Toàn cảnh cuộc khủng hoảng tại ‘đế chế’ của tỷ phú giàu nhất châu Á

Một trong những tập đoàn lớn nhất nhì tại Ấn Độ, Adani Group, sáng lập bởi tỷ phú Gautam Adani, đang đứng trước những khó khăn chưa từng có trong lịch sử.

z4086956135406-38b94311d44ac67d9c30c030d85bdc21-1675642807.jpg

Chân dung tỷ phú Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani

Adani Group, “đế chế” của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, là một tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng như quản lý cảng biển, sân bay, khai thác hầm mỏ, truyền tải điện, công nghệ thông tin.

Trong đó, tập đoàn có 7 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán với ước tính vốn hóa lên đến 218 tỷ USD. Nắm trong tay quyền điều hành nhiều cảng biển cũng như sân bay hàng đầu quốc gia, tập đoàn này có ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế chính của Ấn Độ.

Từng là người nắm giữ quyền hành tuyệt đối tại tập đoàn, tỷ phú Ấn Độ từng nằm trong top 3 người giàu nhất thế giới, hiện đang chuyển giao dần các công ty con cho các thành viên gia đình nắm giữ, đặc biệt là các con của ông.

Bị cáo buộc gian lận thương mại

Mới đây, Adani Group bỗng nhiên trở thành chủ đề nóng, khi Hindenburg Research, một công ty nghiên cứu đầu tư tại New York, bất ngờ tung ra bản báo cáo vào ngày 24/1/2023, cáo buộc tập đoàn top đầu Ấn Độ đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu cũng như gian lận báo cáo tài chính.

Sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, Hindenburg Research kết luận rằng các công ty con của tập đoàn này đang ngập trong nợ nần, giá cổ phiếu bị 'thổi’ quá mức và có khả năng giảm tới 85% giá trị sau thời gian ngắn.

Bản báo cáo của Hindenburg Research được đánh giá là rất đáng tin cậy và được nghiên cứu kỹ lưỡng theo chia sẻ trên Twitter của nhà đầu tư nổi tiếng Bill Ackman. Adani Group không phải là cái tên đầu tiên được Hindenburg  đưa vào tầm ngắm. Trước đó, cuộc “tấn công” nổi tiếng nhất mà Hindenburg Research từng thực hiện là nhắm vào nhà sản xuất xe điện Nikola.

Hindenburg Research cũng  nhấn mạnh rằng Adani Group đang được kiểm soát bởi phần lớn thành viên gia đình tỷ phú Gautam Adani, là một điều kiện thuận lợi cho các quyết định tài chính thiếu minh bạch trong nội bộ tập đoàn. Một vài thành viên đã từng bị cáo buộc có hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán, nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt trong tập đoàn. Điều đó khiến Hindenburg đặt ra nghi vấn về sự minh bạch trong công tác điều hành của doanh nghiệp.

Nghiên cứu cũng đề cập thêm đến nhiều tiền lệ xấu của Tập đoàn Adani khi nhiều lần đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, rửa tiền, ăn cắp tiền của người nộp thuế. Mặc dù không có bản án nào được hình thành, thế nhưng đó vẫn là những tin xấu làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của tập đoàn, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm như hiện tại.

Thao túng cổ phiếu và rửa tiền có lẽ là cáo buộc nghiêm trọng nhất mà Adani Group đang phải đối mặt. Theo bản báo cáo, Hindenburg Research cho biết giá cổ phiếu của các công ty thành viên Adani Group đã bị “bơm” lên một cách đáng ngờ vào nhiều thời điểm khác nhau. Với những diễn biến thất thường, SEBI, Ủy ban Chứng khoán Ấn Độ và sàn giao dịch chứng khoán quốc gia, đã có cuộc điều tra đối với tập đoàn về vấn đề trên.

Ngay sau khi cáo buộc xuất hiện, chỉ vài ngày sau đó, tổng vốn hoá của các công ty niêm yết thuộc Adani Group giảm đột biến về mức chưa tới 100 tỷ USD, ước tính suy giảm hơn 50%

Cổ phiếu của những trụ cột trong tập đoàn như Adani Enterprises, Adani Ports, Adani Green Energy, Adani Total Gas đồng loạt giảm sâu, và Adani Transmission cũng không ngoại lệ dù mức giảm có phần thấp hơn đáng kể.

