trường “rã đông”
Ông Đào Anh Trường, 54 tuổi, vừa lặn lội từ Hà Nội vào Tây Nguyên để thi công một công trình nhỏ. Đi cùng ông là 12 công nhân kỹ thuật gồm thợ hàn, lái máy, lái xe, đo đạc và cả nhân viên hậu cần.
Theo ông Trường, phải rời thị trường Hà Nội là bất đắc dĩ khi dự án mới không có, dự án đang xây thì tạm ngừng, trong khi nhà thầu chính không thanh toán đúng hạn. “Chúng tôi hiện chấp nhận co hẹp nhân sự, thi công cả công trình nhà ở tư nhân, dự án nhỏ tại các vùng xa, miễn là có thể duy trì hoạt động, đợi thời điểm BĐS khôi phục” – ông Trường nói thêm.
Chị Hằng, một nhân viên cảnh quan, chuyên chăm sóc cây xanh tại một dự án nghỉ dưỡng đang triển khai. Công việc mang lại cho chị mỗi tháng hơn 8 triệu đồng. “Đó là thu nhập hồi tháng 10, lần cuối cùng nhận đủ lương trước khi phải giảm 50% do công ty khó khăn. Lãnh đạo công ty hứa khi nào hoạt động trở lại bình thường, mức lương sẽ sớm khôi phục” – chị Hằng chia sẻ.
Ở quy mô hơn, tại các tập đoàn lớn với lõi là bất động sản (BĐS), những người đang nghỉ việc, chuyển việc đợi thời cơ quay lại, mong ngày mức lương “trở về” như trước có thể đến từ một công ty con trong hệ sinh thái đa dạng từng vận hành hết công suất.
“Một tập đoàn lớn thường phát triển hệ sinh thái của riêng mình. Ví dụ, nếu có BĐS nghỉ dưỡng, thì tập đoàn ấy có thể có công ty về quản lý vận hành, công ty cảnh quan, công ty dịch vụ du lịch… Thường thấy hơn thì cũng có công ty xây dựng, sàn phân phối dự án, công ty thiết kế kiến trúc, đơn vị phụ trách công nghệ… Tất cả tạo nên một dây chuyền chạy trơn tru quanh trục là BĐS. Khi trục quay phải phanh gấp, tất nhiên cả hệ thống sẽ ảnh hưởng theo” – lãnh đạo một tập đoàn địa ốc chia sẻ.
Cần nhanh khơi thông thanh khoản
Câu chuyện vận hành sôi động hay chững lại của thị trường địa ốc không chỉ ảnh hưởng lên hệ sinh thái của mỗi doanh nghiệp trong ngành. Bởi với sự liên quan tới hơn 40 ngành kinh tế quan trọng từ đóng góp trực tiếp, gián tiếp tới công ăn việc làm, thị trường BĐS được coi là “cánh chim báo bão”, đầu vào của nhiều ngành nghề khác nhau.
Từ lõi BĐS, ngay lập tức có thể gọi tên các ngành liên quan chặt chẽ như hạ tầng, thiết kế, vật tư, xây dựng, nội thất, gốm sứ, máy móc cơ điện, thiết bị gia dụng... Cơ hội phát triển của những ngành này sẽ lập tức thịnh, suy theo diễn biến thị trường địa ốc. Đó là chưa kể đến sau lưng BĐS còn có cả hệ thống tài chính.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, trong một bài phân tích mới đây với tiêu đề “Bất động sản trong nền kinh tế” cũng đã mô tả rõ hệ sinh thái hay cụm ngành BĐS.
Vị chuyên gia khẳng định, BĐS là một phần tất yếu và có vai trò vô cùng quan trọng trong một nền kinh tế. Đại đa số các hoạt động của loài người đều ở trên hoặc trong các BĐS. Nhà ở không chỉ là nơi cư ngụ mà nó còn là nguồn của cải và tiết kiệm lớn nhất của đa phần các hộ gia đình trên hành tinh của chúng ta. BĐS thương mại tạo ra việc làm và các hoạt động kinh tế.
Điển hình nhất cho thấy sức ảnh hưởng của địa ốc có thể nhìn rõ qua một năm đầy khó khăn của ngành xây dựng. Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay sau 3 quý đầu năm 2022, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu. Đại diện VACC cho rằng một trong những nguyên nhân chính là việc cạn room tín dụng khiến chủ đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ xây dựng.
Trạng thái của ngành BĐS còn phản ánh lên kết quả kinh doanh của không ít siêu thị nội thất, vật liệu và cả điện máy gia dụng ở các quy mô khác nhau. “BĐS thăng hoa thì nhu cầu mua sắm, hoàn thiện nhà cao, hoạt động kinh doanh của nhóm vật liệu, nội thất hay đồ gia dụng… cực kỳ sôi động. Ngược lại, khi thị trường địa ốc khó khăn, dự án chậm tiến độ, các ngành kinh doanh này cũng “rơi” theo. Riêng cuối năm nay lượng khách giảm hẳn…” – một chủ siêu thị nội thất tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/he-sinh-thai-bat-dong-san-ky-vong-khoi-sac-trong-nam-moi-a154264.html