Tháng 11/2022, Adani Enterprises lên kế hoạch chào bán cổ phiếu để huy động thêm 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, những cáo buộc của Hindenburg đã khiến giá cổ phiếu công ty giảm sâu, buộc ban lãnh đạo phải hủy bỏ kế hoạch phát hành.

Tâm lý của nhà đầu tư bị lung lay gây ra nhiều hệ luỵ trực tiếp đến tài chính của tập đoàn. Cụ thể, vốn hoá của Adani Group đã mất đi hơn 108 tỷ USD; cổ phiếu của Adani Enterprises giảm sâu nhất từ trước đến nay, vốn hoá của công ty này cũng bốc hơi gần 33,6 tỷ USD chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần.

Hệ quả lan rộng

Tim Buckley, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư và là giám đốc điều hành của Climate Energy Finance, cho biết: “Con đường huy động tiền của Adani đã bị hạn chế nghiêm trọng do những cáo buộc nghiêm trọng và việc bán cổ phần sau đó”.

Theo Bloomberg, hiện các trái phiếu được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ký quỹ của Adani Group đều không được hai ngân hàng uy tín bậc nhất là Credit Suisse và Citigroup chấp nhận.

Là tập đoàn hàng đầu Ấn Độ, sự khủng hoảng của Adani đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của cả quốc gia. Toàn bộ những ngân hàng cho tập đoàn này vay tiền, kể cả Ngân hàng Nhà nước State Bank of India, cũng phải chịu cảnh sụt giảm cổ phiếu nghiêm trọng.

Các nhà đầu tư đứng trước tình hình này cũng chọn cho mình lối đi an toàn, hơn 2 tỷ USD chi phí đầu tư từ nước ngoài đã bị rút khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ. Các chuyên gia Ấn Độ phân tích, tin tức tiêu cực về Tập đoàn Adani đang được phủ sóng trên nhiều quốc gia, khiến chứng khoán Ấn Độ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Liên tục phủ nhận các cáo buộc là “không có thật” và cho rằng đây là “cuộc tấn công có tính toán nhằm vào Ấn Độ”, tỷ phú Adani vẫn không thể làm yên lòng nhà đầu tư, thể hiện qua việc cổ phiếu của hệ sinh thái Adani Group vẫn “tuột dốc không phanh”.

Sở hữu lượng cổ phần lớn nhất, tỷ phú Gautam Adani đương nhiên không tránh khỏi hệ luỵ nặng nề từ cuộc khủng hoảng. Người từng giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng tỷ phú giàu nhất thế giới của Bloomberg, giờ đây, đã rớt hẳn khỏi top 10, chỉ trong một tuần, tài sản cá nhân của ông cũng đã “bốc hơi” hơn 40 tỷ USD. Bản cáo buộc của Hindenburg đã thành công làm tài sản của Adani Group bị ảnh hưởng nặng nề và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào "đế chế" Adani.

Đối với vị tỷ phú này, cú sốc tại tuổi 60 khiến Adani vừa mất đi tiền tài, danh tiếng, đồng thời gây cản trở đến sự nghiệp trong quãng đời còn lại của ông.

Nhằm trấn an nhà đầu tư, tỷ phú Gautam Adani lên tiếng rằng ngay khi các vấn đề được giải quyết, thị trường ổn định trở lại, công ty sẽ tiếp tục triển khai đợt chào bán cổ phiếu. Đồng thời, ông khẳng định rằng báo cáo tài chính của công ty rất minh bạch, tài chính vững mạnh, có nhiều tài sản bảo đảm cùng với dòng tiền ổn định, đặc biệt, ông luôn tự tin vào khả năng thanh toán các khoản nợ của tập đoàn.

Theo Quốc Anh/VNF

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/toan-canh-cuoc-khung-hoang-tai-de-che-cua-ty-phu-giau-nhat-chau-a-a154321.